Khi nhà Nguyễn bắt đầu mở khoa thi Hội vào năm Minh Mạng thứ ba (1822), ông lên đường vào kinh đô Huế ứng thí và đỗ Tiến sĩ Hội nguyên, trở thành một trong những ông nghè khai khoa cho Triều Nguyễn.
Đường Hà Tông Quyền nằm trên địa bàn phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Ảnh: V.T.L |
Hà Tông Quyền (1798 - 1839), cũng được gọi là Hà Quyền hay Hà Tôn Quyền do kiêng tên húy Miên Tông của vua Thiệu Trị (làm vua từ năm 1841 đến 1847), tự Tốn Phủ, hiệu Phương Trạch và Hải Ông; người làng Cát Động, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, trấn Sơn Nam (nay thuộc thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội).
Theo Đại Nam liệt truyện thì cha ông là Hà Tông Đồng, đỗ Hương cống Triều Lê nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng. Cha mất sớm, ông được mẹ tần tảo chăm lo nuôi dưỡng, cho học hành đến nơi đến chốn.
Tương truyền, ông nổi tiếng thần đồng ngay từ nhỏ, có tài đọc sách rất nhanh, một thoáng liếc mắt có thể đọc được tới chục hàng chữ (nhất độc thập hàng). Truyện Hà Quyền chép trong quyển Phương Trạch Hà Tốn Phủ truyện (ký hiệu A. 2546 ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm) có câu: “Dạ tĩnh thường văn độc thư thanh” nghĩa là đêm thanh vắng thường nghe tiếng (ông) đọc sách.
Khi các thầy đồ ở trường làng “hết chữ”, ông khăn gói về Thăng Long xin theo học tại trường của Tiến sĩ Trai Phạm Quy Thích và ở đây, ông kết bạn với các danh sĩ sau này rất nổi tiếng như Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lữ, Vũ Tông Phan…
Năm Minh Mạng thứ hai (1821), ông thi đỗ Hương cống (về sau gọi là Cử nhân); năm sau, khi Nhà Nguyễn bắt đầu mở khoa thi Hội, ông lên đường vào kinh đô Huế ứng thí và đỗ Tiến sĩ Hội nguyên, trở thành một trong những ông nghè khai khoa cho Triều Nguyễn.
Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được lần lượt bổ vào các chức quan: Tri phủ Tân Bình (tỉnh Gia Định), Tham biện Quảng Trị, Thự thiêm sự Bộ Công, Thái thường tự Thiếu khanh, Hữu Thị lang Bộ Lễ, Hàn lâm viện Kiểm thảo.
Năm 1831, ông thăng làm Hữu Thị lang Bộ Hộ nhưng chủ yếu coi việc Nội các. Cuối năm này, vì một sơ suất nhỏ trong việc duyệt tài liệu, ông bị cách tuột mọi chức tước, và bị đi hiệu lực (đi lập công để chuộc tội) sang Ba Lăng (tức Bali thuộc quần đảo Nam Dương - Indonesia). Việc này, sách Đại Nam thực lục chép như sau:
“Mùa đông, tháng 11, năm Tân Mão (1831), Hộ Bộ Thị lang sung Nội các là Hà Quyền bị tội, mất chức, trước kia được giao bài thơ “Thu thành phân số” của nhà vua làm, dưới chỗ chú thích có chữ Thanh Xuyên huyện, người thuộc viên ở Nội các viết lầm là Thanh Châu. Vua hỏi Quyền, Quyền hoảng sợ, tâu: Trót theo tờ sớ của trấn. Sau biết là lầm, bèn lén đem chữa lại tờ sớ để cho đúng với lời tâu. Thuộc viên ở Nội các là Trần Lý Đạo đàn hặc Quyền về tội đó. Vua sai đình thần luận tội. Đáng xử tội đồ, nhưng vua đặc cách ra lệnh cách chức, cho làm lính, phát đi đường biển để gắng sức làm việc chuộc tội”.
Tuy nhiên, đến khoảng giữa năm 1832, vua Minh Mạng gọi ông về, cho phục chức cũ. Năm 1933, thăng ông làm Hữu Thị lang Bộ Công. Năm 1835, thăng ông làm Tham tri Bộ Lễ, vẫn coi việc Nội các. Đến năm 1839, ông được thăng làm Tham tri Bộ Lại sung đại thần Viện cơ mật.
Nhìn chung, bước đường hoạn lộ của ông quá đỗi gập ghềnh, cứ ba bốn năm lại bị một lần quở trách hoặc giáng phạt với lý do không đâu vào đâu. Ví như chuyện nhầm “Thanh Xuyên” thành “Thanh Châu” nói trên. Hay như chuyện ông bị phạt 3 tháng lương chỉ vì một lẽ rất kỳ cục. Số là năm 1834, có khoa thi Hương, các quan chấm trường Hà Nội lấy đỗ 37 cử nhân. Nhưng khi bài vở chuyển về kinh duyệt thì 4 người bị truất xuống bậc tú tài vì văn tầm thường và một người bị hỏng tuột do bài phú trùng vần. Hai viên chánh và phó chủ khảo bị giáng 3 cấp. Người có trách nhiệm tổ chức các kỳ thi là Thượng thư Bộ Lễ Phan Huy Thực cũng bị giáng chức với lý do là thiếu sáng suốt trong khi lựa chọn quan trường. Và kỳ cục thay, Hà Tông Quyền cũng bị phạt 3 tháng lương vì cái tội là… bạn của quan Thượng thư!
Hà Tông Quyền bình sinh liêm khiết; chết đi, chẳng có ruộng đất gì để lại cho con cháu. Ở làng Cát Động quê ông còn một ngôi miếu thờ ông thì chính là do hai người chắt ngoại góp tiền dựng nên. Ông chỉ để lại có vài tập sách hoặc chép tay hoặc sau này có khắc in: Tốn Phủ thi tập, Dương mộng thi tập, Liễu dương văn tập, Thăng Long tam thập vịnh, Vịnh Kiều v.v…
Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 635m, rộng 10,5m, từ đường Lê Đại Hành đến giáp đường Cách mạng Tháng Tám, theo Nghị quyết số 97/2010/NQ-HĐND, ngày 14-7-2010 về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC