.

Đi , thấy và nghĩ

.

Ngày nghỉ hưu, anh em thường đi bộ quanh công viên 29-3. Cũng gần 10 năm rồi, một số anh, chị đã dừng lại, dừng hẳn.

Một số anh “xuống” rất nhanh. Mới ngày nào, giày ba-ta, áo phông rất trai tráng, vậy mà hôm nay lựng chựng như thuở mới tập đi, mẹ theo sau đưa tay đỡ bồng sợ ngã. Thời gian của người nghỉ hưu thong thả. Đi nhiều khi không cần biết điểm đến. Đi, thấy và ngẫm ngợi. Sau mấy vòng quanh cái hồ có lẽ là đẹp nhất thành phố, rủ nhau tấp vào một quán cà-phê cóc nào đó. Chuyện thường không có chi mới cả.

Cái lạ nhất là không có gì lạ cả câu thơ của ai đó cứ  như là một sự nhắc nhỏ trong lòng. Cũng có khi chạnh nhớ bao kỷ niệm buồn vui thời trai trẻ, rồi xóa tan đi bởi những câu chuyện tiếu lâm cười xòa móm mém. Xong một buổi sáng ra về trong thanh thản đưa tay hẹn nhau ngày mai gặp lại. Quanh quẩn trong nhà, chút cơm, chút nước, nhiều khi da diết với cái ý nghĩ: một ngày qua là ngứt đi của ta một khoảng thời gian sống, như cá dần hết nước đâu có vui gì. “Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng, nghe giữa hồn cây cỏ mọc lao xao”... đọc trên tờ nguyệt san nào đó, quên tên tác giả mất rồi!

Một góc Công viên 29-3.    Ảnh: MINH TRÍ
Một góc Công viên 29-3. Ảnh: MINH TRÍ

Có lẽ phong trào đi bộ mới phát triển rộng rãi sau thời bao cấp thôi. Cái thời bếp trấu, củi đun thì chỉ có chạy bộ với sổ gạo, tem phiếu xếp hàng, tán gẫu trong thiếu thốn trăm bề thì có cần chi mà đi bộ, thể dục thể thao. Lâu lâu có trận bóng đá, cầm tờ báo chen khướt mồ hôi để ngồi chờ từ trưa cho đến 4 giờ chiều hò la khản cổ, nhiều khi nhớ lại cũng thấy vui đáo để . Mới hôm nào lòng rạo rực buổi đi dạy đầu tiên, mà hôm nay hưu đã dễ mười năm!  

Ra công viên thì đủ hạng tuổi, trai gái trẻ già, có khi có nhiều em học sinh tiểu học cũng dậy sớm, líu ríu theo ông bà, cha mẹ, thật đáng khen. Có khi tôi thấy cả mấy ông tây cũng đi mấy vòng, nhìn cách tây đi, thấy họ đi nhanh nhưng không vội vàng hấp tấp, có lẽ chân họ dài chăng hay do nếp sống, văn hóa huấn tập cho họ thói quen đó? Nhìn cảnh nhộn nhịp những người đi bộ trong tinh mơ, tôi thường bị ám ảnh bới cảnh những người phụ nữ gầy gò cầm cây sắt móc tìm trong các thùng rác để lấy bao ni-lon, vỏ chai... nhất là vào mùa mưa, chiếc xe đạp quá cũ với các bao tải to rộng móc trước, móc sau trên một khúc cây cột ngang.

Gió lạnh, mưa lất phất… hoàn cảnh của những chị ấy tôi không biết. Cũng một kiếp người mà sao kẻ ăn không hết, người lần không ra. Nói nói vậy thôi, xã hội thì có người tài, người kém, người may mắn kẻ không, chứ làm gì xếp hàng như nhau? Ai đó nói rằng, hạnh phúc thì giống nhau, nhưng đau khổ thì rất khác nhau. Đọc báo thỉnh thoáng kể về những tấm gương có người đi nhặt rác, chai bao để nuôi con ăn học đại học. Đáng kính phục các bậc cha mẹ ấy, càng kính phục các em biết thương cha mẹ, lo lắng học hành.

Trong công viên thỉnh thoảng có những đôi tình nhân bình yên dạo bước, dưới tán cây xanh, trên trời mây bay trắng xóa thật đẹp. Mình không còn trẻ, nhưng ai mà không có một thời tuổi trẻ? Ngày xưa khi yêu, không có nhiều những không gian lãng mạn. Hình như Phan Duy Nhân viết về thời Đà Nẵng trước 1975: Ôi Đà Nẵng/Bây giờ hai người yêu nhau/ Không tìm ra chỗ hẹn”. Bây giờ khác trước nhiều, công viên thật đẹp này vốn ngày xưa là cái hầm bứa. Thật lòng tôi không hiểu lắm từ bứa nghĩa là gì, nhưng tôi biết, rác của cả cái thị xã này dồn về một nơi ấy. Hôm nay công viên này mới thật là vườn công. Các hàng rào kiên cố vây tứ phía được giở bỏ, để cho tất cả tự do ra vào. Đẹp là vậy nhưng rất tiếc vẫn còn những cảnh chưa đẹp.

Tôi đã thấy không ít lần, nhất là vào buổi tối, dưới các lùm cây rậm che khuất, nhiều đôi lứa tuổi còn rất nhỏ, họ ôm riết lấy nhau, và làm cả cái chuyện yêu nhau coi như trời đất này không có ai. Chuyện đó không lạ nhưng tôi cứ nghĩ rất nhiều về cảnh mấy em nhỏ bí mật, lặng lẽ ngồi rình cảnh yêu của những đôi thanh niên, cả trung niên nữa và có cả những tà áo dài học sinh. Hình như các em không còn biết hổ thẹn. Chợt nhớ câu nói của người xưa “hổ thẹn là đầu mối của đạo đức”. Có lẽ nào các em không còn biết hổ thẹn?  Đọc báo thông tin, mỗi năm nước mình có hơn 300 ngàn ca nạo phá thai mà đa số là học sinh, sinh viên; 3 tỷ lít bia chưa kể rượu, thuộc loại cao nhất châu Á mà chợt lặng người.

NGUYỄN ĐỨC THẮNG

;
.
.
.
.
.