Đà Nẵng cuối tuần
Đà Nẵng và thơ viết về thiếu nhi
Nhiều năm qua, tại thành phố Đà Nẵng, trong lĩnh vực văn học thiếu nhi, nếu đội ngũ cầm bút viết văn xuôi chỉ có thể đếm được đầu ngón tay, thì số người làm thơ cũng không nhiều. Cụ thể, những nhà thơ tâm huyết có nhiều tác phẩm dành cho các em có thể nhắc đến như: Thanh Quế, Ngân Vịnh, Đông Trình, Huy Lộc, Trương Văn Ngọc, Đỗ Xuân Đồng, Bùi Xuân… Song đến nay, trong số đó, có tác giả hầu như suốt thời gian dài không có thêm sáng tác mới.
Tập thơ La đà bướm bay của Nguyễn Kiên. |
Thanh Quế lâu nay vốn nổi tiếng với trên dưới 30 tập văn xuôi, bao gồm: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn và chân dung văn nghệ… nhưng hầu hết, bạn đọc vẫn thường gọi ông là nhà thơ, mà lại là nhà thơ viết về thiếu nhi. Tuổi thơ của ông lăn lộn và phiêu dạt trong cuộc chiến tranh tàn khốc, vậy mà trang ký ức của anh bao giờ cũng êm đềm, dịu ngọt: Hàng sấu nào tuổi nhỏ/ Mình vung đá ném chơi/ Con đường nào ngày ấy/ Mình với người song đôi/ Mùa thu trời xanh lắm/ Nắng vàng ơi là vàng… (Hà Nội ơi).
Nhà thơ Đông Trình, tác giả để dấu ấn đậm nét trong dòng thơ đấu tranh của phong trào học sinh sinh viên ở các đô thị miền Nam thời Mỹ-ngụy tạm chiếm. Song về sau ông sáng tác nhiều thơ cho các em, như các tập: Những chiếc xe màu lửa (giải thưởng của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam năm 1994), “Giữa thực và mơ” (NXB Đà Nẵng 2008)... Thơ Đông Trình viết cho thiếu nhi giản dị, hồn nhiên, nhưng cũng ẩn chứa những góc nhìn con trẻ khiến người lớn chúng ta phải suy nghĩ. Đặc biệt, nhiều bài thơ sử dụng những hình ảnh nhân hóa, ẩn dụ hết sức nhuần nhị, tưởng chỉ để tả cảnh nhưng lại đậm tính nhân văn, có giá trị giáo dục tình cảm gia đình một cách sâu sắc.
Nhà thơ Trương Văn Ngọc với tập thơ Đất có nói gì đâu (NXB Hội Nhà văn 9-2005) có lẽ là một trong những kỷ niệm tâm đắc nhất của ông dành cho các em suốt quá trình làm thơ lâu nay. Đọc thơ ông, ta như bắt gặp quen thân đâu đó những hình ảnh đường làng, mẹ, gió, chim, cỏ dại, hoa thơm, quả ngọt và những chú bé, cô bé nào đó áo quần cát bụi chạy lon xon khắp làng để vui chơi. Ngôn ngữ Trương Văn Ngọc sử dụng giản đơn, mộc mạc, nhưng đầy ắp tình cảm gia đình, gắn bó day dứt, mà lại dịu êm như câu chuyện cổ tích: Ba sẽ làm tất cả/Theo con tới mọi miền/ Đời con như cổ tích/ Ba sẽ làm bà tiên (Nếu đời con như cổ tích).
Nhà thơ Ngân Vịnh là tác giả có nhiều bài thơ nổi tiếng ở nhiều đề tài. Thế nhưng, trong trái tim ông, vẫn luôn dành một góc đặc biệt để sáng tác những bài thơ cho các em. Có thể nói, ít có người làm thơ dành tình yêu cho thiếu nhi say sưa và kiên trì như Ngân Vịnh. Bằng giọng kể chuyện duyên dáng hóm hỉnh, tinh nghịch thơ Ngân Vịnh đã giúp các em tìm hiểu về thiên nhiên về cuộc sống quanh ta với cái nhìn ngạc nhiên mới lạ. Sau 2 tập thơ Ếch con và hoa sen, Tiếng đàn của dế được đông đảo các em đón nhận từ nhiều năm trước, trong năm 2013 vừa qua với tập Con chuồn chuồn nghê (NXB Đà Nẵng), một lần nữa, Ngân Vịnh khẳng định sự thành công trong lĩnh vực văn học thiếu nhi.
Đáng chú ý, trong điều kiện người viết cho thiếu nhi ngày một thiếu vắng, cùng với nhà thơ Ngân Vịnh, năm vừa qua, tác giả Nguyễn Kiên với tập La đà bướm bay của (NXB Đà Nẵng), gồm hơn 40 bài thơ súc tích, dí dỏm… đến với bạn đọc như là một sự đóng góp cần thiết và có ý nghĩa của văn học thiếu nhi Đà Nẵng. Ngay ở cái tựa “La đà bướm bay”, tác giả gần như đã mở ra cho bạn đọc một khu vườn tuổi thơ, đầy ắp thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Trong số 35 bài thơ, đã có đến gần 30 bài tác giả say sưa dẫn dắt người đọc đến những câu chuyện mang hình ảnh ông mặt trời, con giun đất, con ong bé nhỏ, chú chim, chú cá, gà trống, quả ớt, quả đu đủ… tất cả đều nằm trong một không gian yên lành, lung linh màu sắc nhộn nhịp, tươi vui đẹp như cổ tích.
Điều thú vị của tập thơ, là thay vì can thiệp vào những câu hỏi trẻ thơ, tác giả để câu chuyện tự thân hé lộ. Chẳng hạn, ở bài : “Còn bé mặc áo xanh/Lớn lên mặc áo đỏ/ Bà hái đầy giỏ/ Làm tương ớt/ Dầm tương cà/ Em hít hà/ Thương nhà nông chảy nước mắt” (Ớt chín); Cứ sáu mươi giây/ Là tròn một phút/ Cứ sáu mươi phút/ Tính được một giờ/ Đi học đúng giờ/ Là nhờ nó đấy… (Đồng hồ treo tường).
Nhìn chung, trong lĩnh vực thi ca, hiện nay, số đông các tác giả vẫn tránh né đề tài viết cho thiếu nhi. Bởi viết cho các em đơn giản quá thì sẽ thành vụng về, ngớ ngẩn. Nhưng cầu kỳ quá, thì không dễ dàng để các em tiếp nhận. Thơ thiếu nhi tựa những câu chuyện cực ngắn, gần gũi, song phải mang nhiều nhạc tính, mang phong vị cổ tích và đồng thoại, lung linh hình ảnh sắc màu không gian thiên nhiên...
Do vậy, những đóng góp nói trên của các tác giả thật đáng quý và mong sao, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều người làm thơ về thiếu nhi hơn nữa.
TRẦN TRUNG SÁNG