.

Loay hoay với thiết chế văn hóa

.

Là quận trung tâm của một thành phố động lực miền Trung và Tây Nguyên nhưng đến nay, Hải Châu vẫn đối mặt với tình trạng thiếu thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở.

Ông Lê Minh Đức, người trông coi NVH phường Phước Ninh, lo lắng trước sự lãng phí và xuống cấp của nhà văn hóa do bong tróc, thấm dột.
Ông Lê Minh Đức, người trông coi NVH phường Phước Ninh, lo lắng trước sự lãng phí và xuống cấp của nhà văn hóa do bong tróc, thấm dột.

40% phường chưa có nhà văn hóa (NVH)

Là một phường nằm ở địa bàn trung tâm quận, nhưng theo ông Huỳnh Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Ninh thì phường chỉ có 1 NVH phường và 1 nhà sinh hoạt cộng đồng. Hai cơ sở này đã có một số hạng mục xuống cấp như mái tôn, tường thấm dột vào mùa mưa. NVH phường (94 Hoàng Văn Thụ) được xây dựng từ năm 2005 và chủ yếu sử dụng cho sinh hoạt của 6 chi bộ và 9 tổ dân phố ở lân cận. Còn nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng từ năm 2012 với địa điểm tốt nhưng cơ sở vật chất thiếu nhiều, là nơi sinh hoạt 7 tổ dân phố, tổ bảo vệ dân phố và dân phòng trực ban đêm.  

Không chỉ riêng phường Phước Ninh, hiện tại, nhiều NVH chủ yếu chỉ dành cho hội họp, sinh hoạt, có nơi chỉ cho thuê mặt bằng hoặc làm nơi giữ xe. Nhiều nơi xây dựng cơ sở vật chất nhưng còn thiếu trang thiết bị hoạt động. Ở một số phường, nhất là phường trung tâm gặp nhiều khó khăn về quy hoạch, bố trí địa điểm đất đai để xây dựng. Hầu hết các khu vui chơi giải trí đã xuống cấp, thiết bị nghèo nàn, nội dung và hình thức hoạt động còn đơn điệu, kém hấp dẫn, thiếu cây xanh và người quản lý.

Qua khảo sát thực tế các NVH trên địa bàn quận Hải Châu, chúng tôi nhận thấy có nhiều NVH qua nhiều năm không có kinh phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nên xuống cấp nghiêm trọng. Hiện quận mới chỉ có 16 NVH phường và NVH ở các khu dân cư; 37 nhà sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tổ dân phố; còn 40% tổng số phường chưa có NVH, khu vui chơi giải trí, sân thể thao.

“Chưa có chế độ đãi ngộ cho cán bộ văn hóa thể thao (VHTT), không có bồi dưỡng, phụ cấp cho cán bộ quản lý NVH; trong khi đó, ngân sách văn hóa thể dục-thể thao ở các phường chỉ căn cứ vào số dân nên những phường ít dân thì ngân sách hạn chế, rất khó tổ chức hoạt động”  là trăn trở của ông Mai Công Nghị, Trưởng phòng Văn hóa thông tin quận trước thực trạng này.

Chưa sử dụng tốt công năng

Qua nhiều năm không có kinh phí sửa chữa, công năng sử dụng của nhiều NVH hiệu quả còn kém. Ông Đỗ Đình Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hiên dẫn chứng: NVH phường đã được đầu tư vài trăm triệu đồng, xây dựng được 1 hội trường và 1 sân khấu, thiết bị còn nghèo nàn, nên mới chỉ phù hợp với việc sử dụng sinh hoạt cộng đồng mà không có bất kỳ hoạt động gì sôi động, gây lãng phí, chưa sử dụng tốt công năng. Cán bộ quản lý NVH chưa được tập huấn về công tác quản lý, lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng… Hiện tại, để NVH hoạt động có phần sôi động hơn, được sử dụng và dọn dẹp sạch sẽ thường xuyên hơn, phường cũng đã mạnh dạn cho phép một số câu lạc bộ vào sinh hoạt.

Qua kiểm tra thực trạng quản lý và sự lãng phí của các NVH, Bí thư Quận ủy Hải Châu Đặng Việt Dũng cho biết: Chúng ta cần bàn mô hình quản lý xem đã được chưa, mô hình nào là hợp lý. Đã bỏ tiền ra đầu tư rồi thì phải sử dụng sao cho hiệu quả. Hiện một số khu đất trống ở địa phương, quận đã thống nhất với Sở Xây dựng đầu tư xây dựng phục vụ vui chơi giải trí công cộng, nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhưng tiền đâu để đầu tư trong khi thành phố đang khó khăn, nếu để lâu thì sẽ bị lấn chiếm mất đất. Do đó, cần đưa ra giải pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm, có thể Nhà nước 60%, nhân dân 40% hoặc ngược lại.

Ủng hộ cho chủ trương xã hội hóa, ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam dẫn chứng, trong thời gian qua phường cũng đã kêu gọi nhân dân, các chi bộ đóng góp 100 triệu đồng xây dựng 1 vườn dạo. Trong khi đó, phường Hòa Thuận Tây cũng đã thực hiện chủ trương xã hội hóa bằng việc kêu gọi nhân dân đóng góp 70 triệu đồng trồng cây xanh và đặt các thiết bị cho khu vui chơi ở khu vực tổ 40, 41, 43 nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của một số đông cán bộ hưu trí.

Tuy nhiên, nhiều phường cũng băn khoăn, liệu việc các phường tự xã hội hóa có trái với Thông tư số 12/2010 của Bộ VH-TT&DL quy định về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm VHTT xã hay không, do đó thành phố cũng cần có hướng dẫn quy định rõ trong việc thực hiện xã hội hóa để các phường khỏi gặp khó khăn trong quá trình triển khai.

Thành phố đi học mô hình nông thôn

Theo Thông tư số 12, Trung tâm VHTT xã, do UBND cấp huyện thành lập trên cơ sở hợp nhất các cơ sở hiện có như NVH, sân vận động, nhà tập luyện thể dục thể thao, câu lạc bộ văn hóa, câu lạc bộ thể dục thể thao hoặc đài truyền thanh, trung tâm học tập cộng đồng ở xã. Diện tích đất qui hoạch khu Trung tâm VHTT xã (không tính diện tích sân vận động)tối thiểu 2.500m2. Như vậy, nếu các Trung tâm VHTT các phường được thành lập sẽ khó có đủ diện tích để đáp ứng tiêu chuẩn này.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, để hoạt động thiết thực và nâng cao hiệu quả, chúng ta cần làm rõ xã hội hóa theo hai trường hợp. Thứ nhất, Nhà nước và nhân dân cùng làm thì công trình Nhà nước quản lý, nhân dân tổ chức hoạt động bên trong. Ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít, không được cào bằng. Thứ hai, nếu dân tự đầu tư, thì Nhà nước hỗ trợ mặt bằng sau đó lấy kinh phí trùng tu các công trình thiết chế văn hóa, tránh sử dụng kinh phí bồi dưỡng tăng thu nhập cho cán bộ phường từ nguồn này.

 Cũng theo ông Chiến, hiện nay thiết chế văn hóa của thành phố không đồng bộ, chưa rõ ràng và kém hiệu quả. Mới có 2 xã Hòa Châu và Hòa Tiến hoàn thiện về thiết chế văn hóa nhờ đạt chuẩn nông thôn mới sau khi được đầu tư cấp tập. Còn lại các phường không được đặt vấn đề này nên xuống cấp nghiêm trọng. “Đối với thể thao, Trung tâm VHTT các quận, huyện nên đi học mô hình hoạt động thể thao của quận Ngũ Hành Sơn, về văn hóa thì nên học mô hình của huyện Hòa Vang”, ông Chiến đề nghị.

Tại xã Hòa Châu, hiện có 8 NVH thôn đều được trang bị âm thanh, ánh sáng, bàn ghế và một số tủ để sách pháp luật… vừa được sử dụng để hội họp vừa là điểm vui chơi giải trí của người dân như sinh hoạt thôn, đoàn thể, các hoạt động văn nghệ thể dục thể thao. Một số khu còn có sân khấu lộ thiên để tổ chức các hoạt động văn nghệ vào ban đêm và có cả sân chơi cho câu lạc bộ người cao tuổi tập dưỡng sinh, câu lạc bộ bóng chuyền, cầu lông và sắp tới xã sẽ thành lập thêm câu lạc bộ võ thuật. “So với các phường, thì ở thôn có đất rộng nên NVH thôn còn xây dựng nhiều khu dành cho các hoạt động VHTT. Hơn nữa, do người dân ở xa trung tâm nên tất cả các hoạt động sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao đều tập trung ở NVH thôn”, ông Đỗ Quốc Thụ, Trưởng ban Văn hóa xã Hòa Châu cho biết.
Việc các thiết chế văn hóa ở phường xuống cấp và hoạt động kém hiệu quả so với các xã ở vùng nông thôn là một vấn đề chúng ta cần suy ngẫm. Tuy nhiên, ngoài khó khăn về mặt bằng để đầu tư xây dựng Trung tâm VHTT phường đạt chuẩn theo quy định của Thông tư 12 của Bộ

VH-TT&DL thì các phường vẫn còn có nhiều thuận lợi để huy động sự đóng góp của nhân dân và các tổ chức trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa. Với lợi thế nằm ở trung tâm thành phố, các phường có điều kiện thu hút nhiều câu lạc bộ, nhiều mô hình hoạt động văn hóa phong phú và đa dạng hơn. Chúng tôi tin rằng, quận Hải Châu sẽ làm được nếu có quyết tâm và sự quan tâm đầu tư đúng mức cho văn hóa cơ sở trong thời gian tới.  

Xã Hòa Châu (Hòa Vang) đã đầu tư xây dựng được nhiều khu v
Xã Hòa Châu (Hòa Vang) đã đầu tư xây dựng được nhiều khu văn hóa thôn khang trang, sạch đẹp, vừa qua, cùng với xã Hòa Tiến, Hòa Châu được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.Ảnh: Đ.L

Đầu năm 2014, Bí thư Thành ủy đã chọn Sở
VH-TT&DL làm việc đầu tiên. Một trong những khúc mắc được đưa ra trao đổi là thiết chế văn hóa ở cơ sở. Bí thư Thành ủy cũng đã nhìn nhận: Đầu tư cho văn hóa của thành phố trong thời gian dài không được chú trọng, mức bình quân đầu tư cho văn hóa mới chỉ 0,8% GDP còn cả nước là 2%. Bí thư đề nghị năm 2014 đầu tư bằng 1,5 lần của năm 2013 và năm 2015 bằng 2 lần năm 2013. Tuy vậy, cũng mới chỉ bằng bình quân của cả nước trong tình hình hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
 

ĐOÀN LƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.