.

Nói thêm một số điều tâm đắc thuốc Nam

.

* Cảnh giác thuốc Bắc

Theo Lương y Lê Hữu Mạch, Chủ tịch Hội Đông y thành phố Huế, hiện nay chất lượng dược liệu thuốc bắc nhập từ Trung Quốc đang có nhiều vấn đề.

Không chỉ cảnh giác với các vị thuốc như Phòng kỷ, Mộc thông, Tế tân… như các cơ quan chức năng đã đưa tin, bản thân ông đã chứng kiến tại Huế có đến mười người phù thận sau khi dùng thuốc bắc, trong đó có nhiều  người ông nghi do dùng Thương truật giả. Kinh nghiệm của ông khi dùng Thương truật nên mua loại củ chưa bào chế, đổ vào nước chỉ vớt lấy củ nổi lên, còn những củ chìm cần loại bỏ vì thường là củ “Thương truật” giả, chưa rõ nguồn gốc.

Lương y Lê Hữu Mạch đang khám bệnh. Ảnh: P.L
Lương y Lê Hữu Mạch đang khám bệnh. Ảnh: P.L

Theo phương châm “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt” của Thiền sư Tuệ Tĩnh, lương y Mạch rất chú trọng khai thác sử dụng thuốc Nam. Nhiều vị thuốc ông chủ động trồng hái như Bạc hà, Hoắc hương, Ké ngựa… Đặc biệt ông rất tâm đắc với vị thuốc Sâm đại hành. Đây là loài cây thuốc đặc hữu của vùng Đông Đông dương, tính dược ôn hòa nhưng đa dụng, vừa bổ vừa công, hàn nhiệt hư thực, uống trong đắp ngoài đều dùng được.  Có thể dùng trị thiếu máu, vàng da, hoa mắt, choáng váng, nhức đầu, mệt mỏi, băng huyết, ho ra máu, thương tích lưu huyết, ho, ho lao, ho gà, viêm họng cấp và mạn, tê bại do thiếu dinh dưỡng, đinh nhọt, viêm da, lở ngứa, chốc đầu trẻ em, tổ đỉa, vẩy nến… Kinh nghiệm của lương y Mạch dùng Sâm đại hành làm thuốc bổ hư nên hấp chín rồi mới phơi sấy khô, dùng tiêu độc và chữa bệnh thực nên dùng tươi hoặc để sống phơi khô.

Bài thuốc trị chó dại cắn

Thuở hoa niên, dù đã học ra nghề từ người chú ruột và một thầy thuốc nổi tiếng trong vùng là thầy Nguyễn Khoái, nhưng nghe thầy nào, ở đâu có bài thuốc hay Lương y Mạch đều tìm đến xin học. Có lần nghe một thầy thuốc chữa chó dại, ông đã nhiều lần tìm đến, thấy vị thầy thuốc trẻ, ông thầy gia truyền tỏ ý không muốn tiếp. Nhưng về sau, thấy chàng trai trẻ kiên trì và ham học, có thể đọc thông chữ Hán trong liễn đối nhà mình, ông thầy đổi ý ra tiếp chuyện và cuối cùng sẵn sàng trao truyền bài thuốc chữa chó dại cắn để cứu người khi cần. Bài thuốc chỉ vỏn vẹn một câu ca: “Hùng hoàng, Cam thảo, Thần sa/ Rễ dâu, Rễ duối, Dây ma, Nấm cầu”. Ngoài 5 vị thuốc bắc, thuốc nam ở đầu, bí quyết trao truyền ở đây là 2 vị thuốc không có trong sách vở ở cuối: Dây ma là dây lạt buộc quan tài trong đám ma sau khi hạ huyệt tháo ra; còn Nấm cầu là loại nấm mọc dưới trụ cầu gỗ nơi tiếp xúc mặt nước.  

Vì ngành y tế sau này có chỉ thị không cho Đông y chữa chó dại cắn, nên bài thuốc dù bỏ nhiều công sức mới học được, nhưng chỉ có duy nhất một lần trong đời, trong tình thế bất khả kháng, Lương y Mạch phải đem ra sử dụng, dù chữa thành công cho một ca bệnh duy nhất, nhưng chưa thể đánh giá khách quan được. Thật đáng tiếc!

PHAN LANG
 

;
.
.
.
.
.