Đà Nẵng cuối tuần
Đình làng Hải Châu
Qua các di vật còn lưu giữ tại đình cộng với nguồn sử liệu, các nhà nghiên cứu đã xác định đình Hải Châu là chùa Phước Hải xưa, nơi chúa Nguyễn Phúc Chu năm Kỷ Hợi (1719) đã vào Quảng Nam và nghỉ lại, sau đó dân làng đã lập bàn thờ ông tại đây.
Đình Hải Châu và tam quan có 4 chữ “Hải Châu Chính Xã”. Ảnh: L.G.L |
Theo các vị cao niên làng Hải Châu, đình Hải Châu ban đầu được lập vào năm 1804 tại khu đất Nghĩa Lợi bên bờ tây sông Hàn, mặt quay về hướng đông. Sau những năm liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng (1858 - 1860), đình bị hư hỏng nặng, các họ tộc trong làng quyết định dời đình đến địa điểm nay là Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, 99 Hùng Vương. Hơn 4 thập niên sau, năm 1903, khi bệnh đậu mùa bùng phát dữ dội tại Đà Nẵng, người Pháp đã trưng dụng đình để đưa bệnh nhân vào chữa trị. Cho rằng nơi thờ tự các đấng tiền hiền làng mình đã bị ô uế, các họ tộc quyết định di dời đình lần nữa đến địa điểm ngày nay, năm 1904 xây dựng, năm 1957 trùng tu và giữ nguyên trạng cho đến khi xây mới toàn bộ vào các năm 2004 - 2005.
Đình Hải Châu hiện tọa lạc trong khuôn viên một cụm di tích rộng 3.500m2 gồm đình, nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ chư phái tộc và miếu Bà, nằm trong một con hẻm trên đường Phan Châu Trinh, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu. Trước đình là một hồ nước với hòn non bộ rợp bóng cây si trên dưới trăm tuổi. Trên cổng tam quan vẫn còn ghi “Hải Châu Chánh Xã” bằng chữ Hán. Bên trái nhà thờ Tiền hiền là Nhà thờ tộc Nguyễn Văn (mới tách ra), bên phải là Kinh An Tự thờ chung 42 bài vị của 42 tộc họ, tất cả đều từ thôn Hiếu Hiền, xã Hải Châu, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, theo vua Lê Thánh Tôn vào Nam từ năm Tân Mão (1471).
Trong đình còn lưu giữ nhiều hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng bằng chữ Hán, có niên đại hàng trăm năm, như mô tả của cuốn Đình làng Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, 2012) của nhóm tác giả Hồ Tấn Tuấn (chủ biên) - Lê Xuân Thông - Đinh Thị Toan. Theo đó, đình có 9 bức hoành phi (được làm vào các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Bảo Đại) và 2 cặp liễn đối làm bằng gỗ, tất cả được khắc chạm rất đẹp, có giá trị nghệ thuật cao.
Ngoài ra, cũng theo mô tả của sách đã dẫn, còn có 3 tấm bia bằng đá cẩm thạch, trong đó có một tấm cao 1,2m, rộng 0,7m, được lập vào năm Tự Đức thứ 14 (1861), trên trán bia chạm “lưỡng long triều nguyệt” đường nét sắc sảo với hình hai con rồng uyển chuyển chầu mặt trăng, ghi việc trùng tu miếu thờ Quan Thánh ở Hải Châu Chánh Xã. Hai tấm còn lại lập vào năm Bảo Đại nguyên niên (1926), ghi công đức của nhân dân Hải Châu đóng góp tiền của sửa chữa lại đình và nhà thờ 42 chư phái tộc.
Đặc biệt, trên gác chuông đình Hải Châu hiện còn 1 chiếc chuông đồng, trên đỉnh đúc hình hai con bồ lao đầu chồm ra hai bên, phần thân nối liền nhau ở giữa. Thân chuông khắc một bài minh bằng chữ Hán: “Minh Mạng ngũ niên, Giáp Thân trùng tu bản tự, thứ niên khâm phụng, sắc tứ Phước Hải tự. Minh Mạng thập tam niên, Nhâm Thìn cát đán, Hải Châu xã đồng kính tạo”. Dịch nghĩa: “Vào năm Minh Mạng thứ 5, năm Giáp Thân (1825) đã trùng tu chùa này, năm sau được ban sắc tứ là chùa Phước Hải. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), ngày tốt năm Nhâm Thìn, nhân dân xã Hải Châu đồng kính tạo”.
Nội dung bài minh trên chuông trùng khớp với mô tả của sách Đại Nam nhất thống chí (phần tỉnh Quảng Nam): “Chùa Phước Hải: ở xã Hải Châu chính, huyện Hòa Vang sửa lại năm Minh Mạng thứ 5. Năm thứ 6 Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng - NV) đi tuần du phương Nam, xa giá qua chùa cho biển ngạch Phước Hải tự và ban cho 100 quan tiền”.
Chùa Phước Hải hiện không còn dấu tích, nhưng qua các di vật còn lưu giữ cộng với nguồn sử liệu, các nhà nghiên cứu đã xác định đình Hải Châu là chùa Phước Hải xưa, nơi chúa Nguyễn Phúc Chu năm Kỷ Hợi (1719) đã vào Quảng Nam và nghỉ lại, sau đó dân làng đã lập bàn thờ ông tại đây.
Theo gia phả họ Nguyễn Văn, một trong 42 họ tộc vào mở đất Đà Nẵng xưa, sau khi vua Lê Thánh Tông dẹp yên giặc giã trong cuộc Nam chinh năm 1471, vua lập ấp Hàn Giang và tiền nhân 42 họ tộc này đã cùng nhau đứng ra lập làng Hải Châu để nhớ gốc gác của mình, về sau được Triều Nguyễn sắc phong “chánh xã”. Đình Hải Châu chính là nơi lưu giữ nhiều nhất các di vật có giá trị cao về lịch sử - văn hóa của một tiến trình mở đất gần 550 năm trước, khi những cư dân đầu tiên này đã đặt nền móng và không ngừng đóng góp công sức cho sự hình thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ và thành phố Đà Nẵng hiện nay.
LÊ GIA LỘC