Đà Nẵng cuối tuần
Sắc phong làng Khuê Đông
Đình Khuê Đông (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) hiện lưu giữ 18 sắc phong, trong đó có hai sắc phong ghi ngày 11 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ hai. Đây là hai sắc phong có niên đại sớm nhất được tìm thấy ở Đà Nẵng.
Làng Khuê Đông có hai sắc phong có niên đại sớm nhất được tìm thấy ở Đà Nẵng. Ảnh: L.G.L |
Làng Khuê Đông nguyên là xã Hóa Khuê Đông (nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), một trong Hóa Khuê ngũ ấp đồng canh gồm Khuê Đông, Khuê Trung, Khuê Bắc, Hòa Thuận, Sơn Thủy. Khuê Đông được khai phá bởi hai vị tiền hiền họ Trần làng Khuê Trung (nay thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).
Theo cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng phường Khuê Trung 1930 - 1975” (NXB Đà Nẵng, 2005), hai anh em ruột Trần Kim Bảng và Trần Kim Tương vâng mệnh vua Lê Thánh Tông rời quê nhà Thanh Hóa vào khai phá đất đai lập nên làng Hóa Khuê (tức gồm cả Khuê Trung hiện nay). Để tưởng nhớ cố hương, hai ông đã đặt tên cho quê hương thứ hai của mình là “Quá Quê”, một cách đọc chệnh từ “Hóa” ra “Quá” theo phát âm của địa phương. Riêng từ “Quê” thì đến đời vua Tự Đức đổi thành Khuê, tên chữ Hóa Khuê ra đời từ đó.
Sau khi làng Quá Quê Trung ổn định, hai ông cùng với người em gái (bà Trần Thị Kim Hoa) chuyển sang khai phá vùng đất phía đông bên kia sông Cái gần Ngũ Hành Sơn và đặt tên vùng đất mới này là Quá Quê Đông, về sau là Hóa Khuê Đông, tức Khuê Đông ngày nay.
Khuê Đông xưa có lễ rước sắc rất trang trọng, sách đã dẫn mô tả như sau:
“Tấm bằng sắc được trang trọng đặt trên một bàn long đình trang hoàng lộng lẫy, 8 hoặc 12 người khiêng phục trang như những người lính khiêng kiệu cung đình. Dẫn đầu đám rước là một đoàn chiêng trống, ban nhạc lễ và hai dãy các loại cờ vuông, cờ đuôi nheo, nhiều màu sắc cùng với ban chủ tế và bộ phận học trò lễ, theo sau là các vị bô lão chức sắc trong làng. Chiêng trống nhạc lễ được tấu lên suốt từ đoạn đường từ đình chánh về tận địa phương. Về đến nơi mọi việc tế lễ lại diễn ra tuần tự như đám lễ đình chánh, quy mô nhỏ tùy theo địa phương”.
Trong một lần đi điền dã về Khuê Đông, chúng tôi nghe các vị cao niên nơi này cho biết làng Khuê Đông hiện còn 19 sắc phong. Tuy nhiên, theo các tác giả Lê Xuân Thông - Đinh Thị Toan trong cuốn “Sắc phong ở Đà Nẵng” (NXB Thuận Hóa, 2013) thì nơi này chỉ còn 18 sắc phong từ năm Minh Mệnh thứ hai (1821) đến năm Khải Định thứ hai (1917).
Hai sắc phong có niên đại sớm nhất ghi ngày 11 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ hai; một gia tặng Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc tôn thần mỹ hiệu Hồng Nhân Phổ Tế Linh Cảm thượng đẳng thần, một gia tặng cho một vị tiến sĩ khoa Kỷ Mùi, nội dung được các tác giả sách đã dẫn dịch nghĩa như sau:
“Sắc cho Phi Vận Tướng quân Tùng Giang Văn Trung, Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi, đã có công giữ nước giúp dân, công đức rất sáng rõ, được các xã dân phụng thờ. Từ khi đức Thế Tổ Cao Hoàng đế ta thống nhất đất nước, cả thần và người đều vui mừng. Nay ta vâng mệnh nối nghiệp lớn, nghĩ đến công đức của các vị thần, nên long trọng nêu lên danh quý, gia tặng ngài là Hiển Văn Chiêu Tiết trung đẳng thần, nhưng chuẩn cho xã Hóa Khuê Đông, huyện Diên Phước, được phụng thờ ngài như cũ. Ngài hãy giúp, phù trì cho đám dân đen của ta. Hãy kính cẩn vâng mệnh!”.
Ngày 12-4 năm Thiệu Trị thứ ba lại có sắc phong gia tặng vị Tiến sĩ này mỹ hiệu Hiển Văn Chiêu Tiết Phương Du trung đẳng thần. Hơn một tháng sau đó, ngày 14-5, lại gia tặng mỹ hiệu Hiển Văn Chiêu Tiết Phương Du Tuấn Vọng trung đẳng thần.
Vị “Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi” này là ai mà có sắc phong tại xã Hóa Khuê Đông xưa?
Đó là Tiến sĩ Nguyễn Phục, thầy dạy học Hoàng tử Tư Thành (về sau là vua Lê Thánh Tông). Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An (1553) chép ông người tỉnh Hải Dương, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ khoa Quý Dậu - 1453 (không phải năm Kỷ Mùi như sắc ghi - NV). Ra làm quan, ông 3 lần đi sứ triều Minh. Khi đi đánh Chiêm Thành, vua phong ông làm Phi Vận Tướng quân lo chuyển quân lương. Thuyền đến cửa biển Tư Dung (nay là Tư Hiền) bị sóng dữ, chúng quân đều sợ tội xin đi tiếp. Ông khẳng khái: “Thà để một mình ta cam chịu 3 thước gươm, chớ ta không nỡ đem kho gạo lúa hữu hạn và nhân mạng vô tội vất bỏ một cách khinh dễ vào trong chỗ gió cuồng sóng lớn để chôn đầy bụng cá”.
Ông liền cho dừng thuyền lại. Việc chuyển lương bị trễ nải, vua nổi giận giam ông vào ngục; sẵn bọn cung nhân, cận thần gièm pha nên vua sai xử tử ông. Sau đó vua hối hận, xuống chiếu tha tội thì việc đã trễ. Ông tuy mất nhưng rất hiển linh, nhân dân các nơi trong xứ đều lập đền miếu thờ ông. Niên hiệu Cảnh Thống (1498-1504) đời Lê Hiến Tông truy tặng “Văn Trung Chính Nghị”, triều Mạc phong thêm bốn chữ “Minh Đạo Hiển Ứng” (các vua triều Nguyễn về sau đều sắc phong gia tặng mỹ hiệu).
Không lạ, khi một làng quê nằm bên sông nước và cách không xa biển như Hóa Khuê lại có sắc phong Phi Vận Tướng quân Nguyễn Phục. Bởi lẽ, các làng xã vùng ven biển, đầm phá và một số vùng đồng bằng, bán sơn địa... trong cả nước đều thờ cúng ông; tất cả đều xem ông là vị phúc thần đã từng phù hộ cho người đi biển và những lưu dân theo đường biển vào Nam lập nghiệp.
LÊ GIA LỘC