Đà Nẵng cuối tuần
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ
Ngày 11-10 vừa qua, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên vinh dự nhận Giải thưởng Daifumi International của đất nước Nhật Bản, giải thưởng dành cho bất cứ ai trên thế giới từng học ở xứ sở Phù tang và có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn kiến trúc cổ, đặc biệt là kiến trúc gỗ.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ với những họa phẩm trên quả bầu trong ngôi nhà tranh vách đất của ông ở Mỹ Sơn. Ảnh: L.G.L |
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ quê Thừa Thiên – Huế, cha ông là Nguyễn Thượng Cửu, người từng làm Tri huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp ngành mỹ thuật, năm 1979 ông về công tác tại Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng. Ban đầu ông chỉ làm nhiệm vụ đo vẽ, chụp ảnh các công trình phục vụ công tác bảo tồn bảo tàng, nhưng rồi nhận thấy giá trị của những di sản vật thể có nguy cơ tàn lụi theo thời gian, ông mon men bước vào lĩnh vực nghiên cứu trùng tu kiến trúc cổ, khảo cổ.
Năm 1993, ông quen biết cô Mariko Yamagata, người Nhật Bản nhưng nói tiếng Việt khá trôi chảy. Lúc đó cô sang Việt Nam làm nghiên cứu sinh khoa Khảo cổ tiền sử, cùng thầy mình là một giáo sư người Anh tham gia khai quật di chỉ Trà Kiệu. Ông học hỏi rất nhiều từ người bạn trẻ này về lĩnh vực trùng tu, khảo cổ. Hôm sang Nhật Bản nhận Giải thưởng Daifumi International, ông lại gặp cô và nhắc lại rằng mãi cho đến giờ ông vẫn xem cô là thầy của mình trong lĩnh vực khảo cổ.
Một người nữa ông cũng xem là thầy mình - Kazimierz Kwiatkowski (1944 - 1997), bạn bè người Việt Nam gọi thân mật là Kazik, một kiến trúc sư, nhà bảo tồn nổi tiếng người Ba Lan. Ông đã lặn lội cùng Kazik hết lên Mỹ Sơn lại xuống Hội An nghiên cứu di tích kiến trúc Chămpa và phố xưa nhà cổ. Vốn có bề dày kinh nghiệm trong ngành hội họa, ông nhanh chóng lĩnh hội những kiến thức của công việc trùng tu, khảo cổ từ thực địa mà những người thầy – người bạn này chân tình chia sẻ với ông.
Năm 1995, ông may mắn được sang Nhật dự một khóa tu nghiệp về trùng tu kiến trúc cổ do Đại học Showa tổ chức trong 6 tháng, 3 tháng học về khảo cổ, 3 tháng học về trùng tu nhà cổ. Tại đây, ông có thêm một người thầy nữa, Fumio Tanaka, một người thợ mộc xuất sắc từng được Nhật hoàng vinh danh. Ông đã cùng thầy Tanaka leo lên giàn giáo, tận mắt nhìn và tận tay chạm vào những hoa văn họa tiết của kiến trúc cổ xứ Phù tang. Nghe lời giảng giải say sưa của thầy, ông ước ao những di tích đất nước mình cũng sẽ được trân trọng bảo tồn bằng những con người dành hết tình cảm thiêng liêng, trân trọng như thế…
Về lại Việt Nam, ông đem những điều học hỏi được trên nước bạn gửi gắm vào những công trình, di tích cổ trên bước đường công tác của mình. Khi Quảng Nam – Đà Nẵng chia tách, ông tình nguyện ở lại Quảng Nam, âm thầm nghiên cứu, bảo tồn kiến trúc cổ. Gia đình ông ở đường Đinh Tiên Hoàng, Đà Nẵng, nhưng ông lại chấp nhận cuộc sống xa nhà để dành trọn thời gian cho công việc. Sau khi nghỉ hưu trước tuổi, ông dựng một căn nhà tranh vách đất sét ngay đầu đường vào khu di tích Mỹ Sơn và say sưa với cái nghề mình đã chọn.
Cuối tháng 9 vừa qua, ông rất ngạc nhiên khi nhận được tin mình là một trong 4 người được nhận giải thưởng về bảo tồn kiến trúc cổ của người Nhật. Thì ra, đó là giải thưởng mang tên người thầy - thợ mộc Fumio Tanaka mà ông đã được trực tiếp thọ giáo 19 năm trước, do một hội đồng bình chọn và Trường Cao đẳng Thủ công mỹ nghệ quốc tế Toyama tổ chức. Trường do các doanh nghiệp chuyên doanh về trùng tu kiến trúc cổ góp vốn đầu tư, mỗi năm chỉ nhận 50 sinh viên, 25 cho chuyên ngành đào tạo thợ mộc trùng tu kiến trúc cổ và 25 cho thợ làm cây cảnh - non bộ. Để có nơi thực tập và nhận sinh viên tốt nghiệp vào làm, họ lập một làng chuyên nghề mộc có tên là làng Toyama, như làng nghề mộc Kim Bồng, Hội An.
19 năm quay lại đất nước Mặt trời mọc, ông được nghe người Nhật bình luận về mình: “Một người học ở Nhật Bản, khi về lại Việt Nam vẫn sử dụng những kiến thức đã học được, từ việc đo vẽ, lập hồ sơ di tích, đến việc leo lên giàn giáo cùng với những người thợ nơi quê nhà của mình, chúng tôi bỏ phiếu cho anh vì những đóng góp rất có ý nghĩa của anh”.
Anh em ông cũng là những người cầm cọ, con trai ông làm nghề kiến trúc, con gái chuyên về mỹ thuật, vợ là giáo viên Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) nghỉ hưu. Tất cả vỡ òa niềm vui khi nghe tin ông được vinh danh ở một lĩnh vực vốn chỉ là nghề tay trái của ông.
Ngày 20-10 vừa rồi ông đi Ninh Thuận để ăn Tết Katê và nghiên cứu nhà ở người Chăm theo lời mời của một nghệ sĩ chơi kèn saranai. Quê Huế, sống ở Đà Nẵng, làm việc ở Quảng Nam và bất ngờ được vinh danh tận đất nước Phù tang, ông lang thang mọi nẻo đường đất nước với niềm đam mê nghề nghiệp cháy bỏng trong tim, luôn ước mong sẽ được đóng góp nhiều hơn cho vùng đất mà ông xem là quê hương thứ hai của mình.
LÊ GIA LỘC