Đà Nẵng cuối tuần

Những cái nhất ở Đà Nẵng

Nghệ nhân Phạm Tài Thu

07:17, 04/10/2014 (GMT+7)

Bồ câu là loài chim đẹp, hiền hòa, thân thiện với con người, mỗi đàn chim là một sản phẩm du lịch độc đáo. Nghệ nhân Phạm Tài Thu đã nuôi và huấn luyện thành công nhiều đàn chim tượng trưng cho hòa bình này trên cả nước.

Một đôi uyên ương với đàn bồ câu của nghệ nhân Phạm Tài Thu ở Công viên Biển Đông sáng 30-9-2014. Ảnh: L.G.L
Một đôi uyên ương với đàn bồ câu của nghệ nhân Phạm Tài Thu ở Công viên Biển Đông sáng 30-9-2014. Ảnh: L.G.L

Ông Thu quê Điện Hòa, Điện Bàn, ông nội rồi đến cha đều lấy việc nuôi chim bồ câu trong vườn nhà như một thú vui tao nhã. Cha ông dùng một đoạn tre già uốn cong lại như cái song loan (một loại nhạc cụ dân tộc), muốn gọi chim đến thì gõ 3 lần, muốn xua chim đi - như trường hợp chim có nguy cơ bị bắn, bị bắt - thì gõ liên tục một hồi dài.

Đến phiên mình, ông Thu chuyển sang dùng còi để điều khiển chim cơ động, gọn gàng hơn. Ông biết đến chiếc còi khi còn sinh hoạt trong Gia đình Phật tử ở quê nhà trước năm 1975. Lúc đó, để gọi mọi người tập họp chung, huynh trưởng dùng còi thổi 6 tiếng còi ngắn (gọi là tích), mỗi 2 tiếng đi một cặp thành 3 chữ I theo tín hiệu Morse. Khi dạy chim, muốn tập trung chúng lại ông cũng dùng còi thổi 6 tiếng tích, còn khi muốn xua chúng đi thì thổi liền một hơi dài nhiều tiếng tích.

Thời thơ ấu sống ở quê, ông rất mê các loài chim, đặc biệt là chim cu. Với ông, đó là những ca sĩ đồng nội, mỗi sáng sáng chiều chiều nghe tiếng hót lảnh lót mỗi loài một giai điệu là cảm thấy tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn. Chim không nói gì, nhưng qua tiếng hót lên bổng xuống trầm của chim, ông cảm nhận được chúng vui hay buồn, đang cặp đôi với bạn tình hay đang than vãn một đời đơn lẻ. Ông yêu chim đến độ mỗi khi bạn bè đi nhà hàng gọi món chim, ông không buồn động đũa.

Sau khi rời ngành Công an, năm 1998 ông lên Đà Lạt trồng hoa, chủ yếu là phong lan và địa lan. Những lúc rảnh rỗi, nhớ lại những chú chim ngoan thời trai trẻ, ông bắt đầu nuôi bồ câu nối nghiệp nhà. Ông chọn nhiều giống bồ câu của Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản,… ban đầu chỉ vài trăm con ở Khu du lịch Đồi Mộng Mơ và Vườn hoa Đà Lạt, sau tăng dần lên cả nghìn con. Tiếng lành đồn xa, năm 2004 Khu du lịch Đầm Sen TP. Hồ Chí Minh nhờ ông vào “xây tổ ấm” cho 500 chú bồ câu.

Quy mô, bài bản nhất là vào năm 2010, ông gầy dựng đàn chim bồ câu 1.000 con cho Đại lễ Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội tại Công viên Bách Thảo. Lần đó, trong đàn chim hơn nghìn con, ông chọn ra khoảng 10 con chim đầu đàn để huấn luyện theo chế độ đặc biệt, đi đâu và làm gì ông cũng đưa chúng theo, thậm chí cả lúc về nhà, lúc ăn, ngủ, chúng cũng sát cánh cùng ông. Sau đại lễ đình đám này, một số khu du lịch đã nhờ ông gầy đàn bồ câu như: Thiên Đường Bảo Sơn (Hà Nội), Hồ Núi Cốc và Đồi Trinh Nữ (Thái Nguyên).

Ông cho biết, đầu năm 2015 sẽ bắt tay triển khai Đề án “Xây dựng Vườn chim Hòa bình và Trùng tu di tích Văn Thánh Khổng Miếu” tại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, đề án xây dựng Vườn chim Hòa bình tại Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng (trên đỉnh núi Cấm, thôn Phú Thạch, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ) và Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ở Vũng Chùa – Đảo Yến) do ông lập cũng đang chờ UBND hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Bình phê duyệt.

Với Đà Nẵng, ông nuôi thử nghiệm 100 chim câu đầu tiên tại Công viên biển Phạm Văn Đồng vào năm 2009. Đến đầu năm 2010, Đề án “Xây dựng Vườn chim bồ câu hòa bình tại Công viên biển Phạm Văn Đồng” (nay là Công viên Biển Đông), còn gọi là Đề án “Vườn chim Hòa bình”, đã được UBND thành phố phê duyệt và đồng ý bổ sung kế hoạch vốn xây dựng cơ bản 300 triệu đồng cho Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng để triển khai thực hiện Đề án.

“Vườn chim Hòa bình” ở Công viên Biển Đông ban đầu chỉ 4 chuồng, nay đã tăng lên 7 chuồng với gần 1.500 con. Nuôi bồ câu khó nhất là phải biết cách dùng lưỡi mớm cho chim ăn các loại ngũ cốc nhai nhỏ từ khi chúng mới được 7 ngày tuổi. Ông bảo, chim non quen nước miếng người nên lớn lên sẽ gắn bó với người. Ông hiện “đóng đô” tại số 1 Lê Duy Đình, nơi góc đường Nguyễn Tri Phương – Điện Biên Phủ, Đà Nẵng; ai muốn ông chia sẻ “ngón nghề” luyện chim thì hãy gọi số 0905771959.

Một số thành phố trên thế giới hiện có các đàn chim bồ câu, trong đó, nổi tiếng nhất là Quảng trường St. Mark, thành phố Venice, Italia, với đàn bồ câu cả vạn con. Đây là khu vực dành riêng cho người đi bộ, bao giờ cũng tràn ngập du khách, nhiếp ảnh gia và chim bồ câu. Ở Việt Nam, Công viên Biển Đông - Đà Nẵng 5 năm nay cũng đầy bồ câu, tạo sức hút du khách, nhiếp ảnh gia và các đôi uyên ương. Sắp tới ông Thu sẽ cho dựng thêm 2 chuồng nữa cho đàn bồ câu sinh sản đông hơn để nơi đây hình thành một điểm đến mang phong cách riêng, rất Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

.