Đà Nẵng cuối tuần
Chơi với đối thủ giỏi
“Chơi quần vợt với đối thủ yếu hơn mình” là ví von của Fabio Capello (ảnh), chuyên gia tên tuổi từng dẫn dắt nhiều đội bóng nổi tiếng, từng đoạt nhiều danh hiệu lớn trong làng bóng đá thế giới, khi phân tích về thất bại của bóng đá Anh tại đấu trường Champions League mùa này.
Chuyên gia Ý từng nắm trong tay những AC Milan, Juventus thời hoàng kim hoặc Real Madrid thời đánh đông dẹp bắc cho rằng dù giải ngoại hạng Anh hấp dẫn công chúng là thế nhưng chất lượng chuyên môn của nó - xét ở khía cạnh kích thích và sản sinh các câu lạc bộ chất lượng cao có thể thống lĩnh đấu trường châu lục - không bằng giải vô địch Tây Ban Nha và một phần nào đó là giải vô địch Đức.
Dẫn ra việc thiếu vắng các tên tuổi lớn của bóng đá đương đại như Messi, Ronaldo, Ibrahimovic, ông Capello cho rằng động lực cạnh tranh để nâng chất trong bản thân từng cầu thủ và từng câu lạc bộ ở giải ngoại hạng Anh giảm đi nhiều lắm, cứ như “chơi quần vợt mà anh cứ đánh hoài với các đối thủ yếu hơn mình”.
Lập luận của chuyên gia này có thể chưa chặt chẽ bởi trên thực tế, sân cỏ nước Anh từ lâu thu hút nhiều danh tài bóng đá thập phương, trở thành chiếc nôi nuôi dưỡng nhân tài và là đất lành cống hiến tài năng của nhiều tên tuổi thành đạt. Những C. Ronaldo bây giờ hay Beckham trước đây từng được đào luyện từ môi trường sôi động, từng trải qua nhiều năm tháng huy hoàng trên đất Anh trước khi tìm đến bờ bến mới.
Không ít câu lạc bộ, nhờ vào nguồn tài chính dồi dào, đã chú ý đầu tư mở rộng nguồn lực bằng các hợp đồng kỷ lục mà Chelsea hay Manchester City, Manchester United là những điển hình mới nhất. Song ở một mức độ nào đó, xét trên góc độ thu hút người tài và tạo đất diễn thuận lợi cho người tài chắp cánh thì bóng đá Anh quả là chưa làm thuần thục như các sân chơi khác ở Tây Ban Nha, Đức.
So vai với người tài, cạnh tranh trực diện với đối thủ giỏi hơn mình, các cầu thủ, các câu lạc bộ mới có điều kiện kiểm nghiệm năng lực bản thân hòng tiến bộ. Còn như cứ quẩn quanh bên đấu trường thiếu vắng tráng sĩ đích thực, so găng mãi với các kình địch vốn quen thuộc đòn miếng thì sớm muộn gì tài nghệ cũng thui chột. Chừng nào Manchester United, Manchester City còn khiếp nhược trước Barcelona, Real Madrid; chừng nào Chelsea, Liverpool vẫn loay hoay tìm cách hóa giải để vượt cho được những Paris Saint-Germain, Bayern Munich thì chừng ấy người ta vẫn có lý do để trông chờ vào một cuộc lột xác của bóng đá Anh trên phương diện sử dụng nhân tài.
Bài học- nếu đó là bài học- từ nhận định và đúc kết của chuyên gia Capello có vẻ cũng thích hợp với các nền bóng đá thiếu vắng động lực cạnh tranh vì mãi quẩn quanh trong những ao làng tù đọng. Các nhà điều hành, quản lý bóng đá Thái Lan nhiều năm qua theo đuổi chủ trương tạo điều kiện cho bóng đá nước này tiếp cận, cọ xát với các nền bóng đá tiên tiến của châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Qatar càng nhiều càng tốt. Singapore có lúc cũng đề cao mục tiêu tham gia các sân chơi tầm cỡ, có chất lượng và tính cạnh tranh, học hỏi cao của bóng đá châu Á.
Hành trình tiếp cận với bóng đá Nhật Bản qua các động thái liên kết, hợp tác- trong đó có việc trọng dụng các huấn luyện viên người Nhật- thể hiện phần nào ý thức cầu tiến của bóng đá Việt Nam. Rất nhiều động thái vẫy vùng, chòi đạp đang được các nhà quản lý bóng đá cổ xúy nhằm đưa bóng đá Đông Nam Á thoát khỏi chiếc ao làng tù đọng, chật hẹp.
Nhưng rõ ràng chơi với các đối thủ nhỉnh hơn mình nào có dễ nếu tự thân không kịp nâng mình lên!
ĐÌNH XÊ