Đà Nẵng cuối tuần

Chúc xuân

07:31, 14/03/2015 (GMT+7)

Bởi vì, “tháng giêng là tháng ăn chơi” nên trong thời khắc “hãy còn xuân”, phiếm bàn đôi chút về sự hy vọng lẽ nào lại… sự trễ tràng hoặc dư thừa?

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bởi vì, gửi đến những người thân lời mong muốn tốt đẹp chẳng lẽ là việc không nên làm? Ví như, một thông lệ hy vọng trong ngày đầu năm, tôi cũng làm như mọi người, như vậy như vậy. Nội dung: chúc vui-bình-an và vạn sự tùy duyên. Nhận được những reply, dài ngắn khác nhau, tất cả là những lời-có-cánh và chân thành. Cảm động về tình cảm của bằng hữu. Vì cũng còn có được những người thương mến.

Bồi hồi nhất là “lời quê”  của một người bạn ở Đà Nẵng: Giao thừa, vợ chồng em hỏi nhau: Anh đang ở SG hay ĐN? Nhớ alô cho em. Cũng do thói quen và tập quán tốt đẹp, phần lớn trong những lời chúc ấy có cụm từ: Vạn sự như ý. Ai mà chẳng muốn như thế, ai mà chẳng mong cuộc sống của thân bằng quyến thuộc và của chính mình được mọi điều suôn sẻ, hanh thông? Nhưng ở đời, có  bao nhiêu người nhận được nhiều may mắn lớn như thế? Bèn bắt chước người xưa, ngửa mặt ngó trời xuân mà “cảm thán”: Chao ơi, trong 10 cái “sự”, nếu chỉ đạt được 3 hoặc 4 thì đã mừng lắm rồi.

Nhưng vì sao ai cũng mong được “vạn sự”? Vạn sự, thì chỉ có thể “tùy duyên” thôi, phải không? Anh bạn Phan Binh của tôi từ tốn điều-chỉnh-bổ-sung: Nếu đã tùy duyên, thì còn cần chi phải chúc-tụng-mong-muốn nữa, phải không? Đúng rồi. Mà cũng không đúng, khi nói đúng hay sai, là “xét sự việc” trên bình diện nào. Trên bình diện tập quán văn hóa, thì không có gì sai, vì lời chúc biểu thị cho sự mong ước, hy vọng trong khoảnh khắc bắt đầu của một cột mốc thời gian. Mà sai, vì đó là điều “bất khả”. Thêm nữa, tùy duyên đâu có phải là cứ để mọi việc theo kiểu “nước chảy bèo trôi”.

Mà nền tảng của việc “tùy duyên” là ở chỗ nhận thức rõ được bản tánh của vạn hữu vốn là Không. Không mà là Hữu, trong nghĩa lý thâm sâu của khái niệm “diệu hữu chân không” của Phật học mà ngày nay, khoa học hiện đại đang lần mò tìm đến. Lời thi kệ của đức Trần Nhân Tông quen đến nỗi lắm khi đọc mà quên mất ý nghĩa đích thực: Ở đời vui đạo hãy tùy duyên / Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền / Trong nhà có báu thôi tìm kiếm /  Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Đâu phải lời chúc chỉ “độc quyền” trong những ngày Tết. Người ta vẫn chúc nhau trong suốt cả năm đấy chứ. Mỗi khi gặp nhau, nào thiếu những lời-hy-vọng gửi đến ông bà anh chị cháu con… Chúc ăn nên làm ra, chúc sức khỏe dồi dào, chúc công việc trôi chảy, chúc thượng lộ bình an… Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc “Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to” nghĩa là gì, nếu không là mùa xuân hạnh phúc của toàn dân tộc, chứ nào phải chỉ là lời chúc Tết thông thường.

Xa hơn, mùa xuân ấy là niềm hy vọng còn lại của nhân loại, sau khi những tai ương đã bay vuột ra khỏi chiếc bình của nàng Pandora trong thần thoại Hy Lạp. Mùa xuân hy vọng ấy lại gợi nhớ đến sự chân thành của một nhân vật “võ biền” là Đại tướng George S. Patton (1885-1945), nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng của Hoa Kỳ: “Tôi chẳng thể nghĩ về sự thù địch lâu dài giữa người với người, và tôi tin ở thuyết luân hồi, tôi sống trong hy vọng rằng nếu không phải trong kiếp này, thì trong kiếp nào đó khác tôi sẽ có thể ôm tất cả nhân loại trong vòng tay thân ái”.

Hóa cho nên, nói “lộn ngược” trở lại, thì lời chúc “vạn sự như ý” vẫn có thể đem ra mà “xài”, trong những khoảnh khắc của sự hy vọng đầu năm…

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

.