Đà Nẵng cuối tuần

Nhạn qua sông bóng còn in trên mặt nước

07:00, 15/03/2015 (GMT+7)

Mỗi lần về quê, tôi thường ngồi bên dòng sông Thạch Hãn, nơi một thời tuổi nhỏ đã tắm gội, đã bơi lội qua sông với nhiều kỷ niệm thật trong trẻo khó nói hết.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ký ức bao giờ cũng sống dậy bằng sự hụt hẫng đến một cách kỳ lạ. Đã hơn 40 năm xa dòng sông ấy nên cứ theo thời gian mà mỗi lần trở lại đều mang một tâm trạng khác nhau.

Quê tôi ở Chợ Thuận (chợ từng có tên trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An) nên đi về vẫn có 2 ngả, dù Đông Hà bây giờ thị tứ sầm uất, đường đi thuận lợi hơn, bạn bè bà con nhiều hơn nhưng tôi vẫn thường xuống xe ở thị xã Quảng Trị. Tôi thích đi bộ dọc đường Trần Hưng Đạo dù chẳng ai nhận ra mình. Phố xá đã khác xưa, khuôn mặt người cũng lạ nhưng sao vẫn thích, đơn giản để được tìm thấy lại bóng mình dù mọi cái đều mông lung, mong manh không phân biệt và giải thích cho được. Có lẽ đó là khoảnh khắc tự cảm thấy mình là mình hơn.

Tôi có một hoàn cảnh ở vào thế phân thân. Mộ của cha mẹ an táng ở Gò Dưa (Sài Gòn), anh chị em ruột thì phần lớn ở bên kia bờ đại dương. Ở quê chỉ còn bà con xa, mỗi lần về cũng ở nhờ anh em bà con. Những ngày Tết là những ngày dù nhớ thương dòng sông và thầm hẹn bao năm là sẽ về ăn Tết “ngoài ấy” nhưng đã 40 năm do sự vướng bận quan hệ phải thăm hỏi ngày Tết vẫn không về được. Chiều 30, đêm giao thừa cứ côi cút một mình với khói hương thờ tự rồi tư lự về một cõi xa xăm. Những lúc ấy mới thấy thấm cái “hồn cô lữ”, thèm nghe một giọng nói quê quán tôi xưa.

Thường mỗi bận trở về vẫn cùng anh em bạn cũ ngồi bên dòng sông, chúng tôi có những phút cứ đăm đắm nhìn sông trong một mối cảm hoài riêng. Một trong người bạn thân còn ở lại thị xã là Võ Thìn mà lần nào về tới thị xã, anh cũng kéo tôi la cà qua nhiều miền đất ở quê, giờ Thìn đã qua đời để lại những khoảng lặng ở quê nhà không thể ai thay thế. Mấy năm trở lại đây, những người thân yêu và bạn bè từng gắn chặt với dòng sông ký ức đó đã không còn ở lại trần gian. Người chị gái áo lụa đi nhặt hoa phượng dọc đường Gia Long ép vào trang thơ tuổi học trò, người anh ruột cùng nhau thời tuổi nhỏ mải mê ngụp lặn nơi dòng sông đã ra đi bên trời Tây.

Người bạn thơ ấu gần nhà là nhà thơ thiền Lữ Thượng Thọ, Đoàn Thạch Hãn cũng đang bệnh tật, ai cũng hẹn về cùng nhau đi lại dọc sông, tất cả hẹn hò rồi cũng đã đành quên, đã miên viễn theo mây trời. Cả người tình học trò nơi góc Thành Cổ cũng hẹn về rồi một mình rớt lại giữa sân ga. Cứ thế, những người thân yêu theo thời gian cứ bỏ ta mà đi, có muốn níu giữ cũng đành bất lực bởi cái hữu hạn kiếp người.

Có lần ngồi bên sông với Joel Nguyễn, cháu gọi ca sĩ D.K là chú ruột. Anh sinh ra và lớn lên ở đảo Corsia, lần đầu về quê nội Việt Nam. Anh không nói được tiếng Việt thế mà khi được nghe anh em nói về bến sông, nơi cha anh từng tắm mát, từng lội qua sông. Ngồi lâu mà chẳng nói gì cả, thế rồi anh ta lẳng lặng chụp ảnh rồi đi xuống sông. Chúng tôi rất lo vì cái kè bên sông sợ anh đi không quen nhưng anh ngoái lại và nói: Đừng lo…

Và anh xuống sông bốc một nắm đất bỏ vào túi nilon đã chuẩn bị từ trước. Mẹ anh là người Pháp, cha anh đã mất nhưng trước khi mất, ông chỉ nhắn gởi làm thế nào con phải về quê nội một lần. Anh về mang theo tâm nguyện tình yêu xứ sở của một người cha ra đi từ thời thuộc Pháp. Chúng tôi rất ngạc nhiên bởi một người chưa bao giờ biết gì về quê quán Việt mà có cách hành xử nghĩa tình hơn một người Việt “rin” có cha mẹ 100% dòng máu Việt. Lần ấy chúng tôi ngồi uống rượu thật khuya, tiếng chuông chùa Long An (ngày trước là chùa Sư Nữ) bên kia vọng về giữa không gian trầm mặc của sương mù lãng đãng trên sông nước. Hai bên dòng sông có nhiều ngôi chùa, nên khung cảnh về đêm thời yên bình thấy như cảnh trong thơ Trương Kế nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên… Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền...

Và người bạn bên trời Tây rất thích cái khung cảnh mơ màng đó. Trong đêm tối khuya khoắt dòng sông trôi đi giữa tiếng chuông của đôi bờ tre trúc, trong khoảng không gian trầm lắng ấy hình như đã mất bóng thế giới con người, sông Thạch Hãn như trở thành con sông thiền hút sâu trong sương lạnh... Chao ôi trên dòng sông này tôi khám phá thêm một điều kỳ diệu cho dù từ ngàn dặm xa xôi, chỉ cần động đến quê quán thì dù là người đến từ một nền văn hóa nào mà khi tiếp cận bởi dòng sông quê nhà đều thao thiết nỗi niềm cổ xứ. Và người ta phải làm một điều gì đó để không thẹn với dòng sông. Joel Nguyễn đã làm như thế, anh ta bốc một nắm đất để về quỳ lạy trên mộ cha nơi đất khách. Có lẽ cha anh cũng rất xúc động dưới suối vàng bởi trong hành trang trở về không chỉ là nắm đất sông Thạch Hãn mà còn là những nắm đất của làng quê, nhà thờ họ và ngôi nhà cũ bên sông.

Sông Thạch Hãn ngày xưa trong xanh lắm, trong đến độ có thể nhìn thấu đáy. Tôi từng đi câu cá bống bằng cách không cần phao chỉ thả mồi lần theo con cá bống, đợi cá đớp mồi mà giật nhưng bây giờ hình như không còn trong xanh như ngày nào. Thế mà bận gần đây về quê, tôi lội xuống sông, tự nhiên những khuôn mặt của người thân bỗng chênh chao hiện lên trên mặt nước làm mình vô cùng thảng thốt, nhận ra trong tâm cảm đã có gì khác xưa. Vẫn là dòng sông đó - không phải như bậc hiền triết cổ Hy Lạp đứng khóc một mình vì dòng sông không quay lại - mà là nỗi lòng về những người thân yêu từng đi qua những năm tháng gắn bó cùng dòng sông đã không còn làm tôi có cảm giác như vừa đánh mất dòng sông, một tâm trạng thật sự vong thân, để rồi chạy ào lên bờ không dám ngoái nhìn tưởng như ai đó đuổi theo mình. Đối mặt với dòng sông trong một phút giây mà tâm trạng lại bỗng rơi vào một trạng thái mâu thuẫn chập chờn giữa ý thức và tình cảm. Ngồi với Thái Đào trước Thành Cổ, bạn bảo ra bờ sông mà ngồi, bỗng dưng trả lời như người bị thôi miên: Thôi, ngồi thêm buồn, được chi…

Chợt nhớ bài thơ Nhạn ảnh của thiền sư đời Tống - Thiên Y Nghĩa Hoài: Nhạn quá trường không/ Ảnh trầm hàn thủy/ Nhạn vô di tích chi ý/ Thủy vô lưu ảnh chi tâm (Nhạn bay lướt qua trên không, Bóng in chìm dưới nước lạnh, Nhạn không để lại dấu vết. Nước chẳng bận để lưu hình). Tôi không đủ bản lĩnh để thiền ngộ tịch diệt an nhiên của không tâm bản giác để nhìn ra được mọi thứ tâm - ý, thực - ảo đều là không, một khoảng không tồn tại vĩnh viễn mà mọi thứ đều phù du trong khoảnh khắc ẩn chứa trong nội hàm của bài thơ, mà chỉ nhìn thấy nhân ảnh, thấy những khuôn mặt của người thân hiện ra trên sông nước để xa xót tiếc thương.

Nhiều người giải thích tên sông Thạch Hãn nghĩa là mồ hôi của đá. Tôi lại thiên về cách giải thích Thạch Hãn là Đá chặn. Từ hãn trong chữ Hán còn có nghĩa là chặn lại. Đây là cách đặt tên dựa vào một thực tế rất trần trụi và rất thực vì trên đầu nguồn dòng sông nếu ai đã từng đi qua đều thấy tầng tầng lớp lớp là đá như chặn dòng nước lại. Ngày trước giao thương mua bán chủ yếu bằng đường thủy nên hàng hóa lên miền ngược rất ư là khó khăn, vì thế người ta biết được đá là một trở ngại rất lớn cho thuyền bè đi lại, nhất là đối với thuyền đi ngược dòng.

Có lần nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói với tôi: Thật ra điệu hò mái nhì, mái đẩy, đều được sinh thành trên dòng sông này chứ không phải ở Huế, nhất là hò mái đẩy chỉ có sông Hiếu, sông Thạch Hãn nước ngược dòng rất mạnh nên người ta phải hò để đẩy thuyền. Nhà văn còn hứa sẽ chứng minh điều này nhưng rồi rất tiếc vì bệnh tật, anh lại không còn tiếp tục cầm bút. Thật thế, dòng chảy của sông Hương luôn mềm mại, lững lờ Con sông dùng dằng, con sông không chảy (Thu Bồn) nên hiếm khi mà đẩy thuyền ngược dòng cả… Và tên sông cũng vậy, người xưa đặt tên luôn dựa trên cơ sở hình ảnh hiện ra trước mắt mình. Người Quảng Trị xưa lớn lên trên sỏi đá cằn khô, nhìn cuộc sống và sự vật trước mắt nên không có đủ thời gian mơ mộng để ngồi nghĩ ra một cái tên sông mang ý nghĩa là mồ hôi của đá, một hình tượng đầy tính ẩn dụ và trừu tượng như thế.

Đã mấy lần khi thị xã Quảng Trị tổ chức những ngày lễ lớn trong dịp kỷ niệm năm tháng với di tích Thành Cổ, tôi thường có mặt và chọn một chỗ ngồi gần nhất ở bến thả hoa đăng. Thuở nhỏ thường lon ton theo mẹ trong dịp lễ thả hoa đăng ở bãi cát chùa Tỉnh hội, bãi cát rộng dài thế mà bây giờ bể dâu cũng không còn. Còn hoa đăng bây giờ người ta thả ở nhiều bến, hoa đăng của Ban tổ chức, hoa đăng của xóm Hà, hoa đăng của chùa Sư Nữ, của nhóm phật tử trên cầu ga… Cả một không gian huyền hoặc thấm đẫm hồn tử sĩ.  Có lần trong một bài báo trên Tuổi trẻ Chủ nhật, được trải qua những giây phút trong một không gian tưởng niệm trân trọng khói hương nhằm tri ân với quá khứ, tôi đề nghị vinh danh thị xã Quảng Trị là thành phố biểu tượng của văn hóa tâm linh.

Máu xương đã đổ xuống quá nhiều trên dòng sông này, bên này và cả bên kia. Mà không phải chỉ ở thế kỷ 20, trước đó mấy trăm năm thời Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng với cuộc chiến tranh với nhà Mạc, xương máu cũng đã bầm đỏ cả dòng sông. Lịch sử được đánh thức hơi muộn màng, trước Tổ quốc máu xương nào cũng đều mang đầy ý nghĩa và giá trị vô cùng lớn lao. Mới đây, tại Quảng Trị đã tổ chức hội thảo khoa học về Nguyễn Hoàng. Tôi từng tham dự nhiều cuộc hội thảo khoa học đại loại như thế nhưng cũng từng có cảm giác rằng hình như những cuộc hội thảo chỉ để một số nhà nghiên cứu được mời đến rồi khoa ngôn với nhau về đề tài cùng với những lời chúc tụng có cánh.

Thực chất và kết quả của những cuộc hội thảo ấy là gì thì hầu như không thấy ai quan tâm. Theo tôi, đối với Chúa Tiên có hai việc cần làm ngay: Xây dựng một nhà bia ghi công của Chúa Nguyễn Hoàng có công mở nước ngay trên khu vực trung tâm của Dinh trấn Ái Tử - một kinh đô đầu tiên của xứ Đàng Trong và đổi tên trường trung học phổ thông của thị xã Quảng Trị lấy lại tên cũ là Nguyễn Hoàng, một ngôi trường trung học đầu tiên của đất nước mang tên Chúa Tiên. Vấn đề này, 15 năm trước chứ không phải bây giờ đã một lần tôi đặt ra trên báo Lao Động với sự khẩn thiết cấp bách: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng khẩu súng lục, thì tương lai sẽ bắn lại anh bằng đại bác nhưng rồi chỉ thấy một sự hững hờ đến khó hiểu dẫu rằng tôi không tin  những người từng uống nước sông Thạch Hãn lại có thái độ thờ ơ với lịch sử. 

Ở Huế sau bao năm đổi tên, từ lâu đã lấy lại tên trường Hàm Nghi. Nếu so công lao với đất nước thì Chúa Tiên lớn hơn nhiều. Kinh phí để thực hiện hai đề nghị trên có lẽ còn ít hơn kinh phí bỏ ra cho cuộc hội thảo khoa học vừa được tỉnh nhà tổ chức. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân từng cho rằng viết sử ký làng (địa phương) còn khó hơn sử ký của một dân tộc. Cần hiểu nhận định của nhà Quảng Nam học nổi tiếng này là đối với ghi chép sử địa phương không thể quên đi những chi tiết, sự kiện, nhân vật lịch sử nhằm làm nổi bật cho địa phương, đặc biệt là nguồn tư liệu cổ bị thất lạc rất nhiều, rất khó để sưu tầm… Trên hành trình vào xứ Đàng Trong không phải vô tình mà Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng lại chọn sông Thạch Hãn đổ bộ và xây dựng dinh trấn  bên dòng sông… Chừng ấy thôi cũng đủ tự hào về những dòng sử ký địa phương Quảng Trị mỗi khi về ngồi lại bên sông để nhìn qua tả ngạn, nơi bãi cát (sa khứ) ngày nào vẫn mênh mang gió thổi.

Mười lăm năm trước, tôi từng mơ có một ngày khi về già sẽ bỏ hết về bên sông sắm một chiếc đò để dọc ngang những bến đò bên sông, những đêm buồn ngồi uống rượu với bạn bè để ngắm trăng, nhưng có chăng cũng chỉ là Mộng với anh bao giờ cũng thực / Mà đời có khi nao là mộng (HSB)

Sau một ngày vất vả cứu trợ cho đồng bào sau bão, nhóm chúng tôi được thầy trụ trì chùa Long An mời dùng cơm tối. Cơm nước xong, một mình tôi lại ra bờ sông. Đêm không có trăng chỉ nghe gió lay mạnh khóm tre xào xạc trước chùa và chuông chùa ngân xa. Bỗng đâu đó hình như có tiếng nhạn kêu sương thảng thốt trong bóng đêm. Một lần nữa, tiếng nhạn kêu lại nhắc tôi nghĩ đến những khuôn mặt người thân yêu đã không còn nữa cứ hiện về trên sông nước. Hay là tiếng nhạn kia là tiếng lòng tôi với dòng sông vơi đầy mỗi bận đi về.

Sông ơi, nhạn ơi đừng kêu thảng thốt nữa. Nhạn không để ý đến bóng (Nhạn vô di tích chi ý), còn tôi với nhân ảnh, tâm cứ còn đồng vọng để mãi cảm hoài với sông.

Bút ký HỒ SĨ BÌNH

.