Một ngày cuối năm vừa rồi, tôi có dịp về lại Tiên Phước, Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trên đường vào nhà bạn, bắt gặp nhiều cây cỏ xước mọc hoang bên đường, khiến tôi chợt nhớ đến một bài thuốc chữa bệnh đau nhức xương khớp, tê bại đã dùng trong kháng chiến.
Cỏ xước - Achyranthes aspera. |
Bài thuốc đó là: Rễ cỏ xước 40g, Thổ phục linh 25g, Hy thiêm thảo 20, Chùm gửi cây dâu 20g, Ké dầu ngựa 10g, Kim ngân hoa 15g, Cỏ mực 15g. Tất cả sao vàng, uống ngày 1 thang, uống trong 10 ngày là khỏi.
Cỏ xước, còn có tên gọi Ngưu tất nam, tên khoa học Achyranthes aspera L. thuộc họ rau Dền (Amaranthaceae).
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam của Tiến sĩ Võ Văn Chi mô tả: Cây thuộc thảo, sống hàng năm hay nhiều năm, cao khoảng 1m, rễ cong queo, nhỏ dần từ cổ rễ đến chóp rễ, dài từ 10 - 15cm, đường kính
2 - 5mm. Lá mọc đối hình trứng hay mũi mác dài 3 - 10cm mép lá lượn sóng, 2 mặt lá nhẵn hoặc hơi có lông, cuốn lá dài. Hoa nhiều, mọc thành bông dài 20 - 30cm ở ngọn cây, quả nang có lá bắc tồn tại thành gai nhọn, hạt hình trứng dài.
Cỏ xước mọc hoang ở vùng trung du, miền núi, tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và khu vực các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, thường mọc nơi đất ẩm, ven đường, bờ rào, nơi đất hoang, có mùn nhiều, cây ưa sáng hoặc hơi có bóng.
Bộ phận: dùng toàn cây, đặc biệt là phần rễ (Radix Achyranthi Asperac). Thu hái quanh năm, chủ yếu vào mùa hè, thu, rửa sạch thái nhỏ dùng tươi hay phơi sấy khô, sử dụng dần.
Thành phần hóa học: cỏ xước chứa 81,9% nước; 3,7% porotide; 9,2% glucide; 2,9% chất xơ; 2,3% chất tro; 2,6% caroten; 2,0% vitamin C. Trong rễ có acid oleanolic (sapogenin). Hạt chứa hentriacontane và saponin 2%, acid oleanolic, saponin oligosaocharide, acide oleanolic 1,1%.
Công dụng: Cỏ xước có vị đắng, chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tiêu viêm. Trong rễ có chất saponin có tác dụng phá huyết và làm vón albumin, cỏ xước có tác dụng chống viêm tốt ở cả 2 giai đoạn cấp tính và mạn tính.
Ứng dụng điều trị: Cảm mạo phát sốt, sổ mũi, sốt rét, kiết lỵ, viêm màng tai, quai bị, thấp khớp, viêm thận, phù thủng, tiểu tiện không lợi, đái dắt, đái buốt, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, băng bó trặc ngã, gãy xương.
Liều dùng từ 15 - 30 gam sắc uống. Dùng ngoài, sử dụng tươi, rửa sạch, giã nhỏ đắp hằng ngày để băng bó gãy xương điều trị lở ngứa, sâu bọ độc cắn.
Bài thuốc có Cỏ xước:
- Chữa thấp khớp:
1- Rễ cỏ xước 40g, Hy thiêm 28g, Thổ phục linh 20g, Cỏ nhọ nồi 16g, Ngải cứu 12g, Thương nhĩ tử 12g. Sao vàng, sắc đặc ngày uống 1 thang, uống 7-10 ngày liền.
2- Rễ cỏ xước, Vòi voi, Kim ngân, Thổ phục linh, Hy thiêm, Ké đầu ngựa, Thiên niên kiện, Cây xấu hổ, Dây đau xương, Cây cà gai (lượng bằng nhau), chế thành cao và rượu thuốc.
3- Rễ cỏ xước 16g, Hoàng bá 12g, Thương truật 12g. Sắc chia 2 lần uống trong ngày.
- Chữa kinh nguyệt không đều, huyết ứ: Rễ cỏ xước 20g, Củ gấu (tứ chế), Ích mẫu, Nghệ xanh, mỗi vị 16g; Lá mần tưới, Tô mộc, Chỉ xác, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang (3-5 thang mỗi tháng).
- Chữa đau nhức các khớp không nóng đỏ (các khớp nhức mỏi, đau một chỗ, tê bì, đau các cơ, vận động khó, miệng nhạt, rêu lưỡi trắng dính): Rễ cỏ xước 12g, Ý dĩ 16g, Tỳ giải 16g; Ngũ gia bì, Xuyên khung, Đan sâm, mỗi vị 12g; Rễ cây lá lốt 8g, Quế chi 6g, Bạch chỉ 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa phụ nữ bí đái, hay ngọc hành trẻ em bị đau buốt khi đi tiểu: Cỏ xước 16-24g sắc uống, (Nam dược thần hiệu).
- Chữa phù thũng hay vàng da: Rễ cỏ xước, Rễ cỏ tranh, Bông mã đề, Dây khố rách (mộc thông), mỗi vị 25g sắc uống (Nam dược thần hiệu).
- Chữa sốt rét: Rễ cỏ xước, một nắm to sắc uống (Nam dược thần hiệu).
- Chữa viêm miệng: Rễ cỏ xước, tẩm cồn, nhai và ngậm hoặc sắc, ngậm và uống nước sắc.
- Chữa thiểu năng sinh lý liệt dương, trẻ em còi xương suy nhược: Rễ cỏ xước, Nhục quế, Vòi voi, mỗi vị 80g, Xương hổ 100g, Câu kỷ tử 100g, Rễ cỏ tranh 40g, Đỗ trọng 10g. Ngâm với 4 lít rượu trong 7 ngày. Mỗi lần uống 30ml, ngày uống 2 lần vào bữa ăn.
- Chữa huyết áp: Rễ cỏ xước, Cỏ nhọ nồi, mỗi vị 10g; Lá bạc hà 100g, Măng vòi 9g, nước vo gạo 300ml. Rửa sạch giã nát, cho vào nước vo gạo sắc, lọc lấy 100ml. Uống liền trong 3 ngày.
- Chữa sỏi niệu quản: Rễ cỏ xước 12g, Cỏ bợ 50g; Kim tiền thảo, Rễ dứa dại, Cỏ hàn the, mỗi vị 30g; Ngải cứu 20g, Dây chìa vôi 16g. Sắc uống. Phối hợp với châm cứu.
DS. ĐẶNG NGỌC PHÁI