Đà Nẵng cuối tuần
Thú nhồi bông
Nữ nghệ sĩ Noortje Zijlstra, 28 tuổi, một trong nhóm nghệ sĩ trẻ tuổi của Hà Lan, được báo chí đánh giá là người tạo ra những con sóng trong thế giới nghệ thuật qua những tác phẩm “làm sống lại” những con vật đã chết - chúng ta quen gọi: Thú nhồi bông.
Noortje Zijlstra làm việc tại xưởng riêng cùng với tác phẩm của cô. |
Theo AFP, trong một gác xép ở một trường học bỏ hoang, nghệ sĩ Hà Lan Noortje Zijlstra lấy ra một xác con quạ từ ngăn đông đá tủ lạnh và khởi sự công việc theo đuổi “nghệ thuật động vật chết” - dự án mới nhất của cô. Đeo găng tay phẫu thuật, Zijlstra thận trọng cắt vào xương ức xác con chim để bắt đầu loại bỏ hầu hết các bộ phận bên trong của nó. Noortje Zijlstra nói với AFP: Đây là những gì tôi làm. Với một con dao sắc nhọn, tôi cởi bỏ chiếc áo khoác của nó ra và sử dụng nó như là phương tiện trung gian cho nghệ thuật và sau khi việc phẫu thuật hoàn tất, con chim rã đông không còn là một con vật chết nữa.
Đầu chim bồ câu trắng trên chiếc cầu lông |
Trong số tác phẩm của Zijlstra có một con sóc nhồi đứng thẳng trên hai chân sau của nó, một ống nghiệm đưa vào cổ họng của nó tạo nên dáng vẻ một người giữ hoa; có đầu một con chim bồ câu trắng gắn trên chiếc cầu lông; có hai chiếc đầu ngỗng uốn tréo nhau trong một tác phẩm chưa được đặt tên; có một tác phẩm nghệ thuật chỉ đơn giản mang tên “dùi trống” - chân gà con duy nhất, gắn trên một khung gỗ, phủ lông trắng mịn; có một gia đình những con chuột được gắn kết, nhưng thay vì lông, da của chúng đã được thay thế bằng đường trang trí với màu sắc khác nhau như màu đỏ, xanh lá cây, xanh dương và màu vàng.
“Công việc nhồi bông trên xác động vật, đôi khi có thể gây sốc, thậm chí nổi loạn, nhưng tôi hy vọng chúng được dùng như một chất xúc tác cho các cuộc đối thoại với con người. Tôi sử dụng động vật chết vì tôi muốn mọi người nghĩ về những gì mà họ đưa vào miệng. Nghệ thuật của tôi muốn đạt đến các khái niệm rằng bạn là ai và đang ăn những thứ gì. Và tôi thì ăn chay”, Zijlstra nói với một nụ cười.
Bà Henrietta Thompson, nhà báo và phê bình nghệ thuật tờ Daily Telegraph của Anh cho biết. “Nghệ thuật mang chúng ta trở lại thiên nhiên. Sự phục hưng của tác phẩm “thú nhồi bông” bắt đầu vào cuối năm 1990 do nghệ sĩ người Đức Thomas Gruenfeld tạo nên. Những tác phẩm này có nguồn gốc từ truyền thống chuyện kể phổ biến ở quê hương miền Nam nước Đức của ông.
Chim cú |
Thomas Grünfeld thường ghép những xác động vật khác nhau làm một. Chẳng hạn như bên dưới là xác con sóc và bên trên là con vẹt; hoặc một con kangaroo nhỏ được ghép phần đầu của một con công; hoặc heo ghép với đà điểu; chim hồng hạc ghép với chó… Thomas Grünfeld tạo ra dấu ấn trong nghệ thuật “thú nhồi bông” qua các cuộc triển lãm thương mại tại nhiều quốc gia trên thế giới với giá bán khá vừa phải, tối đa 30 ngàn USD cho mỗi tác phẩm.
Leontine Coelewij, người phụ trách tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Stedelijk nổi tiếng của Amsterdam nhận xét với AFP: “Hôm nay các nghệ sĩ đương đại Hà Lan liên kết thành một xu hướng mới hơn về cách sử dụng chất liệu tác phẩm. Họ muốn đưa ra câu hỏi quan trọng đối với thế giới tự nhiên - và làm thế nào chúng ta liên hệ với thiên nhiên và sử dụng thiên nhiên”.
Chuột và mèo |
Trong giới nghệ thuật sáng tạo, nhiều nghệ sĩ tạo nên tác phẩm của mình bằng cách sử dụng xác chết động vật. Sự tìm tòi và thử nghiệm của họ đã giành được sự hoan nghênh ở đối tượng nghệ thuật tầm cao nhưng đối với một số người đam mê nghệ thuật bình thường, khi nhìn thấy một con thú nhồi bông chết vẫn còn sợ hãi và đôi khi bị ám ảnh bởi cảm giác khó chịu.
Hằng ngày, Zijlstra với chiếc váy màu tím và mái tóc tết vẫn chăm chút từng tác phẩm “thú nhồi bông” của mình một cách đam mê. Tác phẩm độc đáo của Zijlstra vẫn luôn luôn sống động trên bàn làm việc tại xưởng vẽ nhìn ra những căn nhà yên ắng ở ngoại ô vắng vẻ. Tuần qua, Noortje Zijlstra đã sẵn sàng chuyển các tác phẩm ra trưng bày tại Festival Rotterdam của nghệ thuật đương đại.
HOÀNG ĐẶNG