.

Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối (*)

.

Là tên tựa đề của cuốn sách mới nhất của tác giả Patrick Modiano vừa được phát hành tại Việt Nam. Đây cũng là tác phẩm đoạt giải Nobel văn chương năm 2014.

Với cách kể chuyện dè dặt như sợ nếu ồn ào quá, các nhân vật của mình sẽ rơi tõm vào khoảng không tĩnh lặng và biến mất, Modiano đã đưa người đọc lướt đi trên từng con phố của Paris. Nhưng đó không phải là thủ đô hoa lệ, ồn ào như chúng ta từng tưởng tượng, suy nghĩ mà đó là một Paris yên lặng, nhè nhẹ trôi và man mác nỗi cô đơn trong từng nhân vật.

Trong câu chuyện ấy, dưới dòng chảy suy nghĩ của từng nhân vật khiến người đọc có cảm giác như có gì đó thật mờ ảo, như đang muốn níu kéo những gì đã qua. Đó là anh sinh viên luôn tự ti về ngôi trường mình học, là cô gái mà người ta chẳng rõ tên thật là gì, là anh chàng thám tử, là người yêu của cô. Dù là bốn nhân vật thay nhau kể chuyện nhưng đều xoay quanh nhân vật cô gái được đặt cho cái biệt danh là Louki. Và họ đều là khách của quán cà-phê Le Conde.

Những địa danh, những điểm đến được Modiano nhắc đi nhắc lại nhiều lần, những quảng trường rộng, những con phố gắn với những tên đường, những bến tàu điện ngầm… Thật khó cho những ai chưa từng đặt chân tới Paris để hình dung ra những điều mà tác giả đang miêu tả.

Có lẽ vì thế mà Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối hơi khó đọc, cần chậm rãi, thư thái để cảm nhận, để “đi” qua được những con phố mà Modiano đang dắt qua, để hiểu được từng nhân vật của mình đang kể về điều gì. Đây cũng chính là cái tài của nhà văn. Ông đã để cho nhân vật của mình ngao du khắp Paris nhưng vẫn tìm được điều mình cần tìm, đó là hiểu rõ được về cuộc đời của cô gái Louki.

Cô ấy cũng đang hoang mang, không biết mình là ai, mình muốn gì và đang làm gì. Những việc cô ấy đã từng làm như trốn mẹ đi chơi qua đêm, hay nói dối mình là một sinh viên… như một cách đang trốn chạy thực tại của mình. Cũng như họ, khi còn trẻ đã có biết bao nhiêu người cũng có khoảnh khắc hoang mang đang đi tìm lời giải cho câu hỏi về sự tồn tại của mình trên cuộc đời này.

Cuốn sách giống như mê cung của nỗi cô đơn và để kết thúc cho những cô đơn, nhân vật chính Louki đã chọn cho mình cái chết. Một cái kết không mấy bất ngờ dành cho người đọc. Thực tình, với nhiều người đọc có thể thấy cô ấy đã chết từ lâu, bởi sự mờ nhạt của cô trong cuộc sống. Không người thân, chỉ duy nhất một người bạn. Ngay cả người chồng của cô cũng không biết rõ về cô, tất cả chỉ là nét mơ hồ mà cô “đánh dấu” trong suy nghĩ của mỗi người khi cô xuất hiện. Và khi cô biến mất, cái dấu ấy mờ dần và người ta không còn nhớ nữa.

Không gì đau khổ bằng sự cô đơn, mà lại cô đơn tại chính nơi mình sống. Có lẽ vì vậy mà Louki đã tìm về nhà mà với cô nhà chính là nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Ở đó sẽ không còn hoang mang, lạc lõng hay cảm thấy trống rỗng vô định nữa.

Bao trùm cuốn sách là một nỗi buồn. Nhân vật nào cũng trống rỗng và buồn. Patrick Modiano đã khiến người đọc như tìm được chính mình trong những miêu tả tâm lý đầy tinh tế và sâu sắc của ông. Những tuổi trẻ bất thường ấy không phải là mỗi nhân vật dị biệt mà nó là một phần trong mỗi con người của chúng ta. Hãy đọc Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối. Bởi biết đâu bạn sẽ tìm thấy chính mình tại một thời điểm nào đó của tuổi trẻ.

Ngay từ khi mới xuất hiện trên văn đàn năm 1968, Patrick Modiano đã được xem là một hiện tượng của văn học Pháp đương thời. Gia tài của ông có khoảng 30 tiểu thuyết, kịch bản phim… Ngoài giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp, giải Gouncourt, Modiano còn giành nhiều giải thưởng văn học khác như Giải Australian State cho nhà văn châu Âu năm 2012, Giải thưởng Văn học trọn đời Paul - Morand năm 2010.

Tại Việt Nam đã có bốn tác phẩm của Patrick Modiano được dịch và xuất bản, gồm: Những đại lộ ngoại vi (Dương Tường), Phố những cửa hiệu u tối (Dương Tường), Quảng trường ngôi sao (Vũ Đình Phòng) và Ở quán cà- phê của tuổi trẻ lạc lối (Trần Bạch Lan).

NHẬT HẠ


(*) Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối của tác giả Patrick Modiano, Trần Bạch Lan dịch, NXB Văn học phát hành tháng 10-2014.

;
.
.
.
.
.