Người phụ nữ trong thời kỳ thai nghén thường hay gặp những trường hợp bất ngờ hoặc trệ thai, hoặc có thai mà đau bụng, thậm chí có người phải sanh non, sẩy thai do nhiều nguyên nhân như gánh nặng, đi đường xa, lao động nặng dưới trời oi bức, ngã khi đi xe đạp… gây ảnh hưởng đến bào thai.
Chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc đã được các lương y lành nghề lâu năm cống hiến, theo tài liệu Toa thuốc Đông y cổ truyền Việt Nam.
Cây lá gai cho lá làm bánh ít, lấy sợi vỏ thân đan lưới cá, củ làm thuốc an thai. |
1- Có thai hay đau bụng: Lấy củ gai (cây lá gai cho lá làm bánh ít, dùng vỏ lấy sợi đan lưới cá) rửa sạch, thái mỏng, rang vàng, sắc uống. Lúc uống vò thêm 9 đọt ngải cứu vắt nước vào thuốc làm thang để an thai.
2- Có thai đau bụng hoặc động thai xuất huyết: Lấy củ gai rửa sạch cạo bỏ vỏ ngoài, Ngải cứu 11 đọt, rửa sạch; cả hai thứ thái nhỏ cho vào siêu, đổ nước ngập bã thuốc, sắc chín, chế vào 1/3 chén rượu, ăn cả bã uống cả nước.
3- Có thai gần kỳ sinh, phù thũng toàn thân: Tía tô (cả cành và lá) 80g, vỏ củ gừng tươi 40g. Tía tô thái nhỏ, cả hai thứ cho vào nồi đất, đổ khoảng 2 ca nước lạnh, bịt kín miệng nồi đun sôi. Xông cho ra mồ hôi nhiều và uống một bát nước xông ấy là khỏi.
4- Phụ nữ có thai thường sinh non hoặc động thai: Hạt sen (bỏ tim) 12g, củ gai 12g, gạo nếp 12g. Củ gai cạo vỏ rửa sạch thái mỏng, gạo nếp nấu cháo thật nhừ, xong cho khoảng 2 vị thuốc trên nấu chín, mỗi sáng ăn 1 lần, ăn khoảng 20 lần sẽ hiệu nghiệm.
5- Trệ thai: Nguyên nhân: Do gánh nặng đi đường xa, bị té ngã hoặc do phòng sự làm cho thai trệ (lệch thai). Triệu chứng: Bụng dưới nặng, đi tiểu không thẳng chỗ, đi lại khó khăn, đau hoặc có chớm huyết. Dùng củ gai (sao rượu) 120g, ngải cứu (sao khô) 80g. Đổ hai bát nước sắc lấy 2/3 bát, uống mỗi ngày hai lần, đêm một lần, uống trước hai bữa ăn, uống liên tục ba thang. Kiêng kỵ: Không lao động nặng, tránh phòng sự.
6- Đau bụng trệ thai: Củ gai 12g, thăng ma đầu 12g, lá vông nem 12g, đương quy thân 20g, rễ cây cối xay 12g. Các vị trên rửa sạch thái nhỏ, sắc uống sẽ ổn định thai.
7- Chữa đau bụng do động thai: Củ gai 40g, sao vàng, sắc đặc uống. Ghi chú: Khi động thai, đau bụng nhiều, có kèm ra huyết, nên đến các cơ sở y tế khám thai để theo dõi và điều trị.
8- Chữa đau bụng do động thai: Củ gai 40g, củ rau má 12g, ngải cứu 30g, cỏ nhọ nồi 20g, gạo tẻ (rang vàng) 20g, lá tía tô đỏ 12g. Sắc đặc, ngày uống 1 thang 2 lần.
9- Chữa có thai hay đau bụng dưới: Củ gai 100g, lá ngải cứu (tươi) 50g, cành tía tô 50g. Củ gai rửa sạch cạo vỏ thái mỏng, sao vàng, tán bột. Cành tía tô sao vàng, tán bột. Lá ngải cứu bỏ cọng phơi khô, tán bột. Ba thứ trộn đều, luyện hồ viên bằng hạt ngô, ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 viên.
10- Trị sẩy thai liên tục: Lá ngải cứu 12g, vỏ quýt lâu năm 8g, cành tía tô 12g, cam thảo đất 8g, cỏ mần trầu 8g, cỏ mực 8g, húng quế 8g, rau má 8g, củ gai 20g, ké đầu ngựa 8g, gừng 3 lát. Sắc uống.
11- An thai (do ngã đau bụng): Lá ngải cứu 1 nắm vò nước cho uống. Hoặc: cành lá tía tô 40g, xích đồng nam 20g, củ gai sao 20g. Sắc uống.
12- Do khí hư, thai hay động: Xích đồng nam 28g, củ gai 12g, cành vông non 16g, cành sung non 16g, hà thủ ô 16g, ngải cứu 12g, tía tô 12g. Sắc uống.
13- An thai hoàn: Thục địa sấy khô 80g, tục đoạn 40g, ngải cứu 80g, vỏ quýt 20g, rễ củ gai 80g, cành tía tô 40g, sa nhân 20g, củ mài 120g, củ cỏ cú (tứ chế) 20g. Tá dược vừa đủ 1.000g. Viên nhỏ, đóng lọ 90g. Công dụng: Chữa phụ nữ bị động thai, đe dọa sẩy, người mệt, nôn ọe, đau bụng, hoa mắt, kém ăn ngủ. Liều dùng: mỗi lần 20g, ngày 2 lần sau bữa ăn hoặc khi đau bụng. Người đã bị sẩy hoặc mới có thai lần đầu tiên nên uống đề phòng, nhất là trong tháng thứ ba.
PHAN LANG (st)