Đà Nẵng cuối tuần

Giới thiệu sách

Cuộc lãng du của thơ Inrasara

07:21, 10/05/2015 (GMT+7)

Tập thơ Lễ Tẩy trần tháng Tư đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003. Tập thơ này in lần thứ 2 qua bản song ngữ Việt – Anh, do nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn và 6 bạn thơ dịch và đoạt giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2005.

 

Năm nay, tập thơ Lễ Tẩy trần tháng Tư (*) tiếp tục được nghệ sĩ – giảng viên văn học Mỹ Alec G Schachner dịch. Xin giới thiệu bạn đọc bài viết của Alec G Schachner qua bản dịch của Trà Kha.

Tuyển tập giới thiệu các tập thơ của Inrasara đã in, như một ghi nhận hành trình đa dạng của anh qua cách kể chuyện, đồng thời thâm nhập vào một mảng độc đáo của thể loại tường thuật và chuyển tiếp thông qua thơ trữ tình và thơ kể. Như những người kể chuyện tuyệt vời khác, Inrasara thâu hái từ những trải nghiệm rộng, qua đó kết nối quá khứ và hiện tại thành trường kinh nghiệm của cá nhân và tập thể, pha trộn các hiện thực và huyền thoại.

Du hành băng qua lịch sử, văn học, văn hóa dân gian, dân ca, triết học, Ấn Độ giáo, Phật giáo, văn hóa pop, huyền thoại, chiến tranh, hòa bình, mùa màng, cộng đồng, truyền thống, giấc mơ, ngôn ngữ, lễ nghi, hoành tráng và đời thường, những bài thơ Inrasara hát lên không chỉ là riêng người Chăm ở Việt Nam hiện đại, mà còn là của kinh nghiệm mang tính nhân loại - của trí tưởng tượng chúng ta về bản thân và về cuộc sống tình cảm thẳm sâu phong nhiêu trong thời đại toàn cầu hóa và thời hiện đại. Cắm rễ sâu vào vùng đất sử thi Chăm, thơ Inrasara - bằng cách nào đó - tạo nên sự vang vọng trong cùng dòng chảy với Whitman và Hughes, một mảng lắp ghép lớn từ kinh nghiệm và nhận thức bề sâu của con người, cả đơn lẻ lẫn phổ quát.

Cách sử dụng tiếng Việt của Inrasara phức tạp và đẫm chất triết lý, thế nên thật khó dịch sang tiếng Anh đến mức đủ đầy. Các từ tiếng Chăm in nghiêng được giữ nguyên theo bản gốc với ghi chú ở phần cuối cuốn sách cung cấp cho độc giả một hiểu biết nhất định. Thi tuyển này dịch chuyển qua dòng ngôn ngữ sử thi Chăm và thơ Việt cổ điển, ngôn ngữ thông tục Chăm lẫn tiếng hiện đại Việt, từ Hán Việt, tiếng Phạn, tiếng Hán cổ điển, triết lý Thiền, dân ca, vật lý, sinh thái học và hơn thế nữa. Việc sử dụng các yếu tố ngôn ngữ không có mặt trong tiếng Anh, như các hình vị, các âm tiết cùng loạt địa chỉ cực phức tạp, đó là thứ tiếng Việt phong phú, đa dạng và tinh tế, về căn bản là không thể dịch.

Tôi cố gắng lưu giữ dòng chảy nguyên thủy của ngôn ngữ thơ Inrasara trong khả năng có thể, sau đó chuyển dịch trên cơ sở line-to-line, đồng thời thường xuyên duy trì trật tự từ tiếng Việt, để theo đúng kiến trúc tường thuật ban đầu của bài thơ ở mức độ cao nhất. Hy vọng người đọc sẽ tìm thấy ở phiên bản song ngữ này không chỉ là một cuốn sách dẫn đến thế giới Chăm, văn hóa truyền thống và đời sống thường nhật, mà còn là một công cụ hữu ích để tham dự với các độ sâu của tiếng Việt hiện đại. Khám phá ngôn ngữ sử thi của Inrasara lãng du qua dòng thơ trữ tình đến thơ tự do, từ đoản thi đến chuyện kể dài, băng qua vùng đất mẹ vừa mang tính địa lý vừa đẫm chất tâm linh, để mời gọi người đọc đi vào một thế giới đã biết và chưa biết, xa lạ và quen thuộc, bình thường và kỳ diệu.

Trà kha dịch


(*) The Purification Festival in April - Lễ Tẩy trần tháng Tư
Song ngữ Việt - Anh
Translated by Alec G Schachner
In lần thứ 3, NXB Văn hóa – Văn nghệ, I-2015

.