Đà Nẵng cuối tuần
Bám trụ trong lòng địch
Để có Ngày Chiến thắng 30-4-1975, hàng triệu đồng bào, chiến sĩ nguyện một lòng theo cách mạng, không ngại hy sinh hay đòn roi của kẻ thù, sống bám trụ trong lòng địch để tổ chức công việc, xây dựng cơ sở, đấu tranh chống dồn dân lập ấp.
Vợ chồng Ngô Thanh Nhì và Trần Thị Quảng đến với nhau từ hoạt động cách mạng. Ảnh: H.N |
Đặc biệt, về những làng quê của Hòa Vang, những bà mẹ hoạt động cách mạng từ lúc “tóc còn xanh” nay vào tuổi xưa nay hiếm có thể ngồi hàng giờ kể chuyện rải truyền đơn, vượt sông đem thuốc men, lương thực vào rừng cho bộ đội…
“Vào sinh ra tử”
Năm nay 94 tuổi đời, tháng 3 năm 2016 sẽ được nhận 70 tuổi Đảng, ông Sáu Hưng (Nguyễn Duy Hưng) mong chờ cái ngày vẻ vang đó lắm khi trong giọng nói của ông vẫn tròn trịa, sang sảng bất chấp tuổi già và mái tóc vốn bạc sớm (nên ông có thêm tên Sáu Bạc hồi còn hoạt động 40 năm trước) nay chẳng còn sợi đen.
Tham gia cách mạng từ năm 1940 ở Tam Kỳ, đến năm 1950, ông Sáu Hưng làm Bí thư kiêm Chủ tịch Khu Nam (cửa ngõ phía Nam Đà Nẵng), cuộc đời chiến đấu gắn với vùng sông nước Cẩm Lệ-sông Hàn. Cuối 1957, ông Sáu Hưng ra Bắc chữa bệnh, hai năm sau ông được trở về Nam trong đoàn công tác trên 50 người, do đồng chí Hồ Nghinh dẫn đầu. Giờ trong đoàn trở về ngày ấy chỉ có ông và ông Hồ Đích hiện sống ở Đà Lạt còn được chứng kiến đất nước 40 năm sau ngày toàn thắng.
Từ năm 1963, Sáu Hưng được phân công phụ trách bàn đạp Đà Nẵng, tiếp cận nội thành để xây dựng cơ sở, thành lập các chi bộ, bắt đầu từ Nại Nam, Lỗ Giáng, Trung Lương. Rồi từ Cẩm Lệ, Sáu Hưng thọc sâu vào nội thành. Nơi nào ông đến, nơi ấy chi bộ Đảng được thành lập, cơ sở cách mạng mở rộng. Để hoạt động và tồn tại giữa lòng thành phố, ông Sáu Hưng từng đóng vai làm thầy, làm thợ, phu phen; khi cuốc bộ, khi ngồi ô-tô, len lỏi khắp ngóc ngách của Đà Nẵng để xây dựng cơ sở, chỉ đạo công tác.
17 lần ông suýt bị bắt. Ông bảo, cuộc đời ông vào sinh ra tử, ăn nhờ ở đậu nhà những người dân nghèo vùng bị chiếm “họ rất đẹp, rất nhiều gia đình trí thức tạo vỏ bọc cho tôi”. Chính những người dân nghèo, những nhà tư sản dân tộc yêu nước đã bao bọc, chở che để Sáu Hưng và nhiều đồng chí xây dựng các căn cứ bàn đạp, trong các tổ chức, nghiệp đoàn của địch.
Nhắc đến K20, Nại Nam, Trung Lương…, ông Sáu Hưng nhớ từng nóc nhà, từng khuôn mặt, từng cuộc đời đã đi theo ông trong suốt cuộc kháng chiến. “Hôm rồi Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng, mời chú tới, gặp toàn người quen, nhận mặt ra hết, mừng lắm”, ông hồ hởi khoe. Ông bây giờ như là người nhà của nhiều gia đình cơ sở cách mạng ngày xưa, như nhà ông Lê Văn Sỏ ở phường Nam Dương, nhà bà Huệ đường Cô Bắc, nhà ông Lê Châu ở đường Triệu Nữ Vương…
Ngày Tết, ngày giỗ gì, vắng ai cũng được, chứ Sáu Hưng là phải có mặt. Dù cha, dù mẹ, dù bà của những gia đình này đã không còn. Con cháu của họ, sinh ra khi đất nước hòa bình, nhưng luôn ghi nhớ một con người từng sống, từng hoạt động trong ngôi nhà thân thương của mình…
Đánh giặc từ lúc tóc còn xanh
Hôm về Hòa Liên tìm bà Hai Sương, phải chờ khá lâu mới gặp được bà. Bà lùa bầy vịt ra đồng tắm táp, cái giống vịt cỏ không chịu ở lâu trên đất khô. Gặp rồi vẫn không ngờ người đi lùa vịt ấy đã 82 tuổi, mạnh khỏe như một người trung niên. Có lẽ những năm tháng ở rừng chỉ đạo hàng trăm con người đánh giặc giúp bà có sức khỏe và khí phách của người lãnh đạo. Bà Hai Sương tên thật là Phạm Thị Sương, trong căn cước hồi những năm chống Mỹ là Phạm Thị Sơn; nhờ đó mà bị bắt hàng chục lần, lúc nào bà cũng thoát. Bí quyết là bà Bí thư khu 1 Hòa Vang (vùng Nam Ô, Thủy Tú và cánh bắc Hòa Vang) lúc đó không bao giờ chụp ảnh để lộ “chân tướng” của mình cho giặc biết.
Bà Hai Sương tham gia cách mạng từ 1954, hết làm giao liên đến bám địch, xây dựng cơ sở; phải đến 10 năm sau bà mới được tổ chức giao nhiệm vụ lãnh đạo đấu tranh chính trị của hội nông dân, phụ nữ và nắm hoạt động du kích mật. Nhà bà ở phái tư của làng Quan Nam, đây là vùng đất rìa làng, sát làng Thủy Tú, gần sông Cu Đê, dân có tiếng gan lì và một lòng theo cách mạng. Bà hoạt động hợp pháp, ban ngày là nông dân, ban đêm lãnh đạo quần chúng đấu tranh.
Năm 1966, chiến trường Hòa Liên trở nên ác liệt, đặc biệt sau Tết Mậu Thân tình hình rất căng thẳng, trong đường dây hoạt động có một số điểm bị lộ, bà Hai Sương được lệnh về núi. “Nói là về núi nhưng vẫn ở với dân, dân là bà con chòm xóm, cô ở dưới công sự, có dân bảo vệ mình”, bà Hai hoạt động bất hợp pháp từ đó. Quận trưởng Hòa Vang lúc đó treo giải cho 2 trung đội nghĩa quân nếu bắt được Hai Sương sẽ thưởng 30 triệu đồng (năm 1973). Nhưng rồi nhờ dân, bà hoạt động trong an toàn cho đến ngày giải phóng.
Người phụ nữ gan góc trước quân thù, có lúc chùng lòng khi năm 1965 chồng bà là cán bộ quân quản Hòa Liên, bị Mỹ bắn chết trong một trận càn; ba đứa con, con gái đầu được tổ chức đưa ra Quảng Ninh, hai đứa nhỏ bà gửi ngoại một đứa, nội một đứa. Cả nội và ngoại đều nghèo, bà thì rút vào núi nên con không được đi học, bà ân hận cho đến giờ. Sau ngày giải phóng, bà làm Chủ tịch Ban quân quản, rồi thấy “hồi làm kháng chiến mình nói được, đi bằng cái chân, sau giải phóng cần người có trình độ, cô xin về hưu năm 79, lương được 64 đồng, làm ruộng nuôi con”, bà tâm sự.
Trong những năm chống Mỹ, 80% người dân Hòa Liên từng bị bắt, tù đày. Bà con truyền nhau câu “không biết, không nghe, không thấy, chịu đau mau về” trước chế độ đàn áp của giặc trong các đợt thanh lọc “không có đánh cho có, có thì đánh cho chừa”. Xã có 5 Anh hùng LLVT, trên 700 liệt sĩ thì riêng làng Quan Nam có đến 424 người được Tổ quốc ghi danh.
Ông Ngô Thanh Nhì, 76 tuổi, thoát ly theo cách mạng vô Tam Kỳ được 11 năm. Từ năm 1968 đến năm 1972 ông bị bắt, ra tù ông về làng hoạt động. Vợ ông, bà Trần Thị Quảng, 64 tuổi, hồi 16-17 tuổi hết làm giao liên, phát truyền đơn thì gánh gạo vô núi cho bộ đội, bà bảo đó là những năm tháng “quậy phát ớn”.
Bà cưới ông Nhì bởi bà nhận thấy ông cùng chí hướng. Giờ, hai ông bà, ông là thương binh 1/4, bà thương binh 3/4, ngồi kể chuyện đánh giặc say mê. Hình như ngọn lửa nhiệt huyết trong hai người vẫn cháy, chuyện của 40 năm trước như mới ngày hôm qua.
Ông Trần Đình Nhơn, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tiến cho rằng, sở dĩ khu dồn dân của Hòa Tiến những năm chống Mỹ luôn thiếu dân Yến Nê, vì bà con ở đây toàn là dân “cứng đầu”. Ai cũng bảo vì vườn tược đem cái ăn cái mặc đến nên không chịu vô khu dồn. Và quan trọng hơn hết, Yến Nê ở sát bìa rừng, bà con ở lại cho anh em cán bộ trên núi xuống dễ về đây hoạt động cũng như thoát đi. Trước 1975, Hòa Tiến có hàng trăm người là đảng viên bám trụ tại địa phương hoạt động cách mạng, họ là du kích mật, du kích thoát ly và phụ nữ nuôi giấu cán bộ. Hiện toàn xã có 212 người còn sống (91 người là nam giới); có khoảng 10 mẹ là vợ hoặc mẹ liệt sĩ, giờ sống một mình, nhiều mẹ sau chiến tranh không có cơ hội lập gia đình. |
HOÀNG NHUNG