.
Giới thiệu sách

Đợi… ngày mới nhẹ nhàng

.

Tôi quơ lấy cuốn sách vì… cái tựa Ngày mới nhẹ nhàng. Ngày cuối tuần được nhẹ nhàng với một cuốn tạp bút của một cây viết nữ thì còn gì bằng. Nhưng đọc xong bài một, qua bài hai, đến bài thứ 56 của quyển sách gần 300 trang này, tôi lại được biết một Bích Ngân - tác giả cuốn sách… ngược với cái tựa chị đã chọn.

Mỗi ngày, mỗi việc trôi qua với Bích Ngân dường như cứ ngưng đọng nỗi niềm và phảng phất nỗi lo. Sự suy tư của chị về bản thân và mọi thứ diễn ra xung quanh có thể được hiểu thông qua cách chị “chia phần” trong cuốn sách: Nỗi mình-Nỗi người và Nỗi đời.

Là nhà văn, đồng thời là nhà báo, nên Bích Ngân (tên đầy đủ Trịnh Bích Ngân, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Văn hóa-Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh) thể hiện những vấn đề dù mang tính cá nhân hay liên quan đến tin tức thời sự nóng hổi cũng đều dưới giọng viết tình cảm và chữ nghĩa đầy hình ảnh.

Trong làng văn, làng báo Việt Nam, nhiều người biết Bích Ngân là cây viết có hàng chục năm theo nghề và đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn cũng như kịch bản văn học. Chị còn viết tiểu thuyết và là nhà văn nữ duy nhất đã xuất bản 2 tập truyện hài hước. Chị còn là “bà đỡ” cho nhiều bản thảo văn học chưa kịp ráo mực. Tuy nhiên, với Ngày mới nhẹ nhàng, chị là “lính mới tong” và cũng đầy hồi hộp cho lần mở hàng tạp bút đầu tiên. Cuốn sách do Nhà xuất bản Trẻ vừa ra mắt cách đây không lâu gồm 56 tạp bút được Bích Ngân chọn lọc từ các bài viết đã đăng trên các báo Tuổi trẻ, Lao động Cuối tuần, Phụ nữ Chủ nhật và nhiều bài chị viết thêm sau này.

Trọn vẹn trong tạp bút có thể gói trọn trong một từ: Nhớ! Hình như Bích Ngân dù cố muốn cũng chẳng thể quên thứ gì lỡ lướt qua lăng kính vốn luôn nghĩ ngợi, thắc mắc và đầy ngỡ ngàng của chị. Tôi trộm nghĩ, vì không thể thoát ra những câu hỏi cứ vận vào mình nên Bích Ngân cứ tự vấn rồi hỏi người, hỏi đời sao nghiệt ngã, sao bất công… Có lẽ vì thế, Bích Ngân khó mà nhẹ nhàng dù rất muốn.
Nếu Bích Ngân tách bạch cuốn tạp bút thành 3 phần đều tăm tắp: Nỗi mình-Nỗi đời-Nỗi người, thì một người đọc như tôi lại cảm thấy trong chị luôn có “đời’, có “người” không thể tách rời. “Đời” và “người” ở đây không phải là điều gì đó to tát, mà là những câu chuyện, những con người bình dị, gần gũi với Bích Ngân.

Đó là gia đình với người cha đã trao lại cho con hiểu biết về lẽ phải và tình thương. Là những người bạn văn, bạn thơ, bạn báo, những nghệ sĩ mà chị nhìn thấy trong họ lấp lánh sự tử tế, như Lê Văn Nghĩa, Lương Văn Thành, Lí Lan, Nguyễn Bích Lan, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trương Tuyết Mai, Nguyễn Lương Ngọc… để rồi chị gọi tên những giá trị tốt đẹp họ để lại là “Lộc chồi vĩnh cửu”.

Nếu viết về những người yêu thương, chị nhẹ nhàng chia sẻ như niềm riêng, thì viết về các vấn đề xã hội, người đọc lại thấy Bích Ngân không còn giữ những day dứt cho riêng mình nữa. Chị muốn thể hiện tiếng nói phản kháng của người cầm bút trước sự đói nghèo của người làm nông, sự thua thiệt của “dân đen” và nỗi nhọc nhằn của người chạy ăn từng bữa. Dưa hấu mặn, Biển, Những khoảng sân ngập nước, Người nghèo thành thị, Bình quân được… nửa con gà là các tạp bút khắc họa rõ nét nỗi đau đáu của chị trước “một bộ phận của cộng đồng trong vòng xoáy sinh tồn nghiệt ngã”.

Bích Ngân kể chuyện một cách mộc mạc như thể chị kéo người đọc ra quán cà-phê vỉa hè và cùng nói về một điều vừa nhìn thấy. Không than cực, kể khổ thay nhân vật, vậy mà cái nhọc nhằn của những thân phận cứ ám ảnh qua từng trang viết. Chị cũng không đứng ở vị trí người quan sát để viết nữa. Chị dường như thấy mình là những con người khổ sở đó để cùng buồn, cùng sợ, cùng muốn tống những thứ đã khiến con người ta khốn cùng biến khỏi cuộc sống này.

Một lần mua dưa hấu, Bích Ngân đau mãi trước câu nói của người bán: “Năm nay dân trồng dưa họ khóc vì trúng mùa đó, cô”. Rồi chị viết “Tôi gọt trái dưa hấu với giá rẻ hơn nước lã đóng chai rồi cho vào máy ép trái cây và nhấn nút. Chỉ vài phút sau, tôi bưng ly nước dưa hấu có màu đỏ tươi, đưa lên miệng… Thứ nước ngon ngọt và mát rượi đang chảy vào cổ họng tôi dường như lại có cái vị mằn mặn của mồ hôi và nước mắt” (Dưa hấu mặn, tr.107).

Lần ăn đậu hủ, chứng kiến những phụ nữ buôn gánh bán bưng bị đe dọa, rượt đuổi, vậy là “từ sau bữa sáng đó, mỗi khi ăn chén tàu hủ trên bãi cát, tôi lại đưa mắt nhìn quanh. Cứ như sợ nghe tiếng quát đuổi, sợ lại thấy người đàn bà quẹt nước mắt lầm lũi gánh nồi tàu hủ rời bãi cát và lại sợ những đứa trẻ ở miền quê nghèo không đủ tiền đóng tiền trường, phải bỏ học” (Nhọc nhằn buổi sớm, tr.108).
Chị cũng khiến người đọc “nghẹt thở” khi mô tả một lát cắt trong cảnh sống ngột ngạt nơi thành thị: “Sau lưng bà là bức tường cũ kỹ của một nhà kho, trước mặt là một con kênh, xa hơn một chút là dãy phố sầm uất với những tòa nhà tráng lệ. Chiếc xe chở khoai cũng già nua đen đúa như chủ nhân của nó” (tr.117). Bích Ngân luôn thấy cảm xúc của mình “cô đọng, đặc sánh” trước nỗi oan của người nghèo.

Và cũng qua những suy tư này, người đọc nhìn thấy phần nào chân dung một cây viết nữ hồn hậu trước cuộc đời. Dưới mắt chị, những con tôm, con cá bé nhỏ tội nghiệp là “những sinh linh vẫn còn nằm trong bụng mẹ”. Trong Biển, chị mô tả hoạt động chài lưới truyền thống của người dân và cách thưởng thức hải sản theo kiểu cỡ nào cũng xơi của du khách vô tình khiến nguồn tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt.

Vấn đề nhức nhối chung của cộng đồng được kể bằng nỗi lòng tưởng riêng tư của một kẻ đang thả hồn cùng sóng nước: “Bước tới chỗ thùng ghẹ còn đang đợi đến lượt được đặt trên bếp, nhìn những con ghẹ non đang cố chòi chòi những cái càng bé xíu, sau một hồi lưỡng lự, tôi lân la bắt chuyện: “Nhiều con ghẹ nhỏ quá, sao mình không thả nó xuống biển?”. Cô ta lấy một chiếc que bằng cây, cời cời chỗ ghẹ lên, bắt một con ghẹ con trong suốt thịt da đặt vào lòng tay, đưa lên nhìn, rồi nói: “Càng nhỏ càng mềm, ăn được luôn cả vỏ!” (tr.60).

Ngày mới nhẹ nhàng chỉ là lời chúc của một người hiểu Bích Ngân và mong cầu sự nhẹ nhàng đến với chị. Thấy hay hay nên Bích Ngân lấy luôn làm cái tựa cho tạp bút của mình. Thường người ta sẽ chúc cái người khác đang tìm kiếm. Với Bích Ngân, nhẹ nhàng còn ở… phía trước, khi chị cứ “đang đọc đang hình dung đang dõi theo đang nín thở đang xót xa đang lo sợ đang phẫn uất… tất cả như cùng ùa đến, cùng múa may, khiến tim tôi đập dồn… rồi sau đó, tất cả như lắng lại như chìm xuống để nhường chỗ cho thứ cảm xúc khác” (tr.178).

THU HOA

;
.
.
.
.
.