Đà Nẵng cuối tuần

Lớp học không tường vách

07:37, 07/06/2015 (GMT+7)

Trong hơn 2 năm qua, trên 20 lớp tiếng Anh học theo phương pháp tương tác do cô Ngô Bích Hà tổ chức đã hướng dẫn cho trên 400 bạn trẻ cách học và tiếp cận với tiếng Anh hoàn toàn khác biệt so với cách học truyền thống. Cô Bích Hà gọi đây là lớp học “không tường vách”.

Các bạn sinh viên của lớp học “không tường vách”.Ảnh: H.N
Các bạn sinh viên của lớp học “không tường vách”.Ảnh: H.N

Một buổi theo các bạn sinh viên đến quán cà-phê, trải qua bài học thực tế ở đây mới thấy việc học tiếng Anh sẽ rất thú vị, hấp dẫn và giúp các bạn đeo đuổi lâu dài đến khi có kết quả thực sự, nếu như lớp học đó mang lại cho người học sự hứng khởi. Một số học viên sẽ đóng vai là khách hàng, gọi đồ uống, và người phục vụ cũng là học viên sẽ đến chào hỏi, đưa thực đơn cho khách lựa chọn, nói sơ qua công thức, thành phần một số loại cà-phê, nước trái cây nếu như khách muốn hỏi cụ thể. Hay trong quán ăn, các bạn phải chuẩn bị ở nhà những bảng dán từ về gia vị. Có thể lớp học được tổ chức thành hai đội thi miêu tả món ăn ra làm sao, tập quán người dân ăn như thế nào…

Để có một buổi học như thế, mỗi học viên phải chuẩn bị trước vốn từ và các tình huống có thể diễn ra trong một quán cà-phê. Có thể các bạn không đơn giản chỉ là hỏi và trả lời, mà đó phải là một cuộc đối thoại, hoặc trong quán cà-phê đó có cả khách nước ngoài, thì các bạn vẫn phải chuẩn bị các cảnh được phân vai để nói chuyện với khách. Và cô giáo là người chuẩn bị nhiều nhất: liên hệ với một số quán cà-phê để học viên đến học, không chỉ làm khách hàng mà làm cả người phục vụ…

Mỗi tháng, các lớp học của Bích Hà sẽ có vài buổi học ở bên ngoài như thế. Có khi cả lớp đi biển, đi công viên, vào khách sạn, vào siêu thị… mỗi nơi sẽ có những tình huống khác nhau để các bạn thực hành. Mỗi bạn sẽ giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh-lắng nghe-để cô giáo sửa khi chưa đúng. Theo Bích Hà thì những buổi học thực tế như thế luôn mệt hơn, vất vả trong khâu chuẩn bị nhưng bù lại kết quả thu được rất khả quan. Vừa tập cho các bạn khả năng phản xạ nhanh, ứng đối linh hoạt, vừa tập tính tự tin trước đám đông, điều này rất cần thiết khi học ngoại ngữ. Hơn nữa, quá trình chuẩn bị của mỗi học viên sẽ tập cho họ tính cẩn thận, chu đáo để cho kết quả tốt nhất.

Phương pháp học tương tác do Ngô Bích Hà chuẩn bị và đứng lớp được triển khai hơn 2 năm nay. Mỗi lớp chỉ có 20 học viên. Trước khi đến lớp, mỗi học viên phải làm bài tập nói bằng cách ghi âm một đoạn hội thoại hay một đoạn văn, gửi cho cô giáo sửa; các bài tập viết khác sẽ được cô giáo chấm điểm riêng. Theo Bích Hà thì lâu nay người học ngoại ngữ nói chung hay tiếng Anh nói riêng dễ mắc các lỗi sơ đẳng là diễn đạt một câu tiếng Anh trên nền ngữ pháp một câu tiếng Việt, do đó câu nói sẽ có những khác biệt, hay không truyền cảm như tiếng Anh. Khi nói thì ề à, không dứt khoát, nói bằng âm môi trong khi ngữ điệu thực tế bằng âm bật hơi.

Về chương trình học, các bài học hầu hết do Bích Hà biên soạn lại từ một số sách tiếng Anh chuyên ngành. Buổi học đầu tiên ở lớp lúc nào cũng chuyên về luyện âm. Cô giáo luôn yêu cầu học viên bỏ áp đặt cách đọc, cấu trúc câu của tiếng Việt sang tiếng Anh. Đến bài học thứ 3, khi các bạn bắt đầu hình thành ý câu Bích Hà mới dạy ngữ pháp. Các bài tiếp theo sẽ đến phần tranh luận; vì lúc đó học viên đã có khái niệm cấu trúc câu có thể tự tranh luận với nhau. Quan điểm của Hà là yêu cầu học viên “bỏ hết đằng sau cánh cửa” tâm lý e ngại, sợ sai… để các bạn mạnh dạn diễn đạt ý tưởng. Khi không theo cách truyền thống, các bạn sẽ biết giá trị của mỗi buổi học nằm ở chỗ nào, cần điều gì cho thực tế.

Sinh năm 1980, tốt nghiệp thạc sĩ Ngôn ngữ Anh, Ngô Bích Hà từng trải qua 12 năm làm giảng viên cho một trường đại học, rồi dạy thêm ở một số trung tâm, đi làm phiên dịch… Theo Bích Hà thì các trường của Việt Nam hiện nay chỉ chú trọng dạy và học ngữ pháp, không có thời gian cho người học tập nghe-nói. Cái cuối cùng là đánh giá bằng điểm số khiến phản xạ của người học ngoại ngữ rất kém. Trước đây, khi còn làm giảng viên, Bích Hà từng tách điểm ngữ pháp ra, chia nhóm để người học được nói tiếng Anh. Nhưng hiệu quả vẫn không cao vì sinh viên không phải luyện nghe-nói vì bài thi không áp dụng và cứ “lấn cấn” với điểm số bài ngữ pháp.

Hai năm nay mở lớp dạy phương pháp tương tác tại nhà, Bích Hà cho biết đây là bước đi dài hơi để mở trung tâm dạy tiếng Anh trong vài năm tới, bảo đảm hiệu quả thực sự cho người học.

Ngoài thời gian làm giáo viên, Bích Hà còn kiêm giám đốc Công ty TNHH DNP Power chuyên về các công trình điện và điện lạnh, cùng các dự án viễn thông, chăm sóc khách hàng suốt 12 tỉnh miền Trung. Mục tiêu tiếp theo của Hà trong những năm tới là mở các lớp đào tạo kỹ năng thực tế cho người đi làm - các thợ lành nghề và kỹ sư của công ty sẽ hỗ trợ tay nghề cho những sinh viên mới tốt nghiệp chưa qua công việc thực tế.

Nhìn thời gian biểu kín mít của Bích Hà, mới thấy sức làm việc của cô gái này quá lớn, tất cả đều vì mục tiêu mang lại một điều gì đó mới mẻ và thực sự có hiệu quả cho những người tham gia cộng đồng tương tác của cô.

HIỀN LƯƠNG

.