.

Người có hoa tay

.

Ngày trước, có lần trong giờ thủ công, cô giáo cầm tay từng đứa xem kỹ từng hoa văn trên đầu ngón tay rồi bảo: Trời sinh mỗi người mỗi khác, ai có hoa tay là người đó có nhiều tài.

Ông Ba Thanh được cho là người có hoa tay nhất ở làng nghề tre Tân Hạnh. Ảnh: N.H
Ông Ba Thanh được cho là người có hoa tay nhất ở làng nghề tre Tân Hạnh. Ảnh: N.H

Còn nhớ, năm ngoái có lần đứa cháu học lớp 5 tại một trường tiểu học ở Đà Nẵng gọi điện mếu máo: Mai đến giờ thủ công rồi mà mẹ đi công tác vẫn chưa về, dì giúp con thêu dấu chữ nhân… Hỏi ra mới biết, những bài tập thủ công từ xé giấy, dán giấy, thêu thùa… của nó đều do một tay mẹ nó làm. Nếu mẹ làm không đẹp, thì huy động bà con, họ hàng… ai có hoa tay thì làm hộ với lý do:  nào là các cháu còn vụng về, làm xấu, điểm kém ảnh hưởng đến danh hiệu cuối năm, các bạn khác đều nhờ ba mẹ làm, sản phẩm đẹp được cô khen, hà cớ gì con mình lại tự làm để bị chê…

Chính cha mẹ chứ không ai khác đã làm thui chột sự sáng tạo của con em mình ngay từ bước đầu tiên chập chững vào đời.

Với nhiều người, thủ công là môn học phụ làm tốn thời gian. Làm thủ công cần đòi hỏi năng khiếu, không phải ai cũng có. Thực lòng mà nói, chính những giờ thủ công đã rèn luyện cho trẻ em khéo tay và sự sáng tạo vô bờ bến. Cũng một bức tranh dán giấy, nhưng mỗi bàn tay, tâm hồn của mỗi đứa trẻ sẽ thể hiện một cách khác nhau qua sự phối màu đậm, nhạt, xếp hình khối to, nhỏ… Và trẻ sẽ yêu quý biết bao khi bức tranh ấy do chính chúng làm ra.

Trên vỉa hè đường phố, thỉnh thoảng bắt gặp nhiều học sinh tiểu học say sưa ngắm mấy con cào cào, châu chấu bằng lá dừa, hay xe kẹo bột nặn... Các em xúm xít, chỉ trỏ đầy ngạc nhiên trước bàn tay khéo léo của chú bán hàng. Cả những bậc phụ huynh cũng sà vào ngắm nghía. Có lẽ ký ức một thời thơ ấu đã hiện về trong những trái tim cằn cỗi vì mưu sinh…

Ngày trước, những giờ học thủ công đối với học sinh tiểu học đặc biệt vui vì thoát khỏi những bài toán đố hóc búa hay bài học thường thức lê thê. Những bàn tay lóng ngóng, vụng về tập vót đũa, vót que tính, đan rổ, rá, làm quạt tre... Sau khi được thầy cô chấm điểm, những đôi đũa con, đũa cả… được đem về nhà để dùng với một niềm sung sướng vô hạn. Đến bữa ăn, chỉ dùng đôi đũa do chính tay mình làm ra.

Đến bậc trung học, đặc biệt là nữ sinh có học thêm giờ nữ công gia chánh. Hồi ấy, giáo viên dạy nữ công gia chánh không chỉ có bằng cấp văn hóa mà còn tốt nghiệp lớp nghiệp vụ riêng. Bọn con gái háo hức với đường kim, mũi chỉ do cô giáo chỉ dạy. Những mái tóc dài nghiêng nghiêng bên khung thêu đã làm nên một bức tranh đẹp về thiếu nữ Việt.

Sau một năm học, ai cũng biết thêu thùa, cắt may những vật dụng đơn giản như gối, áo, tất tay cho em bé. Cứ thế 4 năm trung học đệ nhất cấp trôi qua, nữ sinh nào cũng biết, may vá, thêu thùa, đan, móc và cả nấu ăn. Dường như những giờ thủ công thời trước đã chuẩn bị cho mỗi nữ sinh một kỹ năng sống không nhỏ cho hành trình vào tương lai. Nữ sinh thời ấy về sau trở thành mẹ, thành bà, ai cũng thú nhận rằng, những bài học nữ công gia chánh một thời áo trắng đã giúp họ làm tốt hơn thiên chức của mình, góp phần giữ lửa cho mái ấm gia đình thêm bền chặt.

Còn nhớ thời bao cấp nghèo khổ, hình ảnh người phụ nữ ngoài việc làm chính còn phải kiếm thêm bằng nghề đan len, móc áo hay làm bánh bỏ mối hàng ở các chợ. Ai đã đi qua thời gian khó, sẽ không thể nào quên được cái cảnh các mẹ, các chị vừa ngồi họp vừa thoăn thoăn đan len. Về nhà, việc nhà, cơm nước xong là chong đèn ngồi đan đến khuya lơ khuya lắc để ngày mai kịp giao hàng. Và đến nay nhiều người đã vẫn sống bằng nghề thủ công đã học từ thời thơ dại.

Những người muốn quay lại hoài niệm xưa hoặc mua sắm một vài vật dụng bằng tre cho vơi nỗi nhớ quê kiểng có thể tìm đến cửa hàng mây tre “Dì Hải Dung” ở số 16 Hùng Vương, bên hông phải chợ Hàn. Hải là tên người mẹ, ghép với Dung, tên con gái. Năm nay bà Hải 75 tuổi, có thâm niên bán mặt hàng mây tre gần 45 năm. Tình yêu đối với mây tre, với cái nghề thủ công đan lát trong bà không thể nói bằng lời. Ban đầu chúng tôi đến mua sắm, sau dần dà thân quen với cả hai mẹ con. Nhiều khi đến chẳng mua gì, chỉ chuyện trò cho vơi đi nỗi nhớ về một tuổi thơ xa xôi lắm.

Đó là cái thời bé dại ngồi vót tre làm thẻ chơi chuyền đến đứt tay chảy máu. Cái thời chưa biết ngượng, túm tóc, xắn quần cùng lũ con trai chơi bắn trận giả bằng những khẩu súng ống thụt bằng tre, bắn đạn bời lời đau điếng cả người… Lớn lên một chút, những đứa con trai không còn chơi bắn súng ống thụt, chúng ngồi cần mẫn đan quạt, chép câu thơ lục bát thương nhau tặng những đứa con gái xõa tóc thề.

Hôm rồi, có dịp về làng tre Tân Hạnh, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Ông Ba Thanh, người nổi tiếng “có hoa tay” nhất làng nghề, từng làm những bộ xa-lông mây tre giản dị, tự nhiên và sang trọng cho các khách hàng quen thân, hay đưa vô tận Hội An để làm duyên cho phòng trưng bày tranh, bảo làng nghề giờ vắng vẻ lắm. Thanh niên chừ ra phố kiếm việc hết, mấy ai muốn học cái nghề vất vả mà tiền ít này làm gì. Vả lại  làng quê bê-tông hóa hết rồi, tre bây giờ cũng hiếm dần…

Thật tình cờ, khi ghé hỏi thăm đường về Tân Hạnh, một cậu bé đang loay hoay ngồi vót đũa ngẩng lên trả lời. Đôi bàn tay nhỏ nhắn khéo léo, cần mẫn vót từng thanh tre, thực hành bài học đầu tiên của nghề thủ công truyền thống làng mình. Không biết đôi bàn tay nhỏ nhắn ấy có hoa tay không, nhưng cảm giác như đang lóng ngóng chép tiếp lịch sử làng nghề đang hồi mai một…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.