.

Nơi ấy - Cù lao Chàm

.

Nằm cách đất liền 12 hải lý, Cù lao Chàm (thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, Quảng Nam) còn nhiều nét nguyên sơ giữa biển cả với những bãi biển xanh rờn vỗ về mép núi đá. Quang cảnh như níu lòng bao du khách một lần đặt chân đến…

Giếng cổ 400 năm ở Cù lao Chàm. Ảnh: T.L
Giếng cổ 400 năm ở Cù lao Chàm. Ảnh: T.L

1. Thân thiện, mến khách! Đó là cảm giác đầu tiên khi tiếp xúc với người dân xã đảo. Chiếc ca-nô sau gần nửa giờ đồng hồ băng băng lướt sóng đã đưa chúng tôi cập bến Bãi Làng. Người phụ nữ tên Nhung làm nghề cho thuê xe máy hồ hởi dẫn chúng tôi một vòng quanh bãi Làng, đến thăm giếng cổ trăm năm trước khi giao hẳn xe máy cho khách lạ với chỉ một cam kết giản đơn: “Khi nào không muốn đi nữa thì tới chỗ bến thuyền trả xe cho chị!”. Tôi giữ ga xe thật chậm trên cung đường bê-tông chạy dọc bãi biển đi qua bãi Làng, bãi Hương, bãi Ông.

Cù lao yên bình. Những ngôi nhà san sát nhau, hướng mặt ra biển, tựa lưng vào núi đá. Nhà nào cũng để ngõ cửa. Những cụ già đon đả mời khách nghỉ chân dùng nước lá rừng, dù chủ - khách chưa một lần gặp gỡ. Dưới những rặng dừa tỏa bóng, những ngư dân, phần lớn là cánh phụ nữ ngồi mải mê đan lưới.

Ở đây lá rừng là đặc sản thức uống. Lá khô được bày bán bên góc chợ hay trong hàng quán. Thứ nước hãm từ những lá cây bám rễ trên đá với đủ sự thẩm thấu từ vị mặn mòi của đại dương, của gió, của đá tạo nên hương vị đặc biệt. Công việc chặt lá rừng trở thành nghề phụ của phụ nữ buổi giêng hai, vào những ngày biển động, con thuyền nhỏ của gia đình không thể vươn khơi.

“Người cù lao không phải đi xa, với con thuyền nhỏ và chục tấm lưới, cất neo thuyền một đoạn là có thể buông lưới bắt cá. Mùa biển động thì lên núi chặt lá rừng về bán kiếm chút đỉnh tiền mua lương thực phụ thêm. Mấy trăm năm qua, cuộc sống của người cù lao vẫn diễn ra như thế. Chưa ai bỏ xứ mà đi!”, bà Nguyễn Thị Hoa, một cư dân của đảo đang cặm cụi dệt lưới, nói.

2. Cù lao Chàm còn biết đến với nghề đan võng ngô đồng trứ danh. Bà Ngô Thị Lê, 62 tuổi nhưng chỉ mới có 3 năm vào nghề. “Tui theo nghề đan võng không chỉ để kiếm thêm thu nhập ở tuổi già sức yếu mà còn muốn góp tay giữ nghề của cha ông!”. Không ai nhớ nghề đan võng ngô đồng có từ bao giờ. Cứ đến độ tháng 10, 11 (âm lịch), người dân lên rừng tìm chặt ngô đồng, chọn thân thon và thẳng để lột lớp vỏ trắng nõn bên trong. Sau đó đem ngâm dưới suối rồi tiếp đến là phơi khô, tước sợi mỏng, nhỏ, rồi bắt đầu công đoạn đan.

Từ khi Cù lao Chàm mở cửa đón khách du lịch, nghề đan võng ngô đồng trứ danh được du khách thập phương biết đến. Kể cũng lạ, loài cây ngô đồng mọc ở núi đá cheo leo, bất chấp gió mưa vẫn vươn cành xanh tốt, nở trái đỏ tươi.

Đan võng ngô đồng đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu nên nghề này dường như chỉ dành cho cánh phụ nữ. Nói vậy nhưng để hoàn thành một chiếc võng ngô đồng, đòi hỏi rất nhiều công sức. Từ việc lên núi đốn cây, bóc vỏ rồi đem ngâm dưới suối cả chục ngày, đưa về xé sợi mảnh, phơi lấy vài cái nắng giòn giã mới bắt đầu khâu đan. Đó là chưa kể để đan được một chiếc võng phải mất trọn một tháng trời.

“Tính ra nghề này chỉ lấy công làm lãi. Cốt là giữ lấy cái nghề”, bà Lê bộc bạch. Người cù lao không ai muốn bỏ nghề, dẫu người theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay với những cụ già tuổi cao sức yếu. Họ giữ nghề như giữ gìn mảnh đất hương hỏa linh thiêng của cha ông lập nên, để lại.

3. Sự đổi thay rõ nét nhất ở Cù lao Chàm so với mươi năm trước có lẽ là khát vọng con chữ. Khát vọng thực sự! “Ui chao, ở chỗ ni mà không biết mặt con chữ thì cực lắm. Cực nối đời ni sang đời khác. Phải học chữ mới mong thoát ra được!”, người đàn bà tên Ngôn (60 tuổi) ở bãi Hương nói như đinh đóng cột.

Sinh ra và lớn lên ở cù lao. Hai mươi tuổi, bà kết duyên với một người con trai làng chài này. Có với nhau ba mặt con. Năm đứa út lên 2 tuổi thì chồng bà mất đột ngột. Một nách ba con thơ, không thể vươn khơi, bà buôn thúng bán bưng kiếm sống. Thời mở cửa, bà mở cái quán cà-phê cóc. Nhưng họa hoằn mới có đôi vị khách vãng lai ghé chân. Nghĩ đời con không thể vất vả như bố mẹ, bà quyết cho con ăn học.

“Cứ lên cấp 2 là tui vay mượn cho con vào đất liền theo học. Chừ hai đứa đầu tốt nghiệp cao đẳng, có việc làm ở đất liền. Đứa út năm nay lên lớp 11 rồi”, giọng bà Ngôn trầm ấm. Chuyện khát vọng con chữ ở Cù lao Chàm không riêng bà Ngôn. Đấy là khát vọng chung của bà con ngư dân xã đảo.

“Bây giờ việc vận động trẻ ra lớp dường như không phải thực hiện, đầu năm phụ huynh đều tự giác đưa con em tới trường. Dẫu rằng, đường sá đi lại rất khó khăn…”, cô Hồ Thị Đào, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Hiệp cho biết.

Nói vậy, sẽ thiếu sót nếu quên nhắc tới những người bám đảo, thực hiện nghĩa cử đưa trò sang sông chữ. Đi đầu làng cuối bãi, bà con thường nhắc đến tên người giáo viên 30 năm bám đảo Mai Thị Trái. 6 năm về trước, trên đường công tác từ điểm lẻ về trường chính, cô không may bị tai nạn. Cú ngã xe trên dốc núi khiến cô phải năm lần bảy lượt vào bệnh viện và cái lưng vĩnh viễn phải mang nẹp để giữ thăng bằng. Mỗi ngày, cô vẫn lặng thầm đến lớp và miệt mài trên trang giáo án trong căn phòng nội trú chật hẹp.

Để các con được học lên cao, chồng cô đưa hai con vào đất liền tiếp tục hành trình tìm chữ, còn cô ở lại với lũ trò nghèo. Gia đình chia đôi nhưng niềm tin chung một. Tôi tưởng tượng hình ảnh cô như con thuyền bươn mình giữa sóng to gió lớn, bắc chiếc cầu ngang qua biển để đưa lũ học trò tóc khét nắng tới nơi công danh tròn với tuổi.

Khép lại hành trình đến với Cù lao Chàm, không đủ để nói hết về mảnh đất, con người nơi đây trong vỏn vẹn một ngày. Chỉ biết rằng, nơi ấy, có những người con đất Việt, đời nối đời neo mình bên mép sóng giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và luôn nuôi dưỡng niềm tin về ngày mai tươi sáng!

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.