.

Chúng tôi làm phim Chu Cẩm Phong

.

Giai đoạn 1968 đến 1971 là thời kỳ vô cùng gian khó của phong trào cách mạng ở miền Nam. Sau 1968 quân đội Mỹ tăng cường căn cứ Khe Sanh, sự viện trợ của miền Bắc gần như đứt hẳn, cuộc sống của những người hoạt động cách mạng miền Nam rơi vào cảnh vô cùng khó khăn.

 Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong.
Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong.

Do âm hưởng chiến tranh, không được nói nhiều đến những khó khăn hy sinh nên đến nay hầu như chúng ta được biết rất ít về cuộc sống của những người hoạt động cách mạng giai đoạn này ở miền Nam. May mắn là ta đã có những ghi chép dạng nhật ký của Chu Cẩm Phong. Vì là ghi nhật ký nên anh đã ghi rất thật và vô cùng sinh động.

Chúng ta gặp ở đây những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật, những cảm xúc thật. Một khối tư liệu phong phú về chiến tranh mà sau 25 năm, nhiều người chưa biết và cả những người đã quên, rất khó mà hình dung nổi nếu không có người ghi lại.

Lần theo những dòng nhật ký của Chu Cẩm Phong để làm phim, chúng tôi bỗng gặp lại gần như nguyên vẹn những sự kiện, nhân vật anh đã ghi trong nhật ký. Có trường hợp như đến nhà bà Nhạn ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, trước khi đi chúng tôi đều nghĩ rằng khó mà còn có thể gặp bà, thế nhưng chi tiết cây mai nở sớm Chu Cẩm Phong bẻ một cành vào cắm bàn viết cứ buộc chúng tôi lặn lội.

Thôn 7 Bình Dương ngày xưa bây giờ đã thành thôn 1, sự biến đổi sau chiến tranh còn hơn cả cảnh biển xanh thành nương dâu. May là bà Nhạn còn sống - một người mẹ cương nghị và khí khái đến kỳ lạ. Chúng tôi cứ tiếc mãi không kịp quay cặp mắt ngấn nước của mẹ khi nói về cảnh bây giờ ở thui thủi một mình.

Chỉ một thoáng nghẹn lại rồi mẹ nén đi, nói sang chuyện khác. Căn nhà ngói nhỏ mẹ đang ở là do chính mẹ bán đi mọi thứ để xây lên. Mẹ bảo: Nhà làm ngay sau 1975, có chết cũng phải làm, nếu không, ở nhà lụp xụp, mấy người ở thành phố về họ cười vào hy sinh của chồng con mình! Bây giờ bà cũng đã từ chối chế độ làm nhà cho Mẹ Việt Nam anh hùng. Bà bảo để cho người khác khó khăn hơn.

Lần về Hòa Hải, nơi có 4 người giao liên dẫn đường bị Mỹ bắt rồi hiếp. Đây là một sự kiện nổi tiếng nhiều người ở chiến trường Quảng Đà lúc ấy đều biết, lá cờ tuyên thệ và mái tóc em Một vẫn đang để tại bảo tàng cách mạng ở Hà Nội, thế nhưng Cúc và Hường bây giờ ở đâu thì không ai biết. Chu Cẩm Phong ghi Cúc ở Hòa Phụng, bây giờ là Khuê Đông - Hòa Quý; Hường ở Điện Ngọc. Những người giao liên và lãnh đạo xã giai đoạn ấy, có chữ ký trong lá cờ tuyên thệ đều biết Cúc và Hường nhưng gia đình họ nay ở đâu thì không ai biết.

Vào Điện Ngọc, nơi xảy ra sự kiện “ngày đau thương” hôm ấy, chúng tôi có người bà con là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã nhưng vẫn không ai giữ hình ảnh cô ấy. Chúng tôi vào tận Cẩm Thanh (Hội An) tìm người thân, nhưng ảnh cũng mất lâu rồi. Không có ảnh của Cúc và Hường thật khó dựng lại những trang nhật ký đau thương ngày hôm ấy. Chúng tôi quyết định không dựa vào những nhân chứng nữa, tự lội về Hòa Phụng cũ.

Khi ngang nghĩa trang Hòa Quý, như một sự mách bảo vô hình nào đó, chúng tôi rẽ vào và đọc thấy trên bia đá tên của một liệt sĩ hy sinh 1969 là Hồ Thị Cúc. Có phải chị đó không? Tìm trong hàng trăm mộ mới thấy bia trên mộ ghi ngày hy sinh đúng vào ngày Chu Cẩm Phong ghi trong nhật ký… Từ đó, tìm đến nhà để có được bức ảnh của chị Hồ Thị Cúc là chuyện không khó, nhưng chúng tôi biết rằng để có được những hình ảnh ấy không chỉ hoàn toàn nhờ vào quyết tâm mà được.

Và bao nhân vật chúng tôi tìm gặp cũng đều gây nên cái cảm giác như thế, tất cả đều tươi nguyên, chính xác và sống động như mới xảy ra hôm qua. Ai đó quên, chúng tôi lấy nhật ký ra nhắc lại, họ kinh ngạc xem chúng tôi như kẻ “đội mồ sống dậy”, biết hết quá khứ đau thương của họ đến chi tiết còn hơn chính ký ức của họ. Nhiều người nghe chúng tôi đọc xong đã khóc.

Không phải vô cớ mà cuốn nhật ký mãi 25 năm sau ngày giải phóng mới được in ra để đến tay bạn đọc. Các sự kiện và những người trong cuộc phải có một độ lùi thời gian cần thiết để nhận ra vẻ lung linh của những tháng ngày mình vừa trải qua.

Thật may mắn là những tháng ngày gian khó nhất của cuộc chiến tranh được Chu Cẩm Phong ghi lại với một bút lực chững chạc không gây cho người đọc sự nhàm chán thường thấy khi đọc nhật ký. Có lẽ sau này, cuốn nhật ký của anh sẽ trở thành một sử liệu để các nhà nghiên cứu tham khảo như các nhà sử học vẫn dùng đối với các tác phẩm “Ô Châu cận lục”, “Thượng Kinh ký sự”, “Phủ biên tạp lục”.

Tập nhật ký của Chu Cẩm Phong chúng ta đọc hôm nay anh bắt đầu ghi từ ngày 11-7-1967 và kết thúc vào ngày 27-4-1971. Gần 4 năm với 900 trang in. Hàng trăm nhân vật với hàng trăm cảnh ngộ, với cơ man nào là thử thách hằng ngày. Những nhân vật mà sự chiến đấu và hy sinh của họ đã khiến anh luôn dằn vặt mỗi khi cầm bút, cảm thấy mình không phải khi cố gắng rất nhiều vẫn không thể mô tả được hết những hy sinh bất khuất mà nhân dân đang trải qua… Chu Cẩm Phong hẳn không biết rằng cuối cùng anh đã làm được điều đó bằng cả cuộc đời ngắn ngủi của mình qua từng ngày sống với từng dòng nhật ký anh ghi trong bão lửa.

Phim tài liệu Giở lại trang nhật ký Chu Cẩm Phong (kịch bản Hồ Duy Lệ, đạo diễn Hồ Trung Tú) đoạt Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2001, giải nhất Hội Nhà báo Việt Nam năm 2002, giải nhì của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2002.

HỒ TRUNG TÚ

;
.
.
.
.
.