.

Sức hấp dẫn của phim ngắn

.

Không có môi trường đào tạo chuyên nghiệp, thiếu “đất” diễn xuất, nhân tài lần lượt ra đi khi Đà Nẵng hiện vẫn chưa gầy được “mái nhà chung” xứng tầm cho những người yêu môn “nghệ thuật thứ bảy”. Lúc mọi thứ tưởng chừng rất khó khăn thì giới trẻ Đà Nẵng liên tục cho ra đời những phim ngắn chất lượng, gây được ấn tượng tốt trong lòng khán giả.

 Nhóm làm phim Lê Hoàng Nam đang thực hiện cảnh quay cho phim ngắn
Nhóm làm phim Lê Hoàng Nam đang thực hiện cảnh quay cho phim ngắn "Ngày mới của Phương". (Ảnh nhân vật cung cấp)

Khi đam mê thôi thúc

Với giới trẻ đam mê nghệ thuật thì chỉ chiếc máy ảnh kỹ thuật số hay chiếc điện thoại có chức năng quay phim cũng có thể tạo nên những thước phim sống động, giàu hình ảnh. Phim ngắn, có thời lượng vài ba phút trở thành mảnh đất màu mỡ để họ thỏa sức sáng tạo, rèn luyện khả năng viết kịch bản, học hỏi kinh nghiệm khi tham gia các cuộc thi và “tự giới thiệu” mình với công chúng yêu điện ảnh.

5 năm trở lại đây, ngôi trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) trở nên nổi tiếng khi có nhiều cá nhân đoạt giải cao trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU cũng như ở thể loại phim ngắn dành cho học sinh. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến phim ngắn “Buổi học của Thúy” đoạt giải nhất toàn quốc cuộc thi “Làm phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, giải đặc biệt Liên hoan phim học sinh châu Á 2010;“Lan, đừng khóc” đoạt giải ba Liên hoan phim học sinh toàn quốc và Giải ưu tú – giải cao nhất tại Liên hoan phim học sinh châu Á 2011.

Cả hai phim ngắn có thời lượng vỏn vẹn 3 phút đều được thai nghén và dàn dựng bởi những học sinh có chung niềm đam mê điện ảnh. Các em tự lên ý tưởng, viết kịch bản, đạo diễn, dàn dựng, tìm bối cảnh, quay phim bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Không ít người lớn sau khi xem xong phim nói rằng, giá như Đà Nẵng có một “lò” đào tạo chuyên nghiệp về điện ảnh, chắc những tài năng như thế sẽ không phải “gặp nhau” một lần - trong một bộ phim - rồi đường ai nấy đi vì thiếu người dìu dắt, nâng đỡ.

Thể loại phim ngắn trước đây thường dành cho giới sinh viên ngành điện ảnh thực hiện để trả bài tập cho thầy cô giáo thì nay, hầu như tất cả mọi người đều có thể tham gia sân chơi nhiều cảm xúc này. Tuy nhiên, đây chỉ là nơi để mọi người thể hiện tài năng, vì cơ hội kinh doanh từ thể loại này rất hạn chế. Bên cạnh đó, khá nhiều phim ngắn được đăng tải trên trang mạng youtube.com hiện nay được các nhóm thực hiện như một thú vui chứ không vì mục đích kinh doanh thương mại.

Có thể nói, làm phim ngắn cũng đồng nghĩa với kinh phí bỏ ra ít và tận dụng mọi thứ sẵn có để làm phim. Nội dung kịch bản tốt, mang thông điệp rõ ràng nhưng chất lượng quay cũng như khả năng diễn xuất của diễn viên vẫn chưa được các nhóm làm phim đặt lên hàng đầu.

Nhóm Amanu Group Films (Không đồng) thành lập ở Đà Nẵng năm 2013 do Nguyễn Cao Trọng Ân (23 tuổi), tốt nghiệp lớp Diễn viên kịch nói-Điện ảnh, Trường Cao đẳng Văn hóa-nghệ thuật và du lịch Sài Gòn sáng lập. Là nhóm làm phim độc lập nên hầu hết kinh phí sản xuất đều do 10 thành viên trong nhóm bỏ tiền túi hoặc xin nguồn tài trợ, nếu có. Ân chia sẻ, tất cả những phim ngắn do nhóm thực hiện đều xuất phát từ niềm đam mê phim ảnh. Thời gian đầu, nhóm phải sử dụng chiếc máy ảnh DSLR Canon 550D để quay vì thiếu thiết bị, do đó các bối cảnh trong phim đều rất mộc, cho hình ảnh thật, ít trau chuốt.

Khi đã có kịch bản, mỗi thành viên trong nhóm chia nhau đi tìm địa điểm phù hợp. Công việc này khá mất thời gian vì đôi khi tìm được không gian thích hợp nhưng năn nỉ mãi chủ nhà không đồng ý đành tiu nghỉu ra về. Hoặc có khi nhóm đang quay ở khu vực công cộng thì bắt gặp ánh nhìn tò mò của người đi đường dẫn đến không thể tập trung diễn xuất... Khó khăn là vậy, nhưng đến nay, Amanu Group Films đã có một “gia tài” kha khá gồm những phim ngắn như Muốn sống, Gương, The Killers, Khơi lòng hay phim Mục Kiền Liên có độ dài 90 phút, được quay tại chùa Phổ Đà năm 2014.

Nuôi dưỡng tình yêu điện ảnh

Tốt nghiệp đạo diễn sân khấu điện ảnh, Lê Hoàng Nam (1982) đang là cái tên khá quen thuộc trong giới làm phim ở Đà Nẵng. Người ta nhìn thấy ở Nam sự cẩn trọng và chắc tay khi dàn cảnh, chỉ đạo diễn xuất, định hướng hiệu quả hình ảnh và nghệ thuật cho mỗi tác phẩm. Theo Hoàng Nam, phim ngắn hiện nay không chỉ là trào lưu được giới trẻ yêu thích, mà bản thân nó đã giúp mọi người biểu lộ cảm xúc, suy nghĩ, qua đó chuyển tải những thông điệp về cuộc sống. Phim ngắn cũng là con đường ngắn nhất để trở thành nhà làm phim. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là mục tiêu mà những người trẻ như Nam hướng đến mà chỉ là “cái cớ” để anh tiếp tục trải nghiệm, học cách làm phim của những đạo diễn tên tuổi khác.

Từng công tác tại phòng Chuyên đề tài liệu, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng từ năm 2006 trước khi chuyển sang kênh Truyền hình ANTV năm 2014, Nam thực hiện khá nhiều thể loại, từ phim tài liệu, MV ca nhạc đến phim giới thiệu món ăn, phong cảnh Đà Nẵng, phim ngắn, phim quảng cáo... Dấu ấn của Nam trên con đường còn khá nhiều chông gai đó là những tác phẩm như phim tài liệu Cẩm Thanh mảnh đất anh hùng, phim ngắn Ngày mới của Phương… nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công chúng.

Điện ảnh trẻ Đà Nẵng đang có những bước đi tích cực, đáng để mọi người chờ đợi và hy vọng. Năm 2013, người yêu điện ảnh ở Đà Nẵng khấp khởi vui mừng khi Không có gì quý, một phim ngắn của đạo diễn Nguyễn Trọng Khôi (1990) được chọn làm phim khai mạc tại Tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF 2013 diễn ra ở Paris (Pháp). Không những thế, sau thời gian trình chiếu, Không có gì quý tiếp tục đoạt giải Trái tim hồng (do khán giả bình chọn) khu vực quốc tế và giải Trái tim cầu vồng do Ban tổ chức trao tặng.

Nguyễn Trọng Khôi làm quen với việc làm phim sau khi tham gia sinh hoạt tại CLB Xinê Tập sự. Trong quá trình tham gia một số khóa đào tạo làm phim từ các chuyên gia, Khôi thường đặt ra câu hỏi tại sao đạo diễn làm vậy, nếu là mình thì mình sẽ làm như thế nào. Theo Khôi, để làm một bộ phim, dù là phim ngắn vài ba phút cũng không đơn giản chỉ là việc lắp ghép các phân cảnh mà phải tạo nên một câu chuyện logic, nhân vật có sự phát triển tâm lý, có cao trào và có nội dung để lại ấn tượng trong lòng người xem.

Xinê Tập sự được thành lập cùng thời điểm Tiệc phim YxineFF lần đầu tiên khởi động tại Đà Nẵng. Nhà biên kịch Nguyễn Mỹ Dung, người sáng lập và điều hành CLB Xine Tập sự ở Đà Nẵng từ năm 2011 đến nay cho biết, tham gia dự án này, giới trẻ Đà Nẵng yêu điện ảnh được tham gia các lớp trao đổi về điện ảnh, tham gia lớp biên kịch, lớp đạo diễn và quay phim, lớp dựng phim, xem và trò chuyện với đạo diễn, cung cấp kiến thức từ các hội thảo, có cơ hội được trải nghiệm với cuộc thi “Làm phim 0 đồng”.

Sau 2 năm hoạt động tích cực, Xinê Tập sự được thay thế bởi Dự án Cinema Land nhằm chuyên sâu hơn về mảng đào tạo, hỗ trợ kiến thức, tài chính cho các nhà làm phim. Thành công của dự án này là cho ra đời sự kiện điện ảnh miền Trung mang tên Gặp gỡ mùa thu không lâu sau đó. Đây là sự kiện điện ảnh được DNY Productions phối hợp với các đối tác trong, ngoài nước tổ chức và đang trên con đường trở thành một sự kiện điện ảnh được mong đợi, diễn ra cuối mùa thu hằng năm tại Đà Nẵng.

Có thể nói rằng, Gặp gỡ mùa thu với sự xuất hiện của những thành viên Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, Học viện điện ảnh Hàn Quốc, Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ cũng như khách mời từ Liên hoan phim quốc tế Cannnes và Venice... sẽ tạo cơ hội cho giới trẻ được học tập, trải nghiệm và học cách làm phim chuyên nghiệp hơn.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.