Đà Nẵng cuối tuần

Nhân văn trong nền kinh tế toàn cầu

19:27, 03/07/2015 (GMT+7)

Đối mặt với những yêu cầu mới của nền kinh tế toàn cầu, Nhật Bản và Mỹ đã đi tới kết luận, các môn học xã hội nhân văn có rất ít giá trị ở các trường đại học. “Đó có thể là sai lầm mà họ sẽ hối tiếc trong những năm tiếp theo”, tờ Japan Times nhận định.

Kinh tế toàn cầu hiện tại và tương lai chỉ cần những con số?
Kinh tế toàn cầu hiện tại và tương lai chỉ cần những con số?

Các môn xã hội nhân văn không được chú ý như một nghề nghiệp cụ thể bởi việc học ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, lịch sử, triết học hay tôn giáo cung cấp cho sinh viên những kỹ năng tư duy căn bản cho sự phát triển con người và tham gia vào xã hội. Không một ai hiểu kỹ điều đó bằng cố Thượng nghị sĩ Mỹ, Claiborne Pell – người đã tạo ra Quỹ bảo trợ xã hội nhân văn mang tên ông hồi năm 1965, khi ông nói rằng “Nền văn minh cao sẽ không chỉ không hạn chế những nỗ lực cho khoa học và công nghệ mà nó còn giúp cho mọi người hiểu kỹ hơn về quá khứ, có phân tích tốt hơn về hiện tại và có góc nhìn tốt hơn cho tương lai”.

Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe (Nhật Bản) và Tổng thống Barack Obama (Mỹ) không nhận thấy những giá trị nhân văn mà ông Pell đã nói cách đây 50 năm bằng sự lớn mạnh hiện tại của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong nền kinh tế toàn cầu. Cả hai tin rằng STEM sẽ đem lại những thứ căn bản nhất cho kinh tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân của đất nước mình. Rất nhiều trường đại học, cao đẳng ở Nhật Bản và Mỹ chịu sức ép phải sắp xếp, cơ cấu lại các ngành học theo hướng giảm (hoặc xóa bỏ) ngành xã hội nhân văn và tăng STEM nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của nền kinh tế toàn cầu để người sử dụng lao động thấy rõ ràng được giá trị thực tiễn của bằng cấp của từng sinh viên ra trường nhằm đáp ứng nhanh nhất nhu cầu phát triển kinh tế.

Mặt trái của những sinh viên thuộc ngành STEM là phần lớn không diễn đạt một cách trôi chảy một vấn đề nào đó hay gặp khó khăn khi giao tiếp với những người không có chuyên môn trong lĩnh vực làm việc của họ. Đúng là thời điểm hiện tại, nền kinh tế toàn cầu cần những sinh viên có chuyên môn cao về công nghệ, khoa học, kỹ thuật và toán học. Nhưng nên nhớ rằng nhu cầu của nền kinh tế trong thời gian qua là thay đổi rất nhanh nên có thể khiến những kỹ năng cần thiết của ngày hôm nay trở thành “thứ bỏ đi” ở ngày mai. Trong khi đó, xã hội nhân văn là nguồn kiến thức và kỹ năng sống làm việc có thể trường tồn theo thời gian và không gian. Có một nghiên cứu mới đây do Trung tâm quốc gia về hệ thống giáo dục đại học và Hiệp hội các trường đại học Mỹ công bố cho thấy sinh viên các ngành xã hội nhân văn ra trường kiếm tiền nhanh hơn những sinh viên thuộc chuyên ngành vật lý, toán và khoa học tự nhiên.

Thu hẹp hoặc gạt bỏ các ngành học xã hội nhân văn là quyết định có vẻ hà khắc và có thể sẽ phải trả giá sau này. Cũng trong năm 1965, John Keats viết “The Sheepskin Obsession” rằng: Có sự khác nhau giữa giáo dục và đào tạo. Giáo dục liên quan tới những khái niệm, trong khi đào tạo thiên về kỹ năng, kỹ thuật. Mặc dù nó thường chồng chéo lên nhau nhưng không thể thay thế cho nhau. Có lẽ, nhắc lại lời của John Keats để cho những nhà hoạch định giáo dục Nhật Bản và Mỹ kịp nhận ra được xã hội nhân văn và STEM là cần thiết tồn tại song song và hỗ trợ cho nhau trong nền kinh tế toàn cầu ổn định và mãi mãi.

ANH THƯ (Theo Japan Times)

.