Đà Nẵng cuối tuần
Nhiều đoạn đường đẹp như tranh
Trên nhiều con đường Đà Nẵng bây giờ, vẻ đẹp đô thị không dừng lại ở những hàng cây khép tán, mà còn mang lại cho con người cảm giác bình yên, nhẹ nhõm bởi vỉa hè sạch sẽ tinh tươm, có lối dành cho người đi bộ. Dưới mỗi gốc cây xanh hai bên hè phố, người dân tỉ mẩn dựng lên những bo viền bằng gỗ rồi trồng vào đó rất nhiều hoa cỏ khiến nhiều đoạn đường đẹp tựa tranh.
Mỗi ngày 2 lần, ông Lê Công Thạnh cần mẫn mang nước ra tưới bồn hoa trước nhà. Ảnh: T.Y |
Bóng dáng đô thị xanh
Ánh nắng đầu ngày chưa thể trải đều lên con đường Nguyễn Văn Linh. Dưới bóng mát hàng sưa là vỉa hè thoáng rộng được điểm xuyết bằng những bồn hoa và mái hiên dành cho người đi bộ. Vào ngày nắng nóng, ai đi ngang qua đây cũng thầm cảm ơn những tán cây vươn cành che bóng, làm dịu bớt cái nóng bỏng rát như trút xuống lòng đường.
Là một trong những tuyến đường chính thuộc trung tâm thành phố, cửa ngõ ra vào sân bay quốc tế Đà Nẵng, vài năm trở lại đây, chính quyền địa phương quyết tâm xây dựng đường Nguyễn Văn Linh trở thành “tuyến đường văn minh đô thị”. Con đường vốn khang trang, sạch đẹp, nay “lột xác” trở thành tuyến đường kiểu mẫu, mang nhiều tiêu chuẩn văn minh, hiện đại.
Ở đây, không có tình trạng chợ tạm, chợ cóc. Không có người ăn xin, buôn bán hàng rong hay đeo bám, níu kéo du khách. Không phơi phóng quần áo hoặc để đồ dùng sinh hoạt trước mặt tiền nhà. Không có tình trạng viết, vẽ bậy lên tường hay sơn, treo, dán quảng cáo, rao vặt trái phép.
Ở đây, có lối lên xuống vỉa hè cho người khuyến tật. Trụ sở cơ quan, cửa hàng và công trình khác ở mặt tiền sạch sẽ, an toàn. Các cơ quan, đơn vị, hộ dân treo cờ Tổ quốc đúng quy định trong các ngày lễ, Tết và các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng...
Hiện nay, toàn thành phố có 120 tuyến đường đạt tiêu chí văn minh đô thị. Trong đó nổi bật như Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Điện Biên Phủ, Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Ông Ích Đường, Lê Văn Hiến, Ngô Văn Sở, Nguyễn Hữu Thọ… Có thể nói rằng, tiêu chuẩn “Tuyến đường Văn minh đô thị”, ban hành theo Quyết định số 9861/QĐ-UBND ngày 29-11-2012 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trở thành mục tiêu phấn đấu của nhân dân và các cấp chính quyền, góp phần mang lại dáng dấp đô thị xanh, sạch, đẹp trong tương lai.
Khi nhắc tên con đường Phan Bội Châu chạy ngang cổng nhà mình, ông Lê Công Thạnh (10 Phan Bội Châu) không giấu nụ cười hạnh phúc và ánh mắt lấp lánh niềm vui. Ông nói, không tự hào sao được khi mình đang sống giữa trung tâm thành phố mà vẫn cảm nhận bầu không khí trong lành, thanh tịnh mỗi ngày. Con đường ngắn rợp bóng cây xanh. Mặt đường sạch sẽ. Giấc ngủ trưa không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn phát ra từ các hàng, quán bên đường.
Cũng như nhiều con đường khác ở thành phố Đà Nẵng, đường Phan Bội Châu từng có quá khứ không mấy ấn tượng khi mọi thói quen, tật xấu của người dân cứ bày ra hai bên đường. Nết ăn ở luộm thuộm, treo mắc quần áo trước hiên nhà, thả chó mèo chạy rông, xả rác bừa bãi khiến con đường ngắn trông thật xấu xí. Chen lẫn giữa mớ bất tiện ấy là hệ thống cống nổi, không nắp đậy mặc nhiên đưa mùi hôi thối tung tỏa trong gió. Do đã trải qua những tháng ngày như thế, nên bây giờ, khi được hít thở không khí trong lành, yên tĩnh, ông Thạnh không khỏi hài lòng về cuộc sống mình đang có.
Những con đường xanh, sạch, đẹp ở Đà Nẵng cũng để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách. Chị Đặng Thị Tú, Chủ tịch Công đoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phả Lại 1, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương sau khi kết thúc chuyến tham quan Đà Nẵng gửi thư điện tử chia sẻ rằng mỗi lần đi Đà Nẵng, chị lại thấy thành phố này hoàn thiện, đẹp dần lên. Bên cạnh cảnh quan, điều chị ấn tượng là nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng rất sạch sẽ, ngăn nắp. Lòng đường, vỉa hè không có rác thải hay nước tù đọng. Xe máy, xe đạp được sắp xếp gọn gàng, đúng vị trí quy định giúp người đi bộ dễ dàng lưu thông trên hè phố.
Vẻ đẹp không tự nhiên mà có
Những con đường sạch đẹp, tinh tươm được hình thành nhờ vào bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân.
Đơn cử, phường Thạch Thang, quận Hải Châu có 20 tuyến đường nội thị và 50 kiệt, hẻm lớn nhỏ. Muốn đường phố văn minh, sạch đẹp, bên cạnh thói quen xấu cần được loại bỏ, người dân phải đồng tâm hiệp sức vì thương hiệu “Thành phố môi trường” mà Đà Nẵng đang hướng đến.
Nói thì dễ. Bắt tay vào làm mới phát sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười. Bà Lê Thị Thanh Hương, Bí thư Chi bộ Tân Lập 1F, phường Thạch Thang cho biết vấn đề xây dựng, duy trì tuyến đường văn minh luôn được đưa ra bàn bạc, thảo luận tại các cuộc họp tổ dân phố, chi bộ, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên…, để đi đến thống nhất chung. Thời gian đầu, không ít ý kiến cho rằng việc thu gom rác tại khu vực mình sinh sống hay chuyện trồng, chăm sóc cây xanh công cộng không phải là nhiệm vụ của mình.
Chuyện rải muối, gạo, cháo trắng ra đường trong lễ cúng là phong tục tập quán ngàn đời của người Việt, cần được tôn trọng. Việc tháo gỡ quảng cáo trái phép thuộc về cơ quan quản lý. Theo bà, suy nghĩ này không sai, tuy nhiên nếu muốn đường phố văn minh, sạch đẹp, bên cạnh thói quen xấu cần được loại bỏ, người dân phải đồng tâm hiệp sức vì thương hiệu “Thành phố môi trường” mà Đà Nẵng đang hướng đến.
Với mong muốn tạo sự thống nhất trong dân, bà Hương nhiều lần đến tận nhà động viên, giải thích những chủ trương, chính sách đúng đắn của thành phố. Nhờ lý lẽ thấu tình đạt lý của người bí thư, cuộc sống của người dân khu vực Tân Lập 1F dần đi vào nền nếp. Trên tuyến đường Phan Bội Châu, Nguyễn Du bây giờ, chủ nhật nào cũng là chủ nhật xanh khi mỗi người dành 30 phút đầu ngày để quét dọn mặt đường trước nhà mình. Sau mỗi lễ cúng, họ rải muối gạo lên giấy báo rồi sau đó cẩn thận bỏ vào thùng rác, không để rơi vãi.
Cũng câu chuyện trên, bà Trần Thị Yến Oanh, Phó Bí thư Đảng ủy phường Thạch Thang, quận Hải Châu chia sẻ, khi mới bắt tay vào việc xây dựng những tuyến đường văn minh, địa phương gặp không ít khó khăn do một số đường như Quang Trung, Hải Phòng vỉa hè chưa đồng bộ, có nơi lồi lõm, bong tróc gạch đá. Bên cạnh đó, ý thức tự giác của một bộ phận dân cư chưa cao, không chấp hành các quy định về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
Ở một số nơi, vỉa hè dưới 3 mét rất khó sắp xếp những hộ kinh doanh - phần lớn có điều kiện kinh tế khó khăn - không có mặt bằng ổn định. Tuy nhiên, nhờ sự triển khai quyết liệt, toàn phường hiện có 4 tuyến đường đạt danh hiệu “tuyến đường văn minh đô thị” là Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Trần Quý Cáp, Lê Lai và 10 tuyến đường khác đạt danh hiệu “tuyến đường văn minh kiểu mẫu” theo một số tiêu chí do quận Hải Châu đề ra.
Dù Đà Nẵng dần mang dáng dấp đô thị xanh, sạch, đẹp nhưng trên một số tuyến đường đạt chuẩn “văn minh đô thị” thỉnh thoảng vẫn còn cảnh xả rác, đổ nước thải sinh hoạt, để xe tràn qua vạch kẻ… Trước thực tế này, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng nói rằng, qua thực tế kinh nghiệm ở một số nước cho thấy cần chọn điểm để triển khai một cách quyết liệt, cụ thể. “Tôi đã đề xuất thành phố chọn tuyến đường Bạch Đằng xây dựng thành tuyến đường mẫu văn minh đô thị. Ở tuyến đường này, mọi hành vi “phi văn hóa” phải được xử lý triệt để, tạo thành thói quen để nhân dân theo đó mà “ứng xử” với các con đường văn minh đô thị khác.
Có thể nói, tuyến đường đạt chuẩn văn minh đô thị không chỉ dừng ở việc xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, mà còn thể hiện hành vi, thái độ ứng xử của nhân dân qua lời ăn tiếng nói, lối ăn mặc lịch sự, đi đứng đúng luật và trên hết là biết yêu và bảo vệ môi trường sống.
Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng: Những năm qua, Đà Nẵng công nhận nhiều danh hiệu văn hóa như Tổ dân phố văn hóa, Gia đình văn hóa, Tuyến đường văn minh đô thị, Chợ văn minh... Nhìn chung, việc công nhận danh hiệu đã có tác động nhất định đến mục tiêu xây dựng đô thị văn hóa, văn minh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thực chất của các danh hiệu này như thế nào. Qua thực tế cũng như nhiều cuộc hội thảo cho thấy, không chỉ riêng Đà Nẵng mà trên phạm vi cả nước, các danh hiệu chưa thực chất. Danh hiệu tăng hằng năm nhưng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị vẫn chưa tiến bộ. Trong các danh hiệu văn hóa thì tuyến đường văn minh đô thị cùng nằm trong tình trạng đó, nghĩa là vẫn còn hình thức. |
TIỂU YẾN