Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Thuốc nam phòng trị sốt xuất huyết

16:45, 31/07/2015 (GMT+7)

Để phát huy vai trò của y dược cổ truyền trong phòng trị sốt xuất huyết (SXH), xin giới thiệu một kinh nghiệm hay của Tỉnh hội Y học dân tộc Quảng Nam-Đà Nẵng (YHDT QN-ĐN), dù đã cách đây hơn ba mươi năm nhưng bài học về cách làm vẫn còn nguyên tính thời sự.

Tài liệu chữa bệnh sốt xuất huyết

Trong đợt dịch SXH có gần 5.000 ca trong tỉnh vào năm 1983, Tỉnh hội YHDT QN-ĐN đã huy động toàn thể hội viên sát cánh cùng ngành y tế tham gia chống dịch. Sau đó, được sự hỗ trợ của Sở Y tế, Tỉnh hội YHDT đã tổ chức một cuộc tọa đàm về đề tài SXH để thu thập các báo cáo kinh nghiệm của trên 50 hội viên, từ đó Ban Y lý của Tỉnh hội đã chỉnh lý biên soạn thành tài liệu “Y học cổ truyền dân tộc chữa bệnh SXH” phổ biến đến các cán bộ thuốc nam - châm cứu, lương y trẻ đang công tác tại các phòng chẩn trị, các Trạm y tế xã phường để học tập ứng dụng. Tài liệu biên soạn gồm 3 phần: Hiểu biết tóm tắt về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh SXH theo Tây y; Lý luận cơ bản của YHDT về SXH; Giới thiệu các phương kinh nghiệm của các lương y trong tỉnh. Ngoài ra còn có phụ lục giới thiệu sơ lược tánh dược của các vị thuốc nam chữa SXH.

Dưới đây là 3 phương thuốc kinh nghiệm do Ban Y lý Tỉnh hội YHDT QN-ĐN chọn giới thiệu trong tài liệu này, đã từng sử dụng có kết quả ở một số phòng chẩn trị, với những dược liệu thuốc nam tương đối dễ kiếm.

Phương I: Thanh nhiệt giải biểu. Sử dụng cho giai đoạn I, bệnh còn ở phần Vệ và phần Khí (sốt cao đột ngột liên tục trong 5-7 ngày, đau mỏi khắp mình, cơ bắp và xương khớp, đau đầu, khát nước, ra mồ hôi nhiều hoặc ít, tiểu vàng, mạch phù sác hoặc hồng đại- sác, rêu lưỡi vàng dày, dính, kém ăn, có thể buồn nôn nhẹ, đại tiện táo).

Bài thuốc: Sắn dây 12g, Đọt tre tươi 10g, Thiên hoa phấn 8g, Cây và bông mã đề (sao) 10g, Đậu ván trắng 12g, Rễ tranh tươi 20g, Mạch môn 12g.

Cách sắc: Đổ 3 chén sắc nước còn 1 chén, chia 2 lần uống trong ngày. Trẻ em tùy tuổi giảm bớt.

Phương II: Thanh nhiệt lương huyết. Sử dụng cho giai đoạn II, đã có xuất huyết, sốt cao, nhưng tình trạng không nguy kịch, chưa có biến chứng (bệnh nhân vẫn tỉnh táo,  có thể rối loạn tiêu hóa nhẹ).

Bài thuốc: Trắc bá diệp 12g, Lá tre non 20g, Rễ tranh 20g, Lá khế 12g, Rau má 20g, Lá sen non 12g, Mã đề (cả lá, bông) 16g.

Cách sắc: Đổ 3 chén sắc nước còn 1 chén, chia 2 lần uống trong ngày. Uống liên tiếp 4-5 ngày. Trẻ em tùy tuổi giảm bớt.

Phương III: Thanh nhiệt, lương huyết, giải độc. Trị như phương II, dùng dạng thuốc bột cho tiện.

Bài thuốc: Sinh địa 8g, Bạch thược 8g, Đương quy 8g, Tri mẫu 4g, Xuyên khung 2g, Huyền sâm 4g, Sài hồ 6g, Đơn bì 4g, Hắc chi tử 4g, Thạch cao 4g, Thạch hộc 3g, Hoa hòe sao đen 4g, Kinh giới sao đen 4g, Trắc bá diệp sao đen 4g, Cỏ mực 8g, Huỳnh liên 3g (nếu bệnh hết sốt không dùng).

Cách chế: Liều trên tán bột, chia làm 8 gói, bảo quản trong túi ni-lông 2 lớp, trẻ em mỗi lần uống 1/4 gói, người lớn 1/2 gói, ngày uống 2-3 lần. Không ăn chất cay nóng.

Tài liệu còn khuyến cáo: các tổ chẩn trị xã, các phòng chẩn trị huyện và cửa hàng thuốc các thị, thành phố cần chuẩn bị trước một số lượng dược liệu để có thể kịp thời phục vụ chống dịch, chuẩn bị để nhanh chóng bán dưới dạng thuốc thang, thuốc chế đóng gói sẵn, hoặc cần dưới dạng thuốc bột (tán). Trong số dược liệu, trọng dụng các vị thuốc địa phương nào cũng sẵn có, dễ thu mua như: lá sen tươi, cỏ mực, rễ tranh,  cây mã đề, lá khế, củ sắn dây, lá trắc bá, rau má, lá tre, v.v... có tác dụng hạ nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chống xuất huyết rất tốt, không nên xem nhẹ!

Tất nhiên, tài liệu này cũng không quên lưu ý, đối với các trường hợp SXH nặng như trụy mạch, toát mồ hôi lạnh, mê man choáng váng, xuất huyết nhiều… cần gửi ngay đến bệnh viện để kết hợp y học hiện đại cấp cứu kịp thời.

Cuối cùng, xin trích giới thiệu trong tài liệu này bài thuốc  hương trừ muỗi (để phòng SXH) khá độc đáo trong phần báo cáo kinh nghiệm của L.Y Trần Hữu Nam, nguyên Chủ tịch Hội YHDT huyện Điện Bàn (hiện nay là Phó Chủ tịch Hội Đông y TP. Đà Nẵng). Nguyên văn bài thuốc ghi bằng thơ chữ Hán:

Lục nguyệt, Tàm sa, Dạ minh sa,
Phù bình cánh hiệp Khổ luyện hoa
Mỗi đáo hoàng hôn khu nhất chú
Văn trùng tử tán biệt nhân gia .

Tạm dịch là:

Tháng Sáu, Phân tằm, Phân dơi,
Bông sầu đông với Bèo phơi hiệp đồng
Làm hương chạng vạng đốt xông
Muỗi gần thì chết, xa không vào nhà.

Bài thuốc trên đây, người viết bài này chưa tầm nguyên xuất xứ, nhưng cần nói thêm trong sách Thuốc hay tay đảm của Nguyễn Văn Bách (Nxb Phụ Nữ in lần thứ 8, 1995) cũng có xác nhận tác dụng trừ muỗi của bèo: “Nhà nhiều muỗi nên lấy bèo khô cho vào hun khói lúc chiều tà, muỗi sẽ sợ và bay ra ngoài”.

Mong bạn đọc ghi nhận bổ túc thêm tác dụng này vào bài viết “Thuốc quý như...bèo” đã có lần giới thiệu trên chuyên mục  Phương hay-thuốc quý.

PHAN PHÚ SƠN

.