Đà Nẵng cuối tuần
Tản mạn cà-phê
Xem tranh Van Gogh, danh họa người Hà Lan vẽ dãy quán cà-phê trên vỉa hè đường phố Paris, lòng tôi bỗng xao xuyến trước cảnh tấp nập nhưng trật tự và lịch sự đó. Trong không gian se lạnh, một tách cà-phê nóng và điếu thuốc lá thơm nhìn ngắm nam nữ dập dìu, ai dám nói rằng, cà-phê vỉa hè không sang trọng...
Tôi biết uống cà-phê hồi còn học lớp 5, khi đó tôi thường dành rửa phin cà-phê với em để được bố, anh cho uống cà-phê nước nhì. Lên cấp 2, cấp 3 đến sinh viên tôi trở thành nghiện cà-phê, mỗi ngày phải uống một ly. Có một lần vào kỳ thi tú tài, để thức khuya học bài, hết cà-phê, tôi rang hạt mướp đắng rồi giã nát uống liều thay cà-phê trong ba ngày, đầu tôi đau một trận nhớ đời.
Bố tôi có thói quen tự pha chế cà-phê uống ở nhà, vào buổi sáng sớm. Ban đầu, ông mua cà-phê hạt rồi tự rang chế biến bằng cách dùng cái lon sữa Guigoz được đục nhiều lỗ nhỏ trên thân lon. Một cây sắt xuyên qua tâm từ miệng lon đến đáy, làm thêm cái trục quay, đặt bếp than hồng bên dưới lon, đổ
cà-phê hạt vào lon, thêm một chút bơ vào rồi rang cho đến khi nào dậy mùi thì ngừng, sau đó rây mịn thành bột trong lưới bằng sắt với lỗ nhỏ.
Cà-phê bột được cất ủ trong một hộp bằng sắt tây để uống dần. Sau này khi nhiều tiệm cà-phê rang xay mở ra, nhất là phố Chi Lăng ở Huế, tôi thường mua cà-phê bột ở đó và yêu cầu chủ quán đóng bao bằng giấy bạc xinh xắn, bắt mắt cho ông. Nhưng ông vẫn thích nhất được ai đó đi Đà Lạt, Buôn Mê Thuột về tặng ông cà-phê từ vùng cao nguyên này.
Tôi không quen uống cà-phê ở nhà. Ở Huế thì có rất nhiều quán cà-phê, học sinh, sinh viên, giáo viên, công chức đến các anh xích lô, thợ hồ, thợ mộc, người dân lao động tha hồ chọn quán, đa số là quán cóc bên đường, góc ngã tư, ngã ba, người uống cà-phê thường ngồi chiếm luôn vỉa hè, nhưng người đi bộ chẳng trách phiền. Hồi đó vào những năm 1965-1972, ở Huế có quán lúc nào cũng đông khách nhất là cà-phê Lạc Sơn và cà-phê Phấn ở phố Trần Hưng Đạo; trong Thành nội thì có quán cà-phê Tôn; gần cổng Hiển Nhơn của Hoàng Thành có cà-phê bà Bì mà sinh viên trường Nghệ thuật (Âm nhạc - Mỹ thuật) hay uống. Các quán này đều bán các món điểm tâm như xôi, bún,... hợp với túi tiền sinh viên tụi tôi.
Ở Đà Nẵng, có quán cà-phê Xứng ở chợ Cồn, cà-phê Thanh Long ở chợ Vườn Hoa, nay là vạt đất trống bên tay trái của Nhà hát Trưng Vương luôn luôn đông khách với người lao động. Sau ngày giải phóng, nhiều quán cà-phê quốc doanh được mở ra, rất đông khách bởi giá rẻ và phục vụ tốt, người uống vào mua vé ở quầy chỉ 2 - 3 hào sau lên 5 hào. Ngồi tại bàn có người đến thu vé, bưng cà-phê đúng theo mẫu vé khách yêu cầu là cà-phê đen đá hoặc cà-phê sữa.
Uống cà-phê thường đem đến cho ta nhiều cảm giác, nhất là cho người đi xa. Vào Sài Gòn, uống cà-phê vỉa hè ở đường Pasteur, đông nhất ở cổng trường La San Taberd hay cà-phê Duy Tân. Sang trọng hơn thì vào La Pagode Rex ở đường Tự Do. Lên Đà Lạt thì vào quán của các văn nghệ sĩ: cà-phê Tùng - một quán nhỏ nhưng rất ấm cúng, trang trí mấy bức tranh của họa sĩ Đinh Cường, Nguyên Khai.
Quán này đã được nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đưa vào tiểu thuyết “Hình như là tình yêu”, tác phẩm được học sinh, sinh viên ưu ái đón nhận trước năm 1975. Ra Hà Nội năm 1985, ghé quán cà-phê Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân, quán nổi tiếng vì treo nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam từ trường Mỹ thuật Đông Dương. Xuống Hải Phòng mùa hạ, thành phố rợp hoa phượng đỏ, nhâm nhi ly cà-phê ở chợ Sắt.
Nhưng thú vị nhất, chỉ khoảng hơn 10 năm lại đây, khi qua Phú Yên, xe ngừng chạy đêm, uống ly cà-phê ở bến xe thành phố Tuy Hòa, giá chỉ một ngàn rưỡi nhưng thật ngon. Hồi chưa có cầu bắc qua, khách ngừng đợi phà ở Bến Thủy, phà Gianh, uống ly cà-phê đen nóng, có một chút bơ ở đầu muỗng, thêm một chút muối cũng gây ấn tượng về khẩu vị riêng. Hình như ở Việt Nam - các quán cà-phê ở ga tàu, bến xe đều dễ uống, cũng dễ hiểu thôi vì giá rẻ.
Nhiều người kinh doanh quán cà-phê ngày nay, thường làm theo kiểu nhà vườn, tạo dáng sinh vật cảnh rất hiệu quả. Nhưng đó không thể là nơi chốn quen thuộc của sinh viên, học sinh.
Ngày trước, ở Huế có vài quán cà-phê khá dễ thương thu hút nhiều bạn trẻ sinh viên như Da Vàng, Góp Gió ở bên đường Lê Lợi thơ mộng, vào trong Thành nội có quán Nhung, Chiều Tím, Vông Vang, Khánh Quỳnh... Một quán cà-phê được nhóm sinh viên lấy tên nhân vật nữ nổi tiếng trong “Tiếu ngạo giang hồ” là Doanh Doanh, một quán nghe đâu lấy tên mỏ dầu ở Biển Đông là “Hoa Hồng chín”.
Sau này nhiều quán được giới trẻ nhất là các sinh viên từ Nam ra, từ Bắc vào rất thích ghé vào như dãy quán ở Đập Đá, dãy quán ở đường Trần Thúc Nhẫn, Nguyễn Huệ. Đến Đà Nẵng có Lộng Gió, Tuổi Ngọc, vào Phố cổ Hội An, tôi lại thích đến quán cà-phê Chanh mà hiện nay vẫn còn như linh hồn phố cổ.
Nói gì thì nói, sinh viên, những người lao động phổ thông vẫn hay ghé vào các quán cà-phê lề đường, chỉ mất vài ngàn đồng, nay là 5 – 6.000 đồng là có được ly cà-phê khá ngon rồi. Tháng 9 năm ngoái, vào chơi và dự lễ, Tết Kate của người bạn Chăm ở Ninh Thuận, tình cờ vào quán Bazar số 22 đường 16 tháng 4, TP. Phan Rang, uống ly cà-phê giá cao nhất không quá 12.000 đồng nhưng có câu khẩu hiệu khá hay “hãy thưởng thức cà-phê nguyên chất vì sức khỏe của bạn”. Ngộ ra rằng, cà-phê, phải là loại không thêm các chất phụ gia, tạo mùi hấp dẫn mới là cà-phê đáng uống và có lợi sức khỏe.
Tôi có cô bạn người Nhật, là kiến trúc sư rất hiểu về kiến trúc cổ Việt Nam, khi vào quán cà-phê vườn, thường thắc mắc vì sao từ Bắc vào Nam, thấy quán cà-phê nào cũng chơi nghệ thuật sắp đặt: từ cái lu, vại nước, cối đá đến cái xe nước chạy mô-tơ điện, và dĩ nhiên hòn non bộ, suối chảy, tre chuối trồng ven hồ thì không thể thiếu. Vài quán còn dùng tre làm chụp đèn hay mua mấy chục cái đèn lồng tại Phố cổ Hội An về trang trí từ ngoài cổng vào đến bên trong quán, ra cả ngoài vườn.
Chắc có lẽ quán cà-phê ở Việt Nam đang chứng tỏ phong cách Việt rõ nét hơn? Gần đây, mấy đại gia sành điệu mua vài cái nhà rường ở miền Trung, chủ yếu ở Huế, Quảng Nam về đặt ở trung tâm thành phố mở cà-phê để câu khách mang nỗi niềm “thương nhớ quê nhà”. Cô bạn Nhật lại cắc cớ, nghe nói nhà ba gian với gian giữa linh thiêng thờ cúng, còn hai gian bên chỉ có đàn ông mới được nằm nghỉ nhưng tại sao lại trở thành quán cà-phê…?
Dọc dài đất nước, ly cà-phê dù được bày biện nơi sang trọng hay chốn bình dân vẫn có nhiều loại với nhiều cách gọi. Miền Trung gọi đen, có nghĩa là đen đá. Miền Bắc gọi cà-phê sữa là nâu, nhiều sữa gọi là nâu béo... Và cho dù tên gọi thế nào, thì phổ biến nhất vẫn là những ly cà-phê vỉa hè tràn đầy lôi cuốn, thổi một niềm hưng phấn vào ngày mới.
NGUYỄN THƯỢNG HỶ