Đà Nẵng cuối tuần

Thi sĩ của khát vọng hòa bình

06:55, 22/08/2015 (GMT+7)

Cùng với Ngô Kha, Hữu Đạo, Trần Quang Long, Đông Trình, Phan Duy Nhân, Trần Vàng Sao, Chinh Văn, Nguyễn Kim Ngân, Lê Văn Ngăn, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Phá Nhạc, Hà Thạch Hãn,… Triệu Cung Tinh tức Triệu Từ Truyền là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của phong trào sinh viên-học sinh tranh đấu ở đô thị miền Nam trước năm 1975. Nửa đầu tháng 8-2015, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức giới thiệu tập thơ mới nhất của ông: Hạt sứ giả tâm linh.

Nhà thơ Triệu Từ Truyền
Nhà thơ Triệu Từ Truyền

Triệu Từ Truyền và Triệu Cung Tinh là hai bút danh quen thuộc của nhà thơ có tên thật Triệu Công Tinh Trung, bí danh Tư Truyền, sinh ngày 9-4-1947 tại Sa Đéc, Đồng Tháp bên bờ sông Tiền. Như trong bài thơ Thành phố phù sa ông tự sự:

“Má qua Sa Đéc sinh con đầu lòng
chôn nhau cắt rốn vào phù sa ven sông
muốn con mình lớn lên cùng trái cây ngọt
êm đềm trong vườn bông cúc bông hồng
quê hương đứng lên chìm trong chiến chinh
cá phơi bụng đầy kinh ruộng đồng xao xác”

Ước muốn của bà má Sa Đéc về con đã tan biến. Xứ miệt vườn chìm trong đạn bom. Má dắt đàn con thơ sơ tán lên Sài Gòn. Trong hoàn cảnh gian khó, Tinh Trung giúp má làm lụng mưu sinh, cùng các em mình cố gắng học hành. Ở tuổi thiếu niên ông đã được giác ngộ, tham gia phong trào học sinh, sinh viên tranh đấu, trở thành một trong những lãnh đạo của phong trào yêu nước này, bị đối phương bắt giam nhiều lần, trong đó hai lần bị đày tận Côn Đảo.

Có năng khiếu văn chương, ông cũng sớm làm thơ, ra mắt hai tập thơ đầu tay Tình phượng 15 năm 1962 và Đêm lên cơn dài năm 1965, ký bút danh Triệu Cung Tinh. Hơn 20 năm sau, khi đất nước thống nhất, ông mới xuất bản các tập thơ tiếp theo, dưới bút danh Triệu Từ Truyền, như Bên dòng Măng Thít (1986), Dật dờ trong sương (1990), Mảnh vỡ hồn nhiên (1994), Va chạm hư không (2005),… và mới nhất là Hạt sứ giả tâm linh (2015).

Một số bài thơ của ông đã tác động đến tinh thần yêu nước của người dân, lên án cái ác của chiến tranh phi nghĩa, đặc biệt là bài Bé thơ Sơn Mỹ. Theo nhà báo Lê Văn Nuôi, một trong những thủ lĩnh của phong trào học sinh tranh đấu ở Sài Gòn bấy giờ, từng là cấp dưới trực tiếp của Tư Truyền, thì Bé thơ Sơn Mỹ có lẽ là bài thơ duy nhất nói về sự kiện bi thương này, với đoạn mở đầu đau xót:

“Sơn Mỹ ơi, khúc ruột nào ta đó,
Vừa quặn đau theo tiếng khóc em thơ
Bé chết vùi bên xác mẹ, xác bà
Trong tiếng đạn và tiếng cười man rợ”

Bài thơ dài được viết bằng chữ nhỏ li ti trên tờ giấy quyến vấn thuốc lá, do Tư Truyền bí mật trao tận tay Lê Văn Nuôi và dặn: “Anh gởi em bài thơ Bé thơ Sơn Mỹ viết về chuyện lính Mỹ giết hại đồng bào mình ở làng Sơn Mỹ thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tùy em đưa đăng trên một tờ báo nào của phong trào sinh viên-học sinh cũng được. Anh chưa ký bút hiệu cho bài thơ này, em đặt giùm một bút danh. Em nhớ đánh máy lại bài thơ này và đốt hủy ngay bản thảo chữ viết tay này của anh, kẻo bọn mật vụ truy ra bút tích của anh”. Lê Văn Nuôi đã đăng bài Bé thơ Sơn Mỹ với bút danh Lê Dân trong tuyển tập thơ “Ta đã lớn lên bên này châu Á” do Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn xuất bản tháng 8-1970. Sang năm 1971, bài thơ này được dịch ra tiếng Anh với tựa Child of My Lai đăng trong tuyển tập thơ We Promise one another (Chúng tôi cùng ước nguyện) xuất bản tại Mỹ.

Ngay từ những bài thơ tranh đấu cho hòa bình, Triệu Từ Truyền đã sớm hình thành một giọng điệu, giàu chất suy tưởng, triết lý và thi ảnh. Về sau, khi hoàn thành trách nhiệm công dân, rời mọi chức tước quan trường, dành tất cả tâm huyết cho thơ, thì giọng thơ Triệu Từ Truyền mở rộng biên độ, nâng lên ở tầm mức mới, với những cảm thức sâu lắng về thiên nhiên, khoa học, nhân văn và sự sinh tồn của con người, vũ trụ. Dần dần tước bỏ vần điệu, vẫn giữ chất triết luận, nhưng thơ ông không còn phản ánh trực diện đời sống, mà đi vào chiều sâu vỉa tầng đời sống,  tái hiện những vẻ đẹp bất ngờ của đời sống bằng trí tưởng tượng phong phú từ trải nghiệm. Điều đó thể hiện qua nhiều bài thơ của những tập thơ sau này, nhất là trong Hạt sứ giả tâm linh.

Sinh ra miền sông nước nên hình ảnh con cá xuất hiện khá nhiều trong thơ Triệu Từ Truyền. Con cá gắn với đời sống và số phận con người miệt vườn. Như trong bài Có một ngày, ông viết:

“Có một ngày trong mùa nước nổi
con cá khơi xa bơi quanh bông điên điển vàng
cá lớn dần giữa đồng tràn phù sa
trong bọt tình yêu manh nha từ tiền kiếp thượng nguồn”

Không thấm đẫm văn hóa sông nước Cửu Long thì không thể dựng lên những tứ thơ như vậy. Và đây là hình ảnh Con cá bảy màu bơi trong mưa phùn vừa thực vừa ảo như được ông tái hiện từ tâm thức mê đắm và yêu thương xứ sở:

“Con cá lia thia chui vào đám ruộng
trốn nắng dưới lá sen
đôi khi bên gốc bông súng
vớt vào lòng bàn tay trẻ thơ
đấu đá trong lọ thủy tinh số phận
rồi bảy màu lấp lánh của cá bay lên
hòa nhập vào cầu vồng mơ ước thơ ngây
xác cá nhạt nhòa trên lá súng”

Ấy thế nhưng khi mùa xuân tuổi thơ mất hút, lòng sông sụt lở, trôi ra biển cả, hóa thân vào mưa và rơi trở lại đám ruộng ngày xưa thì:

“Con cá bảy màu bơi trong mưa phùn
cơn mưa phùn dai dẳng
con cá nhỏ bay lên cầu vồng
mùa xuân tươi rói”.

Quy luật sinh tồn thiên nhiên hay vòng quay ký ức kỳ diệu cuộc đời chỉ có thể được tái hiện bằng tình yêu mãnh liệt, khát vọng tự do, trí tưởng tượng phong phú của thi sĩ. Và nhà thơ Triệu Từ Truyền đã tái sinh được điều kỳ diệu ấy bằng ngôn ngữ riêng mình. Thơ ông như con cá bảy màu lạ lẫm bơi lấp lánh giữa cơn mưa phùn bình yên dòng sông quê hương mà tuổi trẻ ông đã dấn thân tranh đấu giữ gìn.

PHAN HOÀNG

.