Đà Nẵng cuối tuần

Bình đẳng giới trong lực lượng lao động

06:57, 12/09/2015 (GMT+7)

Khi nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng sâu hơn, các nhà hoạch định chính sách làm gì để thúc đẩy tăng trưởng bên cạnh việc các ngân hàng trung ương bơm tiền? Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là bà Christine Lagarde thúc giục các nhà hoạch định chính sách hãy đưa phụ nữ vào lực lượng lao động của thế giới càng nhiều càng tốt.

Bà Christine Lagarde luôn thúc đẩy phụ nữ tham gia lực lượng lao động trên toàn thế giới.
Bà Christine Lagarde luôn thúc đẩy phụ nữ tham gia lực lượng lao động trên toàn thế giới.

“Trao quyền cho phụ nữ không chỉ là vấn đề đạo lý mà còn là quyết định dễ dàng và khôn ngoan để thúc đẩy kinh tế”, bà Christine Lagarde nói. Phụ nữ có tiềm năng để thúc đẩy sự phát triển, tăng thu nhập bình quân đầu người, giải quyết đói nghèo và giảm được sự bất bình đẳng trên toàn thế giới.

G-20 hồi năm ngoái đã cam kết thu hẹp khoảng cách về nữ giới trong lực lượng lao động khoảng 25% trong vòng một thập niên tới; đồng nghĩa với việc nhóm này tạo ra 100 triệu việc làm trên toàn thế giới. Nếu số lượng lao động nữ bằng với số lượng của đồng nghiệp nam thì tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ tăng 5%, Nhật Bản tăng 9% và Ấn Độ tăng tới 27%. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng bình đẳng giới trong việc làm có thể thúc đẩy thu nhập bình quân đầu người ở Thổ Nhĩ Kỳ - đất nước đăng cai các cuộc họp của G-20 trong năm nay – tăng 22%.

Bà Christine Lagarde cho biết có một quỹ sắp tới đây của IMF nhằm giúp phụ nữ được học văn hóa và tạo việc làm nhằm thu hẹp cách biệt về thu nhập giữa nam và nữ trên toàn thế giới. Thu hẹp cách biệt giữa nam và nữ trong lực lượng lao động sẽ giúp cho hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Tổ chức Lương nông thế giới nhận định nếu cho phụ nữ tiếp cận tài nguyên nông nghiệp để lao động thì có thể sản lượng nông nghiệp ở những nước đang phát triển tăng 4% và đưa hơn 100 triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Bà Lagarde vẫn e ngại lời hứa của G-20 năm ngoái chỉ mãi là lời hứa suông nên bà nhắc lại “Lời nói là chưa đủ mà phải thể hiện bằng hành động”; đồng thời IMF ra tay giúp đỡ G-20 thực hiện mục tiêu đưa phụ nữ vào lực lượng lao động thế giới. IMF đang kết hợp các nghiên cứu về giới tính trong lực lượng lao động vào trong đánh giá kinh tế hằng năm của 188 quốc gia thành viên IMF, dựa trên ba yếu tố là giáo dục, giảm thiểu trở ngại trong tiếp cận việc làm và những chính sách giúp đỡ phụ nữ chăm sóc trẻ con tốt hơn. Bà Lagarde nói về một nghiên cứu cho thấy phụ nữ đi học một năm cấp tiểu học giúp họ tăng được thu nhập từ 10% tới 20%; học một năm cấp hai thì khả năng tăng thu nhập lên tới 25%. Việc học hành cũng giúp phụ nữ dễ gia nhập lực lượng lao động hơn.

Sử dụng nguồn dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, các nhà kinh tế học của IMF thấy được các quốc gia như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan hay Ai Cập mất hàng trăm tỷ USD cho nền kinh tế vì những rào cản ngăn phụ nữ làm việc. Bà Lagarde nhắc nhở G-20 thêm một lần nữa cần đẩy mạnh hành động để hiện thực hóa mục tiêu đề ra năm ngoái vì số liệu cho thấy có hơn 40 nước đã bị sụt giảm GDP hơn 15% vì ngăn cản phụ nữ làm việc, trong đó có nhiều thành viên thuộc G-20.

ANH THƯ (Theo Wall Street Journal)

.