Đà Nẵng cuối tuần

Nghĩ về lòng tốt

06:51, 12/09/2015 (GMT+7)

1. Mấy ngày qua, trên mạng xuất hiện một đoạn clip “thử lòng người” do một nhóm bạn trẻ thực hiện. Nhân vật chính là một đôi nam nữ. Trong đó, người con trai liên tục đè đầu, túm tóc, tát bùm bụp người con gái ở chỗ đông người. Hành động đánh nhau diễn ra trong kiệt hẻm lẫn ngoài công viên, nơi có rất nhiều người qua lại chứng kiến, gồm người già, trẻ em, đàn ông, đàn bà và người nước ngoài, nhưng ai ai cũng nhìn rồi… đi thẳng. Mãi sau một hồi “đánh nhau” tơi bời, đôi nam nữ mới được một người đàn ông Việt Nam và một người phụ nữ nước ngoài tiến lại can ngăn. Đoạn clip kết thúc bằng câu: “Im lặng trước cái xấu là tội ác!”.

Xem xong đoạn phim ngắn trên, nhiều ý kiến bình luận cho rằng con người đang ngày càng vô cảm với nhau và vô cảm trước cái xấu. Cụ thể ở đây là mọi người thờ ơ, mặc kệ cô gái tội nghiệp kia. Họ chẳng việc gì phải đụng vào chuyện người khác cho thêm phiền…

2. Khi đoạn clip giả vờ đánh nhau nhằm “đo đếm” sự vô cảm gây chú ý trong cộng đồng mạng, thì trên các phương tiện truyền thông cũng đồng thời đang rúng động câu chuyện bé sơ sinh tại Phú Quốc bị dìm nước. Theo thông tin từ báo chí, nghe ngoài xóm ồn ào, người nhà bé mở cửa ra xem có chuyện gì thì lập tức bị tên côn đồ hung hăng chạy thẳng vào nhà và tóm lấy em bé mới 12 ngày tuổi gây sự kinh hoàng… Đứa bé vô tội tự dưng chịu tai nạn oan, gia đình đứa bé cũng vô can tự dưng bị gây chuyện.

Đọc những dòng tin trên, không ít người rùng mình tự nhủ: Thôi, bữa sau cứ nghe náo động chi bên ngoài, nhà mình cũng đóng cửa cho lành. Có bà sợ hãi: “Có cái ngõ mà dám mở ra mô. Nhiều khi chuyện đâu đâu bên ngoài lại ập vào nguy hiểm. Mấy hồi trước nghe đầu xóm, cuối ngõ ồn ào còn mở cửa ra dòm coi chuyện chi. Từ giờ về sau, bớt tò mò, tăng cảnh giác”.

3. Cách đây không lâu, một bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng tiếp nhận trường hợp bị đâm thấu tim vì can ngăn hàng xóm đánh nhau. Thấy hai người đàn ông “quyết chiến” bằng dao, người này vì không thể thờ ơ nên nhảy vào giúp đỡ và không ngờ lại bị trọng thương suýt mất mạng.

Cũng cách đây không lâu, một cụ ông chịu không nổi tiếng hát karaoke lúc nửa đêm của nhà bên cạnh nên đến dùng lời lẽ nhỏ nhẹ yêu cầu giữ trật tự cho cả xóm ngủ. Không riêng cụ, nhiều gia đình xung quanh cũng “nhức óc” với vấn đề này, có điều không ai lên tiếng cho đến khi ông cụ ra mặt nói thẳng. Cụ ông nói xong, quay về, thì một thanh niên bặm trợn đáng tuổi con cháu xuất hiện trước nhà cụ gào thét, chửi bới và hăm dọa. Cụ ông chỉ biết im lặng và cả xóm cũng chỉ biết im lặng…

Một bác gái lớn tuổi sáng nào đi tập thể dục sớm cũng gặp một người đàn ông dáng vẻ tội nghiệp đến trước mặt từng người đứng xin tiền. Người đàn ông không nói một lời, chỉ đưa tay ra dấu với vẻ mệt mỏi, khổ sở. Bác gái thương tình hỏi thăm, cho tiền một lần và kết quả là ngày nào cũng bị người đàn ông đó bu bám. Nhiều lúc bực quá, bà dọa sẽ báo cơ quan chức năng. Nhưng hôm sau, bà dậy đi tập thể dục cũng lại bị người đàn ông đó đến xin tiền. Bà tự trách mình, tại thương người, động lòng mới bị như vậy. Lần sau gặp người xin xỏ, cứ giả vờ lạnh lùng, vô cảm cho xong…

4. Trở lại câu chuyện clip đánh nhau ở trên. Khi xem xong clip này, nhiều người liên tưởng đến những tình huống khác trong cuộc sống mà con người dường như đang lấy sự “mặc kệ” làm phương châm cho cách ứng xử thường ngày của mình, như vô cảm khi thấy người đi đường gặp cướp, thấy gia đình người khác đánh nhau, nghe hàng xóm gây ồn ào v.v…, rồi dù khó chịu, dù thấy không hay, dù bứt rứt cũng… kệ. Những sự mặc kệ này được “liệt” vào bệnh vô cảm và người ta nghĩ nhiều đến “sự xuống cấp của đạo đức” v.v…

Mang tiếng vô cảm là điều chẳng tốt đẹp, nhưng rõ ràng nhiều người đang tự hướng mình theo cách hành xử đó. Vì đâu? Phải chăng vì chúng ta đang phải chứng kiến quá nhiều những hệ lụy mà chính lòng tốt của con người đã mang lại? Im lặng trước cái xấu là tội ác, nhưng lên tiếng trước cái xấu có dễ khi cái xấu ngày càng quá lộng hành?

Nếu gia đình em bé sơ sinh ở Phú Quốc kia mặc kệ ngoài xóm ồn ào; họ cứ ở yên trong nhà và không mở cửa. Nếu người đàn ông trong bệnh viện kia mặc kệ người khác cầm dao đâm nhau; nếu cụ già mặc kệ hàng xóm hát hò huyên náo; nếu bà cụ mặc kệ người tỏ vẻ nghèo đói v.v… thì có phải họ được yên thân hơn?

Phải chăng cái ác, cái xấu đang lộng hành đến mức con người xem vô cảm là một sự lựa chọn an toàn cho bản thân; để rồi dù ai cũng biết việc tốt là điều nên làm, nhưng làm việc tốt, đôi khi cũng thật khó?…

CHÍCH BÔNG

.