Đà Nẵng cuối tuần
Dụng cụ y tế kỹ thuật số: Có ích cho sức khỏe?
Vô số các công ty sản xuất dụng cụ y tế kỹ thuật số ra đời trên thế giới trong vòng một thập niên qua và có hơn 100.000 ứng dụng điện thoại với cùng mục đích là giúp cho con người khỏe mạnh hơn.
Cần thêm thời gian để chứng tỏ tính hiệu quả của dụng cụ y tế kỹ thuật số. |
Được quảng cáo có khả năng hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho người sử dụng, nhưng thử hỏi có bao nhiêu công ty dám khẳng định có những bằng chứng cho thấy những dụng cụ và ứng dụng này thực sự giúp ích cho sức khỏe con người? Sean Duffy là người đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của Công ty Dụng cụ y tế kỹ thuật số Omada Health (Mỹ) - chuyên phát triển các chương trình cho những người có nguy cơ mắc bệnh mãn tính – cho biết ngắn gọn: “Không nhiều. Rất hiếm nữa là khác!”.
Thực tế là thiếu những bằng chứng lâm sàng và kinh tế để chứng minh tính hiệu quả của các sản phẩm y tế kỹ thuật số. Giám đốc điều hành Deborah Kilpatrick của doanh nghiệp Evidation Health chuyên thực hiện các yêu cầu về phân tích thị trường từ các công ty dụng cụ y tế kỹ thuật số cho biết họ hiếm khi chứng minh được các bằng chứng khoa học về tính hiệu quả của những dụng cụ này.
“Đây là lĩnh vực còn rất mới và chưa thể chứng minh được hiệu quả bởi vì cần có thêm thời gian, kiến thức và tiền bạc để đi tìm những bằng chứng cho tính hiệu quả của những sản phẩm như thế này”, bà Kilpatrick nhận định. Bà Kilpatrick nói thêm là các công ty dụng cụ y tế kỹ thuật số phần lớn ra đời từ lĩnh vực hàng tiêu dùng nhiều hơn là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nên họ không hiểu hết tầm quan trọng của bằng chứng khoa học và cũng không biết làm thế nào để có được những bằng chứng đó.
Các thử nghiệm lâm sàng – tiêu chuẩn để chứng minh tính hiệu quả của các biện pháp can thiệp y tế - có thể rất tốn kém. Các xét nghiệm cũng yêu cầu lượng tài nguyên phong phú, tiếp cận được bệnh nhân mà những công ty này chưa thể tìm được đối tác là các bệnh viện.
Công ty Omada Health ra đời năm 2011 trong hoàn cảnh chung là thiếu dữ liệu khoa học nhưng từ từ khắc phục, trong đó đáng chú ý là chương trình y tế kỹ thuật số trực tuyến kéo dài 16 tuần lễ nhằm mục đích thay đổi hành vi của mọi người về nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
Số liệu và tình trạng sức khỏe của những người tham gia chương trình này được theo dõi, phân tích đã dần thuyết phục được mọi người về tính hiệu quả của những chương trình và dụng cụ y tế kỹ thuật số. Tuy nhiên, Omada Health là công ty duy nhất có được dữ liệu khoa học trong hai năm qua. Sean Duffy nhận định: Những dụng cụ y tế kỹ thuật số được quảng cáo rộng rãi với nhiều tính năng hiện đại giúp cải thiện sức khỏe nhưng ít nhất 4 - 5 năm nữa để thu thập và phân tích số liệu để thuyết phục người tiêu dùng rằng nó thực sự có ích.
ANH THƯ (Theo Fortune)