Đà Nẵng cuối tuần
Steve Jobs "ám ảnh" Liên hoan phim New York
Mặc dù chưa đi hết chặng đường của Liên hoan phim New York (diễn ra từ 25-9 đến 11-10), tờ New York Times vẫn khẳng định rằng, “Steve Jobs” là bộ phim duy nhất có khả năng ám ảnh liên hoan phim lâu đời nhất Bắc Mỹ lần thứ 53 này.
Bộ phim đưa ra một góc nhìn khác về tài năng, cá tính của thiên tài Steve Jobs – người đứng sau thành công của hãng Apple.
Diễn viên Michael Fassbender đã khắc họa thành công vị cứu tinh – kẻ tội đồ Steve Jobs trong tác phẩm điện ảnh “Steve Jobs”. (Phim dự kiến sẽ khởi chiếu tại Việt Nam vào ngày 22-1-2016) |
Mặc dù ngoại hình không giống lắm với Steve Jobs thật ngoài đời, nhưng đôi mắt sáng đằng sau cặp kính tròn màu trắng, chiếc áo thun đen cao cổ, thần thái và khả năng diễn xuất của nam diễn viên từng đoạt giải Oscar - Michael Fassbender đã mang lại cho người xem hình ảnh chân thật nhất về Steve Jobs, góp phần khiến bộ phim trở thành “bóng ma” ám ảnh những ai từng xem.
Bộ phim lột tả hết tính cách “độc tài”, hà khắc của Jobs qua xích mích trong công việc đối với các đồng nghiệp lẫn gia đình của mình. Tự đánh giá về mình, Jobs cho rằng, ông không phải là kỹ sư, không phải là nhà thiết kế, ông thậm chí không biết đóng cả đinh, thế nhưng, cả thế giới sẽ phải nhắc đi nhắc lại tên ông, bởi ông là một thiên tài. “Nếu mỗi cá nhân là một nhạc công chơi xuất chúng một nhạc cụ thì tôi là người điều khiển cả dàn nhạc, tôi phát minh ra cả tương lai”, Jobs nói.
Steve Jobs đã bị đuổi khỏi Apple do chính mình sáng lập nên vào năm 30 tuổi. Toàn bộ tâm huyết của Jobs tiêu tan trong phút chốc, ông bị Apple chối từ nhưng điều đó không khiến ông thay đổi tình yêu đối với công nghệ. Jobs tin rằng, bị sa thải là điều kỳ diệu mà số phận đã dành cho mình, là cơ hội để ông bắt đầu hành trình sáng tạo nhất của cuộc đời. Jobs thành lập công ty mới và đạt được nhiều thành công vượt trội đến mức, hội đồng quản trị của Apple đã quyết định mua lại công ty của ông và đưa ông quay về với vị trí quản lý.
Nghị lực, đam mê của Steve Jobs đã truyền năng lượng cho các đồng nghiệp và cộng sự trong “đế chế” Apple của mình. Jobs giúp họ tự tìm thấy niềm vui trong công việc sáng tạo nên những sản phẩm hoàn hảo, được đánh giá là “kiệt tác”. Từ đó xây dựng nên sự vững bền cho giá trị cốt lõi của công ty chứ không đơn thuần chạy theo mục tiêu giàu có và thành tựu của riêng mỗi cá nhân.
Bộ phim đã ví Steve Jobs như vị cứu tinh của nhân loại nhờ công lao vạch ra một đường thẳng cách biệt giữa những công nghệ nghèo nàn, lạc hậu của quá khứ với tương lai kỹ thuật số hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Jobs đồng thời cũng là kẻ tội đồ bởi ông đã phát minh ra những công cụ xóa nhòa lằn ranh khoảng cách giữa người với người, người với máy và từ từ cắt đứt con người ra khỏi những mối quan hệ xung quanh. Mở ra thời kỳ công nghệ “giật dây” con người, con người mệt mỏi, xa cách vì những thiết bị nhỏ gọn và các phần mềm mà chúng vận hành.
Tàn nhẫn, khôn ngoan, cạnh tranh, ích kỷ, rập khuôn, cầu toàn, độc đoán… tất cả những tính cách này hội tụ ở Steve Jobs và được diễn viên Michael Fassbender khắc họa thành công. Bộ phim cho người xem cảm giác như đây là một tài năng xuất chúng, một trí thông minh nhân tạo, một con rô-bốt trong hình hài con người chứ không phải là người bằng xương bằng thịt. “Con rô-bốt” đó đã ra đi vào năm 2011, ở tuổi 56, sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình dành cho loài người.
MAI CHI MAI