Đà Nẵng cuối tuần

Cuộc sống rộng hơn trang sách

07:41, 21/11/2015 (GMT+7)

Làm bài thi môn Ngữ văn giờ đây không còn đồng nghĩa với việc học thuộc bài mẫu và ghi tên mình lên đầu tờ giấy. Trong “ma trận” kiến thức, thầy giáo là người chỉ đường, học sinh phải là người tự đi trên con đường đó. Đi được bao xa, có đến được đích hay không là phụ thuộc vào cách học, khả năng lĩnh hội kiến thức ngoài xã hội của học sinh chứ không còn là hành trình “gạo” sách giáo khoa.

Thầy Trần Văn Vụ đang giảng bài cho đội chuyên Văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.Ảnh: N.X
Thầy Trần Văn Vụ đang giảng bài cho đội chuyên Văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.Ảnh: N.X

Những năm qua, Bộ GD-ĐT đã thực hiện hàng loạt cải cách trong việc dạy và học ở hầu hết các bộ môn, đặc biệt ở môn Ngữ văn với cách ra đề mở, tổng hợp. Những đề bài hoàn toàn không có trong nội dung sách giáo khoa như: “Anh/chị hãy bày tỏ ý kiến của mình trước nhận định: “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh; hay “kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ, kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”… giờ đây không còn quá lạ lẫm với học sinh THPT.

Theo thầy Trần Văn Vụ, giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trong đề thi môn Ngữ văn những năm gần đây ít yêu cầu năng lực tái hiện mà phần lớn tập trung vào việc đánh giá khả năng tư duy và quan điểm cá nhân về những vấn đề nghị luận. Cách ra đề thi này đòi hỏi cách dạy và học mới. Người dạy bên cạnh việc truyền thụ cảm xúc, giúp học sinh “nhập” vào hồn của văn chương thì giờ đây phải khơi gợi sự lý thú, để người học tự đưa ra ý kiến riêng của bản thân. “Sẽ không còn câu trả lời đúng, sai cho bất kỳ vấn đề nào. Điều học sinh cần làm là sử dụng kiến thức của mình để lập luận, minh chứng, bảo vệ ý kiến và thuyết phục người đọc. Học sinh được tự do sáng tạo và trở thành cá nhân độc lập, kể cả khi ý kiến đưa ra hoàn toàn trái ngược với số đông còn lại”, thầy Vụ nói.

Cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Ngữ văn Trường Hoàng Hoa Thám ủng hộ cách ra đề thi mở, bởi “Cuộc sống rộng hơn nhiều trang sách giáo khoa”. Thoát ly trang sách, học sinh sẽ gần với đời sống hơn. Những bài giảng gắn với thực tế sẽ giúp học sinh trưởng thành hơn. Từng chút một, kiến thức sẽ thấm dần vào tâm hồn học sinh, để những công dân tương lai nhận ra mình không chỉ là con rồng cháu tiên, được hưởng rừng vàng, biển bạc mà còn cần phải biết san sẻ những khổ đau, bất hạnh xung quanh, biết nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, qua đó giúp cuộc sống tinh thần thêm phong phú. Với đề mở, tất cả những vấn đề của cuộc sống từ biến đổi môi trường, an toàn giao thông… đều có thể xuất hiện trong đề thi.

Câu trả lời của mỗi học sinh sẽ thể hiện kiến thức tổng hợp từ cuộc sống. Vì lẽ đó, con đường học vấn không còn đóng khung trong sách giáo khoa mà đọc báo cũng là học, xem ti-vi cũng là học, lướt mạng Internet cũng là học… Bài viết sẽ không còn dừng lại ở những lời hứa khẩu hiệu, sáo rỗng bởi học sinh đã biết cách nhìn vào cuộc sống, dành thời gian để suy nghĩ, tự mình thấm thía, tìm hiểu và viết ra để thuyết phục người đọc.

Cô Như Hạnh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phan Châu Trinh cho rằng, việc ra đề thi mở làm thay đổi phương pháp giảng dạy từ thuyết giảng, thụ động sang cách phát huy vai trò tích cực của học sinh trong việc tìm hiểu tác phẩm. Mục đích giảng dạy vẫn hướng đến truyền thụ cảm xúc thông qua ngôn từ, phát hiện vẻ đẹp của tác phẩm để từ đó rút ra bài học làm người. Trao đổi, đối thoại trong môn văn là điều cần thiết và quan trọng, từ đó giúp học sinh hình thành kỹ năng phán đoán, nhận diện và trình bày quan điểm của mình trước một vấn đề thuộc tác phẩm văn học hay xã hội. Đề văn mở không chỉ để kiểm tra riêng văn mà cả kiến thức về lịch sử, địa lý, đạo đức và công dân đều được huy động và vận dụng vào bài viết.

Như vậy, yêu cầu vận dụng sáng tạo những kiến thức và kỹ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn chưa được học trong sách giáo khoa buộc học sinh phải hoàn toàn tự lĩnh hội, kết nối kiến thức đã tích lũy để giải quyết vấn đề. Bằng cách đó, đề mở đã hạn chế được tình trạng học sinh ôm sách giáo khoa học vẹt hoặc giở tài liệu trong giờ thi.

NHẬT XUÂN

.