Đà Nẵng cuối tuần

Lễ báo hiếu của người Mông

08:12, 07/11/2015 (GMT+7)

Trong một năm, người Mông có nhiều lễ cúng, cúng của làng bản, của dòng họ và của riêng từng gia đình. Có những lễ cúng cần phải mời thầy cúng, có lễ cúng chủ nhà có thể tự cúng.

Mâm cúng lễ báo hiếu.
Mâm cúng lễ báo hiếu.

Với người Mông, bản làng, dòng họ rất quan trọng, có câu nói, hễ là người thuộc giống cây lanh thì đều là anh em, họ hàng. Câu nói khẳng định tính đoàn kết, bao bọc nhau của người Mông, cho dù sinh sống ở bất kỳ đâu trên thế giới, nếu biết mình là người Mông họ đều cư xử như anh em trong làng, trong bản. Song để ra được với dòng họ, bản làng thì ai cũng phải sống trong một gia đình nhất định với cha mẹ và con cái. Đạo hiếu của người Mông rất được coi trọng. Trong gia đình, người chồng, người cha là cây cột cái, có trách nhiệm gây dựng gia đình làm ăn phát đạt. Ngược lại, con cái phải sống kính trọng cha mẹ hết mực. Đó là nguồn gốc của lễ cúng báo hiếu cha mẹ của người Mông.

Chuyện kể rằng, người Mông vốn ở trên núi cao, du canh du cư để làm ăn sinh sống. Một nhà nọ, sống ở nơi núi cao nhưng làm ăn vất vả mãi cũng chưa no đủ. Năm ấy cha mẹ đã già, các con đều khôn lớn lập gia đình riêng. Một đôi vợ chồng người con muốn du canh du cư đến nơi khác để làm ăn cho no đủ hơn, bèn hỏi ý kiến bố mẹ. Bố mẹ cao tuổi rồi, không muốn du canh du cư nữa nên không muốn các con cháu cũng du canh du cư. Hai vợ chồng nọ bèn hỏi ý kiến các anh chị em trong nhà. Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng họ thống nhất, nếu vợ chồng người con muốn ra đi thì làm một cái lễ để tỏ lòng hiếu thảo với bố mẹ đã rồi hãy ra đi. Hai vợ chồng người con đó đã làm lễ báo hiếu cha mẹ để được đi tìm mảnh đất mới. Từ đó, trở thành lễ báo hiếu cha mẹ của người Mông. Ngoài tên gọi ấy, người Mông có thể gọi là lễ mừng thọ cha mẹ.

Từ đó đến nay, gia đình nào cũng tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ, với ý nghĩa chúc cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu với con cháu. Thông thường, người Mông tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ vào lúc nông nhàn, tức là khi mùa màng đã gặt hái xong. Bởi lúc đó thức ăn đã có đủ, con cháu lại không bận việc đồng áng thì mới lo cho lễ cúng được chu toàn hơn. Cha mẹ ở với người con nào thì lễ sẽ được tổ chức ở nhà đó, các anh em khác mang lễ vật đến để làm lễ cúng và cũng là góp thực phẩm cho bữa ăn chung của gia đình.

Trong lễ cúng phải có gạo, ngô, rượu, giấy bản, hương, cây hoa giấy, một con dao và gà, lợn của những cặp vợ chồng người con. Trước khi muốn làm lễ cúng báo hiếu cha mẹ thì người con trai mà bố mẹ ở cùng phải đi đến nhà thầy cúng xem ngày. Thầy bảo nên tổ chức vào ngày nào thì làm vào ngày đó và mời thầy về làm lễ cúng. Lễ này, đặc biệt phải có đủ mặt các con trai, con dâu; con gái, con rể. Mỗi gia đình con sẽ là một cặp để dâng lễ cho cha mẹ. Phải có đủ cặp các con thì tổ tiên mới ban phúc lộc thọ và giải bệnh cho cha mẹ. Người con trai ở cùng cha mẹ đi đến nhà các anh em khác, báo cho họ biết mình sẽ tổ chức lễ cho cha mẹ và mời vợ chồng cùng con cái của anh em đến dự và cùng làm cúng. Sau đó mỗi gia đình các con phải tự chuẩn bị lễ vật đem cúng mừng bố mẹ, là một con lợn, một con gà, gạo, ngô, rượu, giấy bản, hương và cây hoa giấy. Mỗi nhà là một lễ, để khi thầy cúng sẽ làm lễ riêng cho từng nhà dâng lên cha mẹ.

Trong lễ báo hiếu, nếu nhà có điều kiện thì con cháu may cho cha mẹ bộ quần áo mới để mặc trong lễ này. Song váy áo của phụ nữ Mông rất cầu kỳ, nên nếu không đủ điều kiện kinh tế thì ngày hôm đó, người mẹ sẽ mặc bộ váy áo mới nhất, đẹp nhất của mình để con cháu làm lễ cho. Thầy cúng đến, sẽ làm lễ cúng trình báo tổ tiên về việc hôm nay gia đình làm lễ báo hiếu bố mẹ. Xin tổ tiên phù hộ cho hai người già sức khỏe, phúc lộc và có bệnh tật gì thì xin tổ tiên mang đi cho để hai người sống lâu đến một trăm hai mươi tuổi theo quan niệm của người Mông. Mâm lễ cúng được bày ra một cái mẹt, gồm gạo, ngô, hương, giấy bản, cây hoa giấy, được đặt trên một cái ghế phía dưới bàn thờ. Thầy cúng mặc trang phục của dân tộc mình, tay cầm chùm xóc nhạc, chân ngoắc một đôi xóc nữa, mặt được trùm bằng một mảnh vải. Trong lời cúng giảng giải về thế giới quan, nhân sinh quan của người Mông, giảng giải về đạo hiếu cho con cháu. Những người khác có thể giúp việc nấu nướng ở bếp, để khi lễ cúng kết thúc thì gia đình cùng nhau ăn bữa cơm chúc phúc bố mẹ. Những lễ vật cúng đều được mổ và làm chín rồi dâng lên mâm cúng. Thầy cúng xong thì xem xương đùi gà để đoán vận mệnh trong thời gian tới của bố mẹ và cả gia đình. Nếu trên xương đùi gà có hai lỗ nhỏ thẳng hàng nhau, có thể nhìn xuyên từ bên này sang bên kia thì thời gian tới gia đình sẽ làm ăn tốt đẹp, con cháu thuận hòa.

Xong phần cúng này, thầy sẽ mang một mâm cúng ra cúng ngoài cửa, xin ma cửa phù hộ sức khỏe cho chủ nhà cùng con cháu trong nhà khỏe mạnh, làm ra nhiều của cải. Hết lễ cúng tổ tiên xin phúc lộc cho cha mẹ, con cháu là đến lượt phần cúng dâng lễ mừng bố mẹ. Bố mẹ được ngồi trên một chiếc ghế dài, quay lưng về phía bàn thờ. Trước mặt có một chiếc bàn nhỏ để đặt thức ăn con cháu dâng lên. Thức ăn sẽ gồm một bát mèn mén, một bát thịt gà, một chai rượu. Bắt đầu dâng lễ từ hai vợ chồng người con cả. Thầy cúng sẽ cúng dẫn lễ, nói với bố mẹ rằng đây là lễ của hai vợ chồng con cả dâng cho bố mẹ, kính mong bố mẹ khỏe mạnh, sống thọ để vui vẻ cùng con cháu. Sau đó hai người con sẽ quỳ trước mặt bố mẹ để lạy. Cách lạy của người Mông là đứng thẳng lên rồi đưa tay vừa vái vừa quỳ xuống. Ba lần như vậy, rồi đứng dậy nói lời chúc phúc đến bố mẹ. Xong phần chúc phúc thì rót rượu ra bốn cái chén cho bố mẹ và hai vợ chồng mình. Hai vợ chồng mời bố mẹ uống rượu rồi cầm chén dâng bố, dâng mẹ. Bố mẹ sẽ đưa chén rượu đó cho hai con và cầm hai chén ở bàn cùng nhau uống. Sau đó người con sẽ xúc mèn mén và thịt gà ở bát bón cho bố mẹ. Cứ bón và uống rượu như vậy đến khi hết bát mèn mén, bát thịt gà và chai rượu thì mới chuyển sang phần dâng lễ giống như vậy cho vợ chồng người con trai thứ hai, thứ ba… hết vợ chồng con trai, con dâu thì đến lượt vợ chồng con gái và con rể.

Phần cuối cùng là thầy cúng thay lời bố mẹ cảm ơn tổ tiên, cảm ơn các con đã tổ chức lễ báo hiếu. Kết thúc buổi lễ là cả gia đình cùng nhau ăn bữa cơm vui vẻ. Hầu hết các gia đình có cha mẹ già cao tuổi hoặc hay ốm đau thì mỗi năm đều làm lễ báo hiếu hay mừng thọ cho bố mẹ. Lễ này còn được quan niệm là lễ giải bệnh cho bố mẹ nữa, nên trong mỗi lễ cúng đều có phần giải bệnh được thầy cúng làm. Vì vậy sau lễ cúng cha mẹ sẽ cảm thấy khỏe hơn, các con yên tâm về sức khỏe của cha mẹ. Nên hầu hết các con cháu đều cảm thấy phấn khởi và tự nguyện làm lễ cho cha mẹ với mong ước cha mẹ trường thọ cùng con cháu.

CHU THỊ MINH HUỆ

.