Đà Nẵng cuối tuần

Máy lạnh làm nóng hành tinh

06:29, 01/11/2015 (GMT+7)

Cơ quan Khí tượng thế giới của Liên Hợp Quốc vừa công bố kết quả thống kê cho thấy nhiệt độ trung bình hằng tháng trong 9 tháng đầu năm 2015 tăng kỷ lục sau 136 năm.

Nhu cầu làm mát càng tăng thì nỗ lực giảm khí thải toàn cầu càng khó khăn hơn.
Nhu cầu làm mát càng tăng thì nỗ lực giảm khí thải toàn cầu càng khó khăn hơn.

Điều đó đã lý giải vì sao nhu cầu sử dụng máy lạnh (điều hòa nhiệt độ) và tủ lạnh ngày càng nhiều. Cuộc họp vào tháng tới tại Paris nhằm bàn về biến đổi khí hậu, giảm lượng khí thải khó đạt được kết quả bởi vì thế giới đang đối diện với cuộc “khủng hoảng làm mát”. Nói một cách dễ hiểu: Máy lạnh đang góp phần làm cho hành tinh ngày càng nóng hơn.

Dự báo lượng điện năng tiêu thụ cho riêng máy lạnh tăng gấp 33 lần vào năm 2100 khi các nước đang phát triển giàu có hơn và tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ hơn. Chỉ tính ở thời điểm hiện tại, nhu cầu sử dụng điện để làm mát các tòa nhà ở Mỹ bằng cả nhu cầu tiêu thụ điện ở châu Phi. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang cố bắt kịp Mỹ. Dự kiến vào giữa thế kỷ 21 thì người dân sẽ sử dụng năng lượng để làm mát nhiều hơn là sưởi ấm.

Máy lạnh dân dụng đầu tiên ra đời vào năm 1914, tủ lạnh gia đình đầu tiên ra đời vào năm 1930. Tới năm 1965, chỉ mới có 1/3 gia đình ở nước Anh có 1 cái máy lạnh hoặc tủ lạnh. Thế kỷ 21 là sự đổi khác khi mà ai ai cũng có nhu cầu làm mát: làm mát ngôi nhà, làm mát văn phòng làm việc, làm mát ô-tô, làm mát thức ăn, thuốc men, thiết bị…

Nhu cầu làm mát tăng lên cấp số nhân càng khiến cho nỗ lực giảm lượng khí thải khó khăn hơn rất nhiều. Những nước đang phát triển có dấu hiệu tăng trưởng, tầng lớp trung lưu ở Đông Á và Đông Nam Á ngày càng nhiều. Đây là khu vực có khí hậu nóng bức nên nhu cầu làm mát tăng mạnh trong thời gian qua. Số lượng máy lạnh gia đình tại Mỹ tăng từ 64 triệu lên 100 triệu trong thời gian 15 năm.

Con số này chẳng nhằm nhò gì với con số 50 triệu máy lạnh được tiêu thụ trong năm 2010 ở Trung Quốc. Tỷ lệ tủ lạnh trong hộ gia đình ở Trung Quốc cũng tăng kinh khủng từ mức 7% năm 1995 lên tới 95% trong năm 2007. Máy lạnh chiếm 40% lượng điện năng tiêu thụ ở Mumbai (Ấn Độ).

Hơn một nửa lượng điện vào mùa hè ở Ả Rập Xê-út là dành cho máy lạnh. Thậm chí, ngay tại nước Anh cũng đã mất 20% lượng điện năng cho máy lạnh và tủ lạnh. EU dự báo lượng điện dùng để làm mát ngôi nhà trên toàn châu Âu sẽ tăng khoảng 72% trong 15 năm tới, trong khi nhu cầu sưởi ấm giảm đi 30%. Khoảng 87% các tòa nhà ở Mỹ có gắn máy lạnh. Các nước đang phát triển cũng bước theo xu hướng này.

Giáo sư thỉnh giảng về năng lượng tại Đại học Birmingham (Anh), Toby Peters nói rằng, nhu cầu làm mát đang tăng rất mạnh. Nếu chúng ta không thay đổi thói quen đó thì mọi thứ sẽ rất nguy hiểm. Máy lạnh và tủ lạnh không chỉ sử dụng phần lớn năng lượng hóa thạch để hoạt động mà hệ thống làm mát của chúng sản xuất ra khí gây hiệu ứng nhà kính gấp 4.000 lần so với carbon dioxide. Nhu cầu làm mát của người dân càng cao thì nỗ lực giảm lượng khí thải trên toàn thế giới càng gặp nhiều khó khăn hơn.

ANH THƯ (Theo Guardian)

.