Chuyên đề
Chuyện những đôi đũa lệch
Ví dầu chồng thấp vợ cao.
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa!
(Ca dao)
Ở thế kỷ XXI này, hầu như không còn những cuộc hôn nhân ép gả, bán mua… nhưng không vì thế mà vắng đi những đôi đũa lệch. Họ có thể lệch nhau về hình thức như chiều cao, cân nặng, lệch về hình thức xấu đẹp hay địa vị cao thấp trong xã hội… Nhưng họ cùng gặp nhau ở cùng vạch xuất phát: Tình yêu.
Vợ chồng Anh hùng LLVT Hồ Phúc Ngôn chia sẻ kỷ niệm xưa với tác giả bài viết. |
Ví dầu chồng thấp vợ cao
Có thể đâu đó, người ta cho rằng, những chuyện tình đũa lệch như chuyện lạ, giật gân chỉ xảy ra trên thế giới. Nhưng không, tình yêu luôn có mặt ở khắp nơi trên trái đất này. Một trong những câu chuyện tình ví như cổ tích giữa đời thường khi mà cô người mẫu xinh đẹp Lê Thanh Thảo, sở hữu chiều cao lên tới 1m75 lại đem lòng yêu thương sâu sắc chàng trai “tí hon” Trần Xuân Tiến với chiều cao 1m26, chỉ như học sinh tiểu học.
Năm 2010, khi Báo điện tử VTC News đăng tải loạt bài về chuyện tình của “nàng 87 và chàng 36” của bà Hạng Thị Sông và Giàng A Linh ở Sa Pa đã làm nổi sóng dư luận. Đã có nhiều cuộc tranh cãi diễn ra. Người cho rằng, đó là chuyện tình của người tâm thần, kẻ lợi dụng, người thì cho rằng, đó là sự suy đồi đạo đức… Nhưng mặc cho gia đình ngăn cấm, mặc cho cuộc đời thị phi, thậm chí nhiều tổ chức xã hội đã vào cuộc… nhưng đôi tình nhân đũa lệch vẫn: “Yêu nhau tàn đời gió không rung không chuyển. Người xiểm xui không ngoảnh không nghe…” (Tiễn dặn người yêu - Truyện thơ dân tộc Thái).
Những mối tình đặc biệt trên được biết đến qua mạng xã hội, truyền thông… mà chưa có hồi kết. Trong khi đó, chung quanh chúng ta còn bao nhiêu đôi đũa lệch đã yêu nhau và sống hạnh phúc cho đến đầu bạc răng long như một minh chứng cho sự vô hạn và thiêng liêng của tình yêu đôi lứa!
Người ta có thể biết đến người anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Phúc Ngôn (quê làng Hồng Phước, nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) như một niềm tự hào về một người con đất Quảng Nam-Đà Nẵng với những chiến công đánh giặc trong hai cuộc kháng chiến. Nhưng ít ai biết được cuộc hôn nhân của ông đẹp tựa một bản tình ca thời chiến tranh bom đạn. Chuyện anh bộ đội làm đám cưới giữa rừng với cô y tá xinh đẹp cũng không có gì đặc biệt nếu không có chi tiết chàng hơn nàng 20 tuổi và đã qua hai đời... vợ! Sau những năm tháng bên nhau, bây giờ họ đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng tình nghĩa vẫn mặn nồng như thuở ban đầu…
Ông Trần Thành Tựu và bà Ngô Thị Cúc ở thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, lại là một câu chuyện khác. Ông bà đến với nhau do cha mẹ se duyên. Ngày cưới, bà chỉ mới 16 tuổi, cái tuổi còn nhiều mơ mộng lại phải kết hôn với anh chồng không chỉ hơn gấp đôi tuổi mình mà còn trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Vậy mà qua bao nhiêu sóng gió, họ vẫn bên nhau. Ngày ngày, người làng vẫn chứng kiến cảnh cụ ông chở bà trên chiếc xe Chaly cúc cu… đi tập thể dục mỗi sáng, hay đi sinh hoạt Hội Người cao tuổi. Thỉnh thoảng, cụ ông xuất hiện trong những đêm văn nghệ của Hội với vai trò đạo diễn, còn bà thì áo mớ bảy, mớ ba múa điệu Trống cơm…
Hay mấy ngày gần đây, không chỉ trong nội bộ các trường học mà những người luôn tin vào sức mạnh của tình yêu trong thành phố đã vui mừng trước kết quả của mối tình vênh nhau của cô giáo Đ.T.C.N với chàng công nhân N.V.H kém mình 13 tuổi. Đám cưới đã diễn ra tại một nhà hàng nổi tiếng trước sự chứng kiến của hơn 500 khách mời là người thân và bạn bè. Hình ảnh hai đứa con của cô dâu vừa đi vừa tung hoa dẫn đầu đoàn đám cưới đã “đốn tim” không biết bao nhiêu khách mời hôm ấy…
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa
Có thể câu hát ngày xưa là lời than tức tưởi, là sự bất lực của cô gái với cuộc hôn nhân kiểu như Ông chằng bà chuộc… Nhưng ngày nay, những cuộc hôn nhân đũa lệch là tự nguyện nên câu ca cũng có thể như một khát vọng tìm ra một giải pháp để khỏi vênh nhau trong cuộc du hành kiếm tìm hạnh phúc gian nan.
Ngày chúng tôi được hân hạnh trò chuyện với vợ chồng người anh hùng Hồ Phúc Ngôn là một ngày đông mưa gió nhưng bên trong căn nhà nhỏ của ông tại số 3 đường Phan Bội Châu, Đà Nẵng, lại ấm áp lạ thường. Khi được hỏi vì sao bà lại nhận lời lấy ông khi tuổi của hai người chênh nhau gần hai mươi tuổi và thậm chí đã hai đời vợ… Bà cười, nụ cười rất duyên của thời con gái vẫn còn đâu đó trên khuôn mặt phúc hậu. Tuy ảnh lớn tuổi, nhưng chiến đấu dũng cảm lắm, cả đơn vị ai cũng khâm phục… (hóa ra thời chiến các cô gái cũng chọn cái tiêu chuẩn mà thời nay gọi manly, tức có tính đàn ông, làm đầu). Quay sang ông, bà liếc mắt cười: Hồi đó nhiều cô mê lắm, chớ riêng gì tôi!
Còn ông thì nói về người bạn đời một cách đơn giản đầy chất lính: “Cả đời tôi gắn với binh nghiệp, không lo được gì cho vợ con. Nếu không có bà ấy thì làm gì có tôi hôm nay”. À, thì ra khoảng cách tuổi tác đã được rút ngắn lại sự ngưỡng mộ và biết ơn lẫn nhau trong cuộc đời…
Để có một cái kết đẹp cho những câu chuyện tình cổ tích trong xã hội hiện đại này, không phải bằng một phép màu mà bằng chính sự cố gắng của đôi bên. Người ở làng Quang Châu ai cũng bảo, ông Tựu bà Cúc dù không có với nhau mặt con nào nhưng vẫn bền lâu bên nhau là do cách ông bà chiều ý nhau từ lúc trai trẻ cho đến lúc về già, từ lúc khá giả cho lúc nghèo khổ, vào ngày Tết ngày lễ, hay đi xa về ông cũng mua quà tặng bà. Thậm chí đi đám giỗ ông cũng không quên đem vài cái bánh, một ít trái cây về cho vợ. Còn bà thì luôn nhún nhường trước cái tính nóng như lửa của ông… Cứ như thế họ đã đi với nhau gần trọn cuộc đời!
Trong đám cưới của cô giáo N., khách mời cũng đã xúc động vì lời phát biểu của chú rể H. Nó như một lời hứa đầy trách nhiệm đối với cuộc hôn nhân cũng như với bản thân. Biết rằng sẽ có nhiều khó khăn đối với họ trong việc xóa đi khoảng cách vênh lệch về tuổi tác, về địa vị, về suy nghĩ của mọi người chung quanh… Nhưng có một điều ai cũng biết rằng, khoảng cách ấy sẽ không còn đáng bàn nếu như được gia đình và xã hội cổ vũ, động viên. Rồi cây sẽ trổ hoa thơm và trái ngọt… trên mảnh đất ngọt lành. Vì tự thân những cặp đôi đũa lệch đã tìm cách tốt nhất để so sao cho vừa...
NHƯ HẠNH