Đà Nẵng cuối tuần

Tuyên ngôn tuổi 15

06:40, 15/11/2015 (GMT+7)

Bộ phim tài liệu He named me Malala - Cha gọi tôi là Malala kể lại câu chuyện phi thường có thật về một cô gái do đạo diễn từng đoạt giải Oscar Davis Guggenheim thực hiện.

Bộ phim khắc họa chân dung về cô gái thông minh và dũng cảm người Pakistan đã thách thức Taliban, đấu tranh cho 66 triệu bé gái không được đến trường. Cô gái đó là Malala Yousafzai – người trẻ tuổi nhất đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 2014.

Hình ảnh Malala hôn mê sâu ở tuổi 15 tạo nên sự xúc động mạnh trên toàn thế giới. Bộ phim dự kiến khởi chiếu tại Việt Nam vào ngày 26-2-2016.
Hình ảnh Malala hôn mê sâu ở tuổi 15 tạo nên sự xúc động mạnh trên toàn thế giới. Bộ phim dự kiến khởi chiếu tại Việt Nam vào ngày 26-2-2016.

Cha của cô đã gọi con mình theo tên nữ anh hùng Afghanistan – người dám đấu tranh chống lại quân xâm lược Anh vào năm 1880 và đã bị giết hại. Cái tên như dự cảm về sự khác biệt của Malala. Chân thành, mạnh dạn và khiêm tốn, Malala có niềm tin vững chắc vào sự bình đẳng dành cho phụ nữ, về quyền được hưởng nền giáo dục có chất lượng của mọi trẻ em chứ không phải tham gia và chết vô nghĩa trong các cuộc chiến tranh, không phải làm việc nặng nhọc và lấy chồng khi còn rất nhỏ.

Những thông điệp về hòa bình thế giới, quyền giới tính, các giá trị của giáo dục được Malala gửi đi từ một blog do cô lập ở tuổi 11. Phiến quân Taliban đã nhanh chóng xác định được tác giả của nó và họ thề sẽ phải giết bằng được đứa trẻ đã khiến trẻ em vùng núi Pakistan “cầm lấy sách và bút vì đó là vũ khí mạnh nhất của chúng ta”; đứa trẻ đã chỉ ra được nguyên nhân vì sao Taliban xả súng hằng ngày vào trường học, vì sao Taliban chống lại giáo dục – bởi họ sợ hãi những thay đổi và bình đẳng mà giáo dục mang lại.

Ngày 9-10-2012, Malala bị phiến quân Taliban tấn công. Em bị bắn vào đầu khi đang trên đường đón xe buýt từ trường về nhà. Viên đạn đi thẳng vào phía đầu bên trái của Malala với hy vọng sẽ làm cô bé câm lặng mãi mãi. Đây cũng là điều các bác sĩ phải thừa nhận với cha mẹ, với tất cả những ai đang nguyện cầu cho Malala. Thế nhưng, Taliban đã thất bại. Malala đã hồi sinh, em đặt bàn tay lên tim mình và nói với toàn thế giới rằng: “Tôi vẫn là Malala trước kia. Những hy vọng, hoài bão, giấc mơ của tôi vẫn vậy”.

Đạo diễn Davis Guggenheim không chỉ thành công khi kể lại bằng hình ảnh tất cả những đau đớn mà Malala và gia đình trải qua trong thời gian cô chiến đấu với thần chết tại bệnh viện. Ông còn khắc họa thành công một Malala hồn nhiên của tuổi 15. Em cũng thần tượng các nam diễn viên đẹp trai, tài năng; cũng có sự tị nạnh dành cho người anh trai “lười biếng nhất thế giới”; cũng hết lòng yêu thương, nhường nhịn em trai út; cũng lo lắng và ngại ngùng với những điểm số chỉ đạt mức trung bình… Tất cả những khoảnh khắc đời thường đó được đạo diễn Davis Guggenheim thu trọn vẹn vào ống kính như một minh chứng rằng, Malala là cô gái bình thường như mọi cô gái khác trên thế giới.

Ở tuổi 15, Malala không thể lý giải được vì sao những cường quốc trên thế giới có thể tạo ra các cuộc chiến tranh đẫm máu nhưng lại yếu hèn trong việc mang đến hòa bình. Malala không thể lý giải được vì sao súng được trao gửi dễ dàng nhưng sách vở lại khó đến vậy, vì sao chế tạo xe tăng, vũ khí công nghệ cao lại dễ dàng hơn việc xây dựng trường học. Ở tuổi 15, Malala hy vọng rằng, khi con người đã đặt chân lên mặt trăng từ hơn 45 năm trước thì nay, ở thế kỷ 21, con người sẽ tạo ra môi trường để mỗi trẻ em được đặt chân đến trường, được sống trong hòa bình, được hưởng những cơ hội như nhau.

Có những hoàn cảnh, những khoảnh khắc buộc mỗi người phải lựa chọn giữa im lặng hoặc đứng lên phản kháng và chết. Malala đã chọn cách thứ hai. Lời nói của em được đánh giá là mạnh hơn bất kỳ loại vũ khí nào. Em không chỉ trích, không thù oán người Taliban hay bất kỳ nhóm khủng bố nào khác. Em chỉ nói về quyền được đi học của trẻ em, về niềm tin sắt đá rằng: “Một đứa trẻ, một thầy giáo, một quyển sách, một cây bút có thể thay đổi thế giới”.

MAI CHI MAI

.