Đà Nẵng cuối tuần

Thảm họa thời tiết

15:36, 27/11/2015 (GMT+7)

Văn phòng giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc (UNISDR) đưa ra bản báo cáo mới nhất, phân tích số liệu từ 20 năm qua cho thấy 90% thảm họa trên thế giới có liên quan tới thời tiết. Trong khi đó những nguyên nhân về địa vật lý gây ra động đất, núi lửa và sóng thần chiếm 10%.

Thảm họa được xác định là một hiện tượng làm từ 10 người trở lên thiệt mạng, hơn 100 người bị ảnh hưởng, ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc  kêu gọi sự cứu trợ quốc tế.

Lũ lụt chiếm tới 47% số lượng thảm họa liên quan tới thời tiết.
Lũ lụt chiếm tới 47% số lượng thảm họa liên quan tới thời tiết.

Kể từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP1) lần đầu tiên vào năm 1995 tới nay đã có 606 nghìn người thiệt mạng và 4,1 tỷ người bị thương, mất nhà cửa và cần hỗ trợ khẩn cấp vì 6.457 đợt lũ, bão, đợt nắng nóng, hạn hán và những sự kiện liên quan tới thời tiết khác.

“Thời tiết và khí hậu là hai nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa và bản báo cáo này cho thấy rất nhiều người đã phải thiệt mạng vì thảm họa. Thiệt hại kinh tế cũng là thách thức rất lớn cho các nước đang phát triển phải chống chọi lại biến đổi khí hậu và nghèo đói”, bà Margareta Wahlström - người đứng đầu UNISDR - viết trong thông cáo báo chí. UNISDR nhận định con số thiệt hại kinh tế 250 -300 tỷ USD/năm là “không đầy đủ”.

5 quốc gia tổn hại nặng nhất trong các thảm họa nói trên là Mỹ (472 thảm họa), Trung Quốc (441), Ấn Độ (288), Philippines (274) và Indonesia (163). Châu Á chiếm số lượng lớn về thiệt hại do thảm họa: 332 nghìn người chết và 3,7 tỷ người bị ảnh hưởng.

Trong đó đáng kể nhất là cơn bão Nargis đã làm 138 nghìn người chết ở Myanmar năm 2008. Hạn hán ở Ấn Độ năm 2002 làm 200 triệu người bị ảnh hưởng. Bão cát cùng năm ở Trung Quốc cũng làm 100 triệu người bị ảnh hưởng.

Số lượng thảm họa có liên quan tới thời tiết và khí hậu tăng dần theo thời gian. Trung bình có khoảng 335 thảm họa liên quan tới thời tiết mỗi năm trong giai đoạn từ 2005 tới 2014, tăng 14% so với giai đoạn 1995-2004 và gần gấp đôi so với giai đoạn 1985-1995. Lụt chiếm 47% thảm họa từ 1995-2015, ảnh hưởng tới 2,3 tỷ người và làm thiệt mạng 157 nghìn người.

Bão là loại thảm họa đáng sợ nhất, làm 242 nghìn người chết, có tới 89% số người thiệt mạng do bão ở những nước có thu nhập thấp. Đợt nắng nóng làm 148 nghìn người chết, với 92% ở những nước nghèo. Hạn hán ảnh hưởng ở châu Phi nặng nề nhất, có tới 136 lần từ 1995-2015, chỉ riêng ở Đông Phi đã có tới 77 lần.

Bản báo cáo đưa ra chưa đầy 1 tuần trước khi lãnh đạo các nước trên thế giới tụ hội ở thủ đô Paris (Pháp) dự COP21 nhằm bàn về kế hoạch cắt giảm lượng khí thải nhà kính và ngăn chặn nhiệt độ tăng lên. Giáo sư Guha-Sapir thuộc Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học tại những thảm họa của Đại học UCL ở Louvain (Bỉ), đồng tác giả với báo cáo nói trên, cho rằng nếu chỉ nói nhiệt độ tăng lên, bão lũ nhiều hơn là quá dễ.

Các nhà lãnh đạo thế giới phải bàn tới phương án làm sao chúng ta có thể kiểm soát được lũ lụt. Bà Margareta Wahlström nói thêm lũ lụt không hẳn chỉ do mưa lớn mà còn do công trình thoát nước kém… Nói tóm lại, COP21 phải đi vào chi tiết từng vấn đề mới hy vọng giảm bớt số lượng thảm họa liên quan tới thời tiết trong tương lai.

ANH THƯ (Theo UN, CBC)

.