Đà Nẵng cuối tuần

Trong mắt người hoài cổ

14:56, 27/11/2015 (GMT+7)

“Ngày xưa, nhà nào có đám cưới là bà con, họ hàng có mặt trước 3, 4 ngày, thanh niên trai tráng xúm vào dựng rạp, các dì các mẹ tất bật dưới bếp làm gà, làm vịt, nấu bia hơi… không khí rộn ràng, một người cưới là cả tộc vào cuộc”, ông T.V.T (đường Phạm Cự Lượng, quận Sơn Trà) kể về đám cưới Việt những năm 80-90.

Thỉnh thoảng, ông T.V.T lại giở cuốn album cưới để xem lại những kỷ niệm ngày xưa. Ảnh: Q.T
Thỉnh thoảng, ông T.V.T lại giở cuốn album cưới để xem lại những kỷ niệm ngày xưa. Ảnh: Q.T

Đám cưới vui như hội

Ông T. so sánh: trong khi thời nay có khi chỉ gọi một cú điện thoại về quê mời bà con, báo ngày giờ, địa chỉ nhà hàng là xong chuyện mời cưới, thì ngày xưa, mỗi khi gia đình có hỷ sự, cha mẹ cô dâu hoặc chú rể đều về quê thưa chuyện với người lớn trong tộc trước cả tháng.

Bà con trong họ, không cần nhờ, tự mình chuẩn bị người này cặp gà, người kia đòn chả, bó lá chuối, mấy cân nếp,… tay xách nách mang ra thành phố. Quà cưới đấy. Ai cũng có tâm lý “con/cháu của cái A sắp cưới, phải chuẩn bị chút quà cho chúng nó”.

Chính cái tình, cái tính hồn hậu, xởi lởi mà người ta đối đãi với nhau đã làm nên một đám cưới đúng nghĩa “chung vui” của ngày xưa. Trước ngày cưới, nhà chú rể inh ỏi tiếng mổ heo, giết gà. Cả bà con và hàng xóm láng giềng đều mỗi người một tay phụ nấu cỗ cưới.

Nhà trai luôn có suy nghĩ, phải nấu cỗ thật ngon, thật tươm tất để thể hiện sự coi trọng nhà gái. Ngược lại với sự linh đình của bên nhà trai, trước ngày cưới, nhà gái lại “im lìm” hơn. Không phải họ không hạnh phúc khi con gái xuất giá mà nếp nghĩ “gả con mà làm um sùm khác nào bán con được giá” đã kìm họ lại.

Những năm 80, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên lễ cưới cũng được giản tiện. Thông thường không có lễ hỏi mà chỉ có lễ thăm nhà và lễ cưới. Lễ vật cưới cũng đơn sơ với khay cau trầu và cặp rượu rum. Tiệc cưới không đãi linh đình mà chỉ mời bà con lối xóm, đồng nghiệp và bạn bè thân thiết. Hồi đó, ai mời hơn 100 khách đã là đám cưới to.

Bà V.T.N (tổ 33, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) chia sẻ, đám cưới bây giờ ngó thì linh đình, to tát nhưng thực ra lại đơn giản hơn thời tôi nhiều lắm. Thời đó gia đình nào có đám cưới là lo lắng, chuẩn bị trước cả năm. Nhà trai ngoài lo cỗ cưới còn lo sửa chữa nhà cửa đón nàng dâu mới. Rất hiếm cặp vợ chồng nào cưới xong mà ra riêng. Chí ít, đều phải ở với gia đình chồng nửa năm để hiểu nếp nhà. Nhà gái cũng trang hoàng nhà cửa đón sui gia, dẫn con gái đi may đồ, sắm sửa áo quần mới…

Nếu như bây giờ, quà cưới chủ yếu là phong bì đựng tiền thì ngày xưa, người đi dự cưới thường tặng quà. Đó là những vật dụng cần thiết trong nhà cho đôi vợ chồng mới cưới như bình thủy, chục chén bát, chục ly, tranh ảnh treo tường…

Vui nhất, một nhóm bạn thường chung tiền lại mua quà, nếu còn dư thì mua… vé số tặng với ý nghĩa, chúc cho cô dâu chú rể sẽ gặp nhiều may mắn trên đường đời. Nhiều cặp vợ chồng trúng số, niềm vui ngày cưới của họ như được nhân lên gấp bội. Đặc biệt, dù mua quà gì thì mua, bạn bè luôn tính toán để dành đúng 105.000 đồng bỏ vào phong bì tặng cô dâu chú rể với lời chúc “trăm năm hạnh phúc”.

Lưu giữ kỷ niệm xưa

Mới đây, trên cộng đồng facebook, các bạn trẻ rộ lên mốt chia sẻ ảnh cưới của ông bà, bố mẹ ngày xưa. Những bức ảnh đen trắng ngả màu gợi một đám cưới giản dị mà ấm cúng, nhắc nhở chúng ta về giai đoạn khó khăn của đất nước.

Lần giở quyển album cưới đã ngả màu, bên ngoài bọc giấy nhung đỏ, đóng gáy vàng chỉn chu, bà V.T.A (đường Núi Thành, quận Hải Châu) tâm sự, bộ ảnh này là kỷ vật nhuốm màu ký ức quý giá nên bà gìn giữ rất cẩn thận. Bà chỉ vào từng bức ảnh nhắc lại sự việc diễn ra trong đám cưới hồi ấy. Những bức ảnh chụp bà với nụ cười e ấp, chỉ đánh một chút son đỏ, giản dị trong bộ áo dài trắng kết hoa. Hoa lay ơn cũng là loại hoa cưới phổ biến thời ấy. Chú rể “đóng thùng” chỉnh tề với bộ đồ âu lịch thiệp.

Trong hôn trường (nếu là cán bộ, viên chức thì thường mượn hội trường cơ quan chú rể tổ chức tiệc cưới - PV) bàn ghế đơn sơ và tấm ri-đô lớn có dòng chữ “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Những bức ảnh chụp khách mời đi dự cưới, dù đời sống khó khăn ai cũng tươm tất, cười thật tươi khi chụp chung với cô dâu, chú rể.

Bà A. bảo rằng, hầu như mỗi khi có xe đám cưới đi qua, trẻ con trong xóm đều chạy theo… ngắm cô dâu cho bằng được rồi hát bài đồng dao “cô dâu chú rể, đập bể bình bông”… hay “cô dâu chú rể/đội rế lên đầu/đi qua đầu cầu/đánh rơi nải chuối/cô dâu chết đuối/chú rể khóc nhè”…

Đám cưới ngày xưa giản dị mà nghiêm trang. Bà A. còn nhớ, mỗi khi con gái về nhà chồng, dù gia đình nghèo khó đến mấy cũng cố gắng may cho con bộ áo dài cưới. Theo thông lệ, nhà trai khi đến thăm nhà sẽ đưa một khoản tiền gọi là “tiền vẽ”, “tiền dọn” cho nhà gái. Tiền này dành để nhà gái lo đám hỏi và may áo cưới cho cô dâu. Thế nhưng, khoản tiền này bao giờ cũng được nhà gái bọc lại giữ riêng không đụng đến, đến ngày cưới, cha mẹ nhà gái sẽ cho lại con rể và con gái để làm vốn.

Trong mắt người xưa, thế hệ của ông bà, cha mẹ, cô dâu, chú rể có xúng xính trong bộ áo dài hay áo sơ-mi, quần Âu giản dị; tiệc đãi khách có khi là tiệc mặn, có nơi là tiệc ngọt với bánh kẹo hay ấm trà, nhưng mỗi đám cưới luôn ghi lại dấu ấn sâu sắc trong trái tim mỗi gia đình hay khách mời. Thời cuộc đổi thay, cha mẹ hiện nay tổ chức tiệc cưới cho con cũng phải theo trào lưu mới. Và trong tim họ, những gì thiêng liêng, cao quý của những đám cưới đơn sơ, ấm áp ngày xưa vẫn sống mãi, được họ giữ gìn trong từng cuốn album, để thỉnh thoảng đưa ra ngắm, nhớ một hoài niệm…

QUỲNH TRANG

.