Đà Nẵng cuối tuần
Vẫn tin
Cuộc đời dạy học của mỗi người thầy có biết bao niềm vui, nỗi buồn… Có những nỗi buồn tưởng thoáng qua nhanh mà trở thành nỗi đau thầm lặng, xót xa, làm thổn thức trái tim. “Xa lạ” của nhà thơ, Nhà giáo Ưu tú Đặng Hiển là một tâm sự buồn song vẫn toát lên sự bao dung của tấm lòng.
Nhà thơ - Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển sinh năm 1937, quê ở Nam Định, là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông đã từng đạt giải thưởng của Báo Người giáo viên nhân dân 1961, 1990; Báo Giáo dục và thời đại 1998. Đặng Hiển còn là tác giả của nhiều tập thơ và đặc biệt có thơ in trong sách giáo khoa (bài Mẹ vắng nhà ngày bão)..
Với trái tim người thầy và tâm huyết với nghề nghiệp, ông có nhiều bài thơ tâm sự về công việc cao quý nhưng thầm lặng đăng trong các tập: Thầy giáo và nhà trường, Chiếc lá… Đặc biệt, Xa lạ (1996) là một bài thơ để lại trong tâm thức của bao thế hệ học trò khi Ngày Nhà giáo Việt Nam cận kề.
Bằng tiết tấu chậm rãi, cách dùng hàng loạt hư từ, ý thơ mở đầu vừa như phỏng đoán vừa như ẩn sâu một nỗi niềm: “Vì sao lại thế em ơi? Hình như thầy đã một thời dạy em? Vì sao ánh mắt em nhìn - Như người xa lạ gặp trên xe, tàu?”. Hàng loạt câu hỏi mở đầu bài thơ khắc hoạ cuộc gặp gỡ tình cờ của thầy và trò với tâm trạng ngạc nhiên đến sững sờ. Cái ngạc nhiên không phải vì vui mừng mà là thái độ sững sờ trước ánh mắt “xa lạ” của học trò, sững sờ trước một nghịch lý. Trong đời cầm phấn, người thầy đã từng dạy biết bao lớp học sinh, làm sao có thể nhớ hết tên tuổi, gương mặt của từng trò. Song, học sinh nhất định không thể quên được những thầy cô đã từng giảng dạy mình. Còn ở đây, người thầy ấy lại nhớ và người học sinh kia đã “cố tình quên”, quên thầy, quên một thời cắp sách, quên chuỗi kỷ niệm thuở ấu thơ.
Từ khi bắt gặp ánh mắt vô tình, dửng dưng của người học trò thuở nào, trong óc thầy, kỷ niệm chợt quay về: “Nhớ xưa em vẫn chào thầy-Nụ cười tươi nở thắm đầy niềm tin-Nhớ xưa ánh mắt em nhìn-Từng như tia nắng dịu êm tim thầy”. Thì ra, giữa thầy và trò ngày xưa đã từng có những tháng ngày không thể nào quên. Có thể người học trò đó vốn là một cô bé, cậu bé hồn nhiên, yêu đời với “nụ cười tươi đầy niềm tin” và “ánh mắt như tia nắng dịu êm”?…
Quá khứ như cuốn phim quay chậm cứ lần lượt hiện về. Trong tim, thầy vẫn nhớ như in những học trò ngày mình mới ra trường, đầy tâm huyết với nghề nghiệp:“Thầy trò xưa đã nghiêng đầu-Trên trang sách mới ánh màu phượng bay”.
Những tháng ngày miệt mài với công việc, thầm lặng với sách vở, mái tóc thầy đã thay màu nhưng trong lòng thầy vẫn nhớ: “Thời gian… Màu tóc thầy thay - Còn em, đâu nét thơ ngây thuở nào…”. Người thầy với mái đầu điểm bạc lần về với ký ức xưa và thầm so sánh hiện tại. Người học trò ngày xưa ấy giờ là một con người xa lạ, lạnh lùng, dửng dưng… và lòng thầy chợt quặn đau. Thời gian trôi đi, thế gian có thể biến cải, song tình nghĩa thầy trò không thể nào “bạc như vôi”?
Ánh mắt xa lạ của đứa học trò cũ cứ ám ảnh, và người thầy đã tìm mọi lý do để biện giải cho thái độ vô tình đó:“Hình như em có niềm đau - Ước mơ ngày ấy tan vào thời gian? - Hay là đời lắm lo toan-Làm bao kỷ niệm héo tàn trong em-Hay là em mãi bước lên-Trường xưa lớp cũ, lỡ quên nhớ về?”. Người học trò thuở xưa có thể không dám nhận thầy vì thấy mình chưa thật xứng đáng, cũng có thể do bon chen với đời, lo toan với danh lợi mà nỡ quên thầy. Hàng loạt các từ “hình như”, “hay là” được tác giả sử dụng liên tiếp ở đoạn thơ gần cuối như một lời trấn an, vừa thấp thoáng một trở trăn, thao thức.
Song đi suốt bài thơ, ta không hề bắt gặp một tiếng than, lời trách trước sự vô tâm của người học trò. Trái tim người thầy thật bao dung, nhân hậu:“Giữa ngày em thỏa ước mơ-Bên chùm hoa tặng, có thơ của thầy”.
Giữa bao nghiệt ngã của cuộc đời, người thầy trong bài thơ và lớp lớp người thầy khác vẫn vững vàng, thủy chung với nghề nghiệp. Dù hôm nay, học trò có đứa ngoảnh mặt làm ngơ nhưng thầy vẫn cứ tin còn bao lứa trò khác sẽ thành công với những ước mơ mà thầy trò đã từng nuôi dưỡng, sẽ mãi nhớ về thầy.
“Xa lạ” là một bài thơ đẹp, đẹp không chỉ ở ngôn từ, ở lối thơ lục bát... mà còn đẹp ở tấm lòng, ở sự rộng lượng bao dung, đẹp ở trái tim người thầy mãi mãi “vì đàn em thân yêu”.
Xa lạ Vì sao lại thế em ơi? Thầy trò xưa đã nghiêng đầu Nhớ xưa ánh mắt em nhìn Hình như em có niềm đau Hay là em mãi bước lên Giữa ngày em thỏa ước mơ Đặng Hiển |
NGUYỄN THỊ THU THỦY