.

Điểm sáng Hòa Phong

.

Xã Hòa Phong có số dân đông vào loại nhì huyện Hòa Vang, số bệnh nhân khám chữa bệnh tại trạm y tế xã cũng thuộc vào loại đông nhất. Với nhiều máy móc thiết bị hiện đại, trưởng trạm là bác sĩ chuyên khoa I, trạm y tế này có mô hình giống như một bệnh viện thu nhỏ, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân và được xem là điểm sáng của ngành y tế huyện.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Triêm đang khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Q.T
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Triêm đang khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Q.T

Thầy thuốc nhớ mặt, nhớ bệnh

Không cần nhìn vào quyển sổ bảo hiểm y tế (BHYT) để trước mặt, bác sĩ Nguyễn Triêm, Trưởng trạm y tế xã Hòa Phong, gọi: “Mời chú Trương Mẫn. Lại mất ngủ, không ăn được hả chú Mẫn? Chú cứ ăn chay trường miết ri cơ thể thiếu dinh dưỡng nên mệt mỏi thôi. Con kê mấy thang thuốc bắc uống nghe”.

Người đàn ông tên Mẫn không nói gì chỉ thấy nở nụ cười chân chất, hài lòng. Thấy ánh mắt ngạc nhiên của tôi, bác sĩ cười: “Tui sống ở đây từ hồi nhỏ. Khám chữa bệnh cũng chừng 30 năm rồi. Ai đau bệnh ra răng mà tui không biết”.

Hết ông Mẫn đến ông Tịch, bà Sáu, ông Nhơn… hơn chục lượt thăm khám, bác sĩ - bệnh nhân xưng hô gần gũi như người nhà, không có khoảng cách, hình như những mệt mỏi vì đau ốm của bệnh nhân cũng vơi bớt phần nào.

Bác sĩ Nguyễn Triêm có bằng chuyên khoa I, có thể làm việc trong những bệnh viện lớn của thành phố, nhưng ông tình nguyện gắn bó với Trạm y tế xã Hòa Phong 30 năm nay. Một phần cũng bởi tình cảm của người dân dành cho ông rất chân thành: “Bác sĩ ở lại giúp dân, đừng đi đâu hết”.

Ông kể, giống như bác sĩ ở các bệnh viện lớn, sau ca mổ thành công có thể có chút quà cáp. Ông cũng có quà, nhưng quà của ông là chục trứng gà, mớ rau ngót, mồng tơi hái trong vườn nhà… Chỉ vậy thôi nhưng cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều ấm lòng…

Không chỉ “ngồi một chỗ” khám bệnh, đối với những bệnh nhân già yếu không thể đến trạm y tế, chỉ cần nghe cán bộ y tá thôn báo lên là ông tranh thủ buổi trưa chạy xe đến tận nhà người dân thăm khám.

Hiện nay, Hòa Phong có 1.994 người cao tuổi được quản lý và điều trị. 100% người trên 80 tuổi có sổ khám bệnh. 93% dân số ở Hòa Phong có BHYT. Gần như, người dân ở xã Hòa Phong không tốn tiền thuốc men.

Bác sĩ Triêm tâm sự, người dân chủ yếu làm nông, 1 tạ lúa giá 500.000 đồng thì tiền đâu họ ra tiệm thuốc tây mua thuốc? Do vậy, ông khuyến khích người dân cứ đau ốm thì cầm BHYT đến trạm khám rồi lấy thuốc về uống, để tiền làm chuyện khác.

Hiếm có trạm y tế nào (kể cả ở phố) mà 1 ngày tiếp đến gần 150 lượt người bệnh như ở đây. Nhiều máy móc hiện đại được trang bị cho trạm y tế xã như máy siêu âm, điện tim giúp cho công việc chữa trị của y bác sĩ đỡ phần vất vả.

Ông Trần Văn Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Hòa Vang, cho biết công tác khám chữa bệnh ở Trạm y tế xã Hòa Phong là “số 1 của huyện Hòa Vang”. Năm nay, trạm có đến 27.357 lượt bệnh nhân thăm khám, nhiều ngày quá tải. Sắp tới, có quy định khám chữa bệnh thông tuyến, dự đoán, con số này sẽ còn tăng lên nữa.

Làm một việc, biết nhiều việc

Hiện tại, Trạm y tế xã Hòa Phong có 6 cán bộ biên chế, trong đó, 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh, 1 lương y và 1 y sĩ đông y; 8 điều dưỡng học việc, người lâu nhất đã làm việc 5 năm, mới nhất cũng hơn 2 năm.

Nữ hộ sinh Phan Thị Minh Nguyệt chia sẻ, làm việc ở tuyến cơ sở là làm hết việc chứ không hết giờ, một người ngoài hoàn thành công việc chính của mình phải biết thêm các công việc khác. Ví như cán bộ hộ sinh phải biết băng bó vết thương, tiêm chủng… để khi cần thì hỗ trợ nhau.

Nhờ có sự phối hợp cùng nhau trong công việc nên các hạng mục về tiêm chủng, phòng chống dịch, truyền thông dân số…, Trạm y tế Hòa Phong đều làm rất tốt. 100% trẻ em dưới 1 tuổi ở Hòa Phong được tiêm chủng mở rộng, 100% trẻ dưới 5 tuổi được uống vitamin A và tẩy giun định kỳ, 100% bà mẹ mang thai được tiêm ngừa uốn ván và tư vấn dinh dưỡng.

Năm 2014, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Hòa Phong là 8,5%, năm nay giảm còn 8%. Chị Phan Thị Minh Nguyệt cho biết thêm, trừ một số gia đình có điều kiện nên xuống phố, còn lại hầu hết phụ nữ trong xã rất tin tưởng y bác sĩ ở trạm nên đến thăm khám thai và khám phụ khoa định kỳ…

Năm nay, không nằm ngoài cơn bão sốt xuất huyết, xã Hòa Phong có 18 ca. Ngay khi phát hiện ổ dịch ở thôn Túy Loan Tây 1 và Bồ Bản 1, toàn trạm kết hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện tập trung dập dịch, tuyên truyền người dân đổ vật chứa nước, phun thuốc… Công tác phòng chống dịch là quan tâm số một của tuyến y tế cơ sở.

Để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh bằng đông y của người dân, nhiều năm qua, Trạm y tế Hòa Phong đẩy mạnh phương pháp chữa bệnh đông tây y kết hợp. Tuy nhiên, đơn thuốc chữa bệnh vẫn chủ yếu là thuốc viên, trong khi nhiều người bệnh có nhu cầu thuốc sắc. Lúc đó, ai có nhu cầu, bác sĩ Triêm hướng dẫn họ đến chữa tại Bệnh viện Hòa Vang. Hiện có khoảng 54% ca bệnh chữa bằng phương pháp đông-tây y. Trạm y tế Hòa Phong cũng vận động, hướng dẫn người dân tự trồng các cây thuốc nam trong vườn nhà để chữa các bệnh thông thường như cảm, đau lưng, kiết lỵ…

Vườn thuốc nam của trạm gồm 45 cây thuốc thông dụng giao cho lương y và y sĩ đông y quản lý, chăm sóc. Ông Trần Văn Thanh nhận xét, 11 trạm y tế xã trong huyện đều là những “đứa con” của huyện Hòa Vang, được đầu tư như nhau về cơ sở vật chất, nhân lực. Thế nhưng, nhờ cách làm đột phá, con người đồng đều, biết tương trợ nhau trong công việc… mà xã Hòa Phong vươn lên thành điểm sáng y tế của huyện.

Hiện nay huyện Hòa Vang đã hoàn thành tiêu chí y tế nông thôn mới. Có 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Mỗi trạm y tế xã có từ 1-2 bác sĩ phục vụ; đạt 1,7 bác sĩ/vạn dân. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện đáng kể các chỉ số sức khỏe cộng đồng và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Chương trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng bình quân hằng năm đạt trên 98%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm 2010 là 13,08% đến năm 2015 dự kiến còn 8%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT năm 2011 đạt 78,1%; đến tháng 6-2015 toàn huyện đã có đạt 93,9%.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.