Theo nhà văn Bùi Công Dụng thì “Thuyền độc mộc”(*) là tiểu thuyết viết về “một trường đại học tư thục đầu tiên ra đời trong bối cảnh mà các khái niệm về tôn chỉ, mục đích, lợi nhuận, phi lợi nhuận… lại không được song hành cùng những cơ chế chính sách giáo dục hiện hành của Nhà nước”. Tác phẩm đã phản ánh được “mâu thuẫn giữa những nhà giáo có tâm huyết với những kẻ mua bán, tranh giành nhằm hưởng lợi từ những ưu tiên vật chất” để rồi con thuyền giáo dục “vượt qua những sóng gió để hoàn thành mục tiêu tốt đẹp của mình”.
Đọc “Thuyền độc mộc”, ấn tượng cho người đọc là tên tác phẩm. Chính tiêu đề “Thuyền độc mộc” kích thích người đọc cần phải đọc, để xem, để cảm chất liệu ngôn từ tạo nên “thuyền độc mộc” vượt qua thác ghềnh, sông lũ đời thực ở trong tác phẩm.
Người lèo lái con thuyền ấy không ai khác là Nguyễn Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Tây Hồ, người cả cuộc đời còn lại bằng nhiệt huyết canh tân. “Ông muốn có một ngôi trường mà ở đó người ta chuyển tải được những giá trị phổ cập của nhân loại, những nội dung về quản lý một xã hội pháp trị, một nền tự do, dân chủ… mà đối tượng học tập không phải là những bậc trí thức cao siêu gì, mà chính là những người lao động bình thường nhất” (tr18, 19).
Cùng ngồi trên chiếc thuyền ấy là thầy Hiệu trưởng Như Văn. Họ cùng chung thuyền “mang tên nhà chí sĩ cách mạng, nhà văn hóa Phan Tây Hồ nổi tiếng với chủ trương canh tân dân trí đất nước của thế kỷ trước” (tr15, 16). Rõ ràng ở họ mang khát vọng của Phan Châu Trinh một thời “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Khát vọng ấy là khát vọng của người Quảng Nam - Đà Nẵng, là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam. Tiếc thay khát vọng ấy chỉ còn lại dư âm của thế kỷ đã qua.
Nếu bạn từng đọc tiểu thuyết “Thế kỷ bị mất” của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam chắc sẽ bắt gặp khát vọng canh tân của những kẻ sĩ một thời tao loạn như Phan Châu Trinh, Lê Cơ, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thành… Khát vọng ấy quả là đau đớn tột cùng khi chỉ là khát vọng, khi chưa thành hiện thực.
Và giờ đây, ở “Thuyền độc mộc”, khát vọng canh tân được âm ỉ trong lòng Nguyễn Nguyên: “Ông đâu có đòi hỏi gì nhiều. Dưới con mắt nhìn của ông, cái họa đói nghèo của dân sinh và cái họa ngu dốt của dân trí đâu có còn ngự trị phổ biến tại cái xứ này như nhiều chục năm về trước, mà cần cái đạo đức, cái văn minh văn hóa của dân tộc kia. Đó, cái dân khí đó! Tại sao mấy nước Bắc Á, Nam Á, Đông Á quanh ta, sau chiến tranh cũng đói khổ như ta, cũng ê chề lạc hậu như ta, mà chỉ qua mấy chục năm, họ vụt biến thành những con rồng ngạo nghễ, họ có một đất nước văn minh, con người khoáng đạt, khí chất tinh tường!” (tr.18). Khát vọng ấy giờ được thổi bùng lên truyền đến Nguyễn Như Văn - Hiệu trưởng Đại học Tây Hồ, đến các vị lãnh đạo địa phương.
Thế nhưng, khát vọng cháy bỏng ấy bị cản trở bởi thế lực bảo thủ, tham lam, đốn mạt. Cái thế lực ấy đi ngược lại tôn chỉ mục đích của trường là “phi lợi nhuận” trong giáo dục. “Rõ ràng trong cuộc chiến này. Một bên là ông (Nguyễn Nguyên) - thuộc những người quyết tâm đổi mới nền giáo dục nước nhà - với bên kia, một nhóm người mà ông đã chứng minh và vạch trần cho xã hội thấy đó là những kẻ buôn bán giáo dục” (tr.231).
Cái thế lực cản trở ấy đã lợi dụng quyền hành để trục lợi, lợi dụng chức vụ để âm mưu giành chiếm cả cơ ngơi của một trường đại học vừa hình thành. Làm sao quên được một Trần Chí biết làm sai mà vẫn cứ làm, coi thường cả luật pháp. Hắn “chỉ là loại trí thức xôi thịt, mưu đồ lấy lòng lãnh đạo địa phương để từng bước len lỏi vào chiếm đoạt ngôi trường…, chứ có bao giờ mở miệng nói vài câu về hoạch định phát triển giáo dục…” (tr.257). Còn Phó Thanh tra Ngu Trứ “mới học tới cao đẳng, ở lâu thành lão làng được mon men vào cái ghế của tay chánh chuẩn bị về hưu” (tr.100) và rồi làm mãi công việc thanh tra, “thuộc được vài bài nghiệp vụ, rồi lại cũng trên tinh thần sai đâu sửa đấy chứ chả tư duy động não gì…” (tr.285). Riêng Viện phó Lâm Yến là kẻ luôn tìm cách bao che cho nhóm Trần Chí, làm phân hóa cán bộ của cơ quan Viện Canh tân.
Cái thế lực cản trở sự đi lên cùng với sức ì, sự tham lam đời nào cũng có. Trong kịch bản “Tôi và chúng ta”, Lưu Quang Vũ đã phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt để thay đổi lề thói hoạt động sản xuất, thay đổi tư duy trong tổ chức bộ máy sản xuất ở xí nghiệp Thắng Lợi giữa một bên là tư tưởng bảo thủ, bu bám lấy nguyên tắc xơ cứng, quy chế lạc hậu, lỗi thời với một bên là tư tưởng khát khao đổi mới, với hành động dám nghĩ dám làm vì lợi ích của mọi người. Còn trong tiểu thuyết “Thuyền độc mộc”, cuộc đấu tranh với thế lực bán buôn trong giáo dục cũng được tác giả đẩy lên thành kịch tính, nhất là ở những chương cuối của tác phẩm.
Đọc cả tác phẩm, hình ảnh con thuyền chỉ xuất hiện ở phần kết, nhưng hàm chứa nội dung cần truyền tải. Con thuyền ấy là con thuyền Đại học Tây Hồ “lừng lững len lỏi đi trong thác ghềnh” và con thuyền ấy “được tạo bởi một chất liệu đồng nhất, tinh khiết và đầy linh hoạt đã phát hiện và chống chọi lại những bãi ngầm đe dọa đường đi của nó” (tr.336), để có một cái kết có hậu: “Con thuyền độc mộc ấy mặc nhiên cứ lặng lẽ lướt đi...” (tr.337), bỏ lại đằng sau nó bao cản ngăn.
Nhà văn Bùi Công Dụng đến thời điểm này đã xuất bản 8 tác phẩm truyện, ký, tiểu thuyết. Riêng tiểu thuyết có ba tác phẩm. Đó là “Quyền lực” (2010), “Đất chùa” (2014), “Thuyền độc mộc” (2015). Nếu “Quyền lực” ẩn hiện bóng dáng ma mãnh dựa vào thủ đoạn trong kinh tế - chính trị, thì “Thuyền độc mộc” cũng hiện lên những thủ đoạn tinh quái của những kẻ nhân danh giáo dục lại đầu cơ giáo dục. Nếu “Đất chùa” là cuộc đấu tranh lấy lại đất của tổ tiên với bọn đội lốt tôn giáo, bọn viên chức biến chất, thì “Thuyền độc mộc” là cuộc đấu tranh không khoan nhượng với bọn trục lợi giáo dục.
“Thuyền độc mộc” đang chở khát vọng canh tân đến với người đọc.
PHAN TRANG HY