Đà Nẵng cuối tuần

Thảnh thơi tuổi già

10:33, 26/12/2015 (GMT+7)

Ở góc con hẻm nhỏ là cái quán cà-phê cóc, người đi đường phải để ý lắm mới thấy được nó là một quán nước bởi nó nằm thụt lùi vào phía trong so với những ngôi nhà gần đó. Đó là mái hiên sau của một ngôi nhà, lại có hàng rào bao bọc, nên nếu không phải là khách quen, sẽ rất ít người chịu ghé vào.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi tình cờ phát hiện ra quán này trong một lần đợi người bạn và thích ghé uống cà-phê ở đây từ lúc nào không hay. Cà-phê có vị đậm đà, khác hẳn với những ly cà-phê pha vội đôi khi ngọt sắc của đường, sữa hay loảng loét của đá viên, cũng có khi lẫn cả vị chua chua khó chịu mà tôi đã từng gặp. Vài ba bộ bàn ghế thấp lè tè được đặt phía bên trong hàng rào, dưới gốc cây me già nua, những chiếc rễ sần sùi mọc trồi cả lên khiến khoảng sân trông ghồ ghề nhưng nền sân lúc nào cũng sạch bong, không có bóng dáng một chiếc lá me rụng.

Chủ quán là ông bà già đã khá lớn tuổi. Ông bà chỉ bán mỗi một món thức uống là cà-phê, nên chiếc quầy nơi góc hiên cũng nhỏ nhắn, gọn gàng. Trên chiếc bàn nhỏ là cái ấm đun nước siêu tốc, từng chiếc ly được úp ngay ngắn trên chiếc giá nhựa, những chiếc thìa nhỏ xíu nằm gọn gàng trong chiếc cốc, khi nào có khách, đôi bàn tay nhăn nheo đã điểm một vài nốt đồi mồi của bà cụ vẫn còn nhanh nhẹn lấy cà-phê cho khách, còn ông cụ làm nhiệm vụ bưng bê.

Tôi để ý thấy lần nào đưa ly cà-phê cho ông cụ bà cũng đưa bằng hai tay với đầy vẻ yêu thương. Bà bảo, khách ở đây toàn là những người lớn tuổi, có những người uống riết rồi thành quen, đôi khi là những người quen trong xóm, sáng sáng chạy ra uống ly cà-phê, tranh thủ đọc tờ báo hay nói dăm ba câu chuyện. Những lúc thưa khách bà tranh thủ ngồi lặt mớ rau cho buổi trưa, ông ngồi đọc báo, thỉnh thoảng có tin gì hay lại quay sang kể cho bà nghe.

Lần ghé này tôi thấy bà đang ngồi nói chuyện với mấy người bạn, ông xách chiếc bếp dầu cũ kỹ ra dưới gốc me ngồi lau chùi lại cho sạch sẽ. Lâu lắm rồi tôi mới lại nhìn thấy chiếc bếp dầu, mùi hôi của dầu xộc lên khiến một vài vị khách nhăn mũi nhưng không ai tỏ ra khó chịu, họ còn vui vẻ nói chuyện với ông cụ về cái bếp của những ngày gian khó.

Chiếc bếp dầu này là quà cưới của vợ chồng ông cách đây cả mấy chục năm. Ông bà không còn dùng nó từ cách đây nhiều năm rồi, mới đây, dọn nhà thấy nó, ông mới lấy ra để lau chùi cho sạch, đun lại một vài lần để nhớ lại cái thời kỳ gian khó ngày xưa.

Không giống như những người bạn cùng tuổi, khi về hưu, các bà còn bận đi giữ con cho hết con trai rồi đến con gái, hết đứa lớn rồi lại đến đứa nhỏ, bỏ mặc các ông ở nhà muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn. Các bà muốn dành thời gian nấu cho các ông một bữa ăn ngon cũng không có thời gian vì bận rộn con cháu, thành ra nghỉ hưu mà vất vả ngược xuôi còn hơn đi làm.

Ông bà cũng có cháu nội, cháu ngoại đề huề, ông bà cũng định an phận giữ cháu để mấy đứa con yên tâm đi làm nhưng anh con trai lớn quán triệt, con ai người ấy nuôi, không được làm phiền bố mẹ. Lúc mới nghỉ hưu, thấy con nói vậy cũng buồn, hóa ra chúng nó cũng chẳng cần mình nữa. Nhưng khi nghe anh con trai giải thích  rằng bố mẹ vất vả cả đời để nuôi anh em chúng con rồi, giờ là lúc bố mẹ nghỉ ngơi, vui chơi, cuối tuần chúng con sẽ đưa các cháu về chơi với ông bà.

Anh con trai làm thế lại hóa hay, ông bà có nhiều thời gian rảnh rỗi, quyết định mở quán cà-phê này mấy đứa đều ủng hộ nhiệt tình, có người ra người vào, ông bà cũng đỡ buồn. Mà làm gì có thời gian để buồn. Bà hay bị đau chân, sáng sớm, ông rủ bà đi bộ ra nhà văn hóa phường tập dưỡng sinh, hít thở không khí trong lành. Biết ông kén ăn, lúc nào bà cũng muốn tự tay mình nấu từng món nên lúc về, ông bà tranh thủ ghé chợ mua đồ ăn, ăn sáng rồi rục rịch dọn hàng buổi sớm.

Bà nấu nước pha trà, pha cà-phê, ông quét lá me rồi sắp mấy bộ bàn ghế chờ khách tới. Chiều chiều lại rủ nhau đi sinh hoạt câu lạc bộ tuổi già, bà tập văn nghệ, ông chơi cờ tướng. Làm gì ông bà cũng có đôi, dù không nói với nhau nhiều nhưng ông bà đều hiểu yêu thương luôn đong đầy trong từng chén trà bà đưa cho ông, hay trong từng bữa ăn ông bà cùng nhau nấu.

Chỉ cần bà hơi mệt hay ông mỏi người chỗ nào là ông bà xăm xắn lo lắng cho nhau, động viên nhau ăn từng miếng cơm, uống từng viên thuốc. Ai bảo tuổi già không cần có đôi? Nhìn cách ông bà quan tâm, chăm lo cho nhau, chỉ là những việc nho nhỏ thôi mới thấy yêu thương biết mấy cho vừa. Bởi cuộc đời, mấy người có được những giây phút thảnh thơi tuổi già?

THU HÀ

.