.

Hành trình với "chiếc ghế ngủ trưa"

.

Trong cuộc thi “Thiết kế với MCU của Texas Instrument” toàn quốc tổ chức vào tháng 12 vừa qua, đội Scorpions của Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Đà Nẵng đã giành giải Nhì chung cuộc với mô hình Chiếc Ghế Vua (King Chair). Điều đặc biệt là trong tổng số 9 đội dự thi đến từ cả nước, Scorpions lại là đội “neo người” nhất, với chỉ 2 thành viên.

Huỳnh Tấn Lĩnh và Trịnh Đình Tùng bên sản phẩm Ghế Vua của mình. Ảnh: K.N
Huỳnh Tấn Lĩnh và Trịnh Đình Tùng bên sản phẩm Ghế Vua của mình. Ảnh: K.N

Ý tưởng bắt nguồn từ nhu cầu thực tế

Gặp Huỳnh Tấn Lĩnh và Trịnh Đình Tùng trong phòng thí nghiệm chế tạo của Trường ĐHBK Đà Nẵng, Lĩnh cười bảo, “vì đang đúng đợt thi cuối kỳ nên bọn em ở trong này suốt để tiện ôn bài”.

Lĩnh và Tùng cùng học lớp 11DT3, khoa Điện tử Viễn thông. Hai cậu sinh viên năm cuối này ấp ủ dự định tham gia cuộc thi từ lâu, để vừa thỏa sức sáng tạo của bản thân, vừa tạo một chút “dấu ấn” trước khi ra trường.

Tùng chia sẻ, ý tưởng nghĩ ra thì nhiều, nhưng muốn đưa được vào cuộc chơi thì phải qua vài “tấm lưới” sàng lọc: có đủ thời gian làm không, có mang ý nghĩa thực tiễn không, và quan trọng là có vừa túi tiền của sinh viên không.

Đến cuối tháng 6, hai cậu sinh viên bỗng nhận ra ý tưởng hay nhất lại xuất phát từ chính nhu cầu của mình. Là sinh viên ở trọ, cả Tùng và Lĩnh đều thường ở lại trường buổi trưa để tiện buổi chiều học tiếp. “Cái khó là, ở trường chẳng có chỗ nào ngủ trưa cả”, Tùng cười bảo.

Lĩnh cho biết, ban đầu, nhóm định thiết kế một chiếc giường để phục vụ cho nhu cầu… ngủ trưa tại trường. Sau khi suy xét, cả hai thấy phương án này không khả thi, vì một chiếc giường đòi hỏi nhiều nguyên vật liệu tốn kém. Cuối cùng, Tùng và Lĩnh thống nhất chuyển chiếc giường thành một chiếc ghế thông minh.

Để nằm ngủ được, chiếc ghế phải chuyển được từ tư thế ngồi sang tư thế nằm. Để dễ dàng giúp người dùng đi vào giấc ngủ, chiếc ghế cần biết… hát. Để người dùng đừng vì ngủ ngon quá mà quên mất giờ đi học, chiếc ghế lại phải biết báo thức.

Chiếc ghế còn phải biết nhắc nhở người dùng đã đến lúc đứng dậy vận động sau một thời gian ngồi để đảm bảo sức khỏe, đồng thời còn phải biết massage giúp thư giãn... Cứ vậy, hai cậu sinh viên nương theo nhu cầu thực tế mà thêm thắt các chức năng cho chiếc ghế của mình. Sau tròn một tháng, ý tưởng chiếc ghế thông minh thành hình.

Quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực

Trước khi vào được vòng chung kết toàn quốc, nhóm Scorpions của Lĩnh và Tùng phải đối mặt với các đối thủ trong vòng thi miền Trung được tổ chức vào tháng 9-2015. Hai cậu sinh viên chỉ có khoảng hơn 2 tháng để thiết kế cả phần cứng (bộ khung, nệm, động cơ…) lẫn phần mềm (mã lập trình cho các tính năng…) của chiếc ghế. Không có bản vẽ, Lĩnh và Tùng phác thảo ý tưởng rồi ra tiệm cơ khí truyền đạt lại ý tưởng bằng… miệng.

Lĩnh bảo, “cũng may đó là chỗ người quen nên bọn em được giúp đỡ”. Vậy là suốt cả tháng, Tùng và Lĩnh cứ ngày đi học, tối lại ra tiệm cùng làm với thợ cơ khí. Tùng cho biết, nhóm vừa làm vừa nghĩ, chỗ nào chưa được thì tháo ra làm lại. Về phần động cơ, nhóm phải đặt mua qua mạng và nhờ chuyển hàng từ TP. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội về.

Tháng 9-2015, Scorpions đem tác phẩm của mình đi dự cuộc thi “Thiết kế với MCU của Texas Instrument” toàn miền Trung và giành được giải Nhì, giúp nhóm tiếp tục tiến vào vòng chung kết quốc gia. “Lần này, bọn em chỉ có 2 tháng để sửa chữa và hoàn thiện mô hình, nên mọi việc đều phải làm gấp rút”, Lĩnh cho biết.

Rút kinh nghiệm từ lần thi miền Trung, lần này, nhóm đã có bản vẽ hẳn hoi. Cả Tùng và Lĩnh đều quyết định sẽ thiết kế lại một bộ khung mới, có tính thẩm mỹ cao hơn và đáp ứng được một số tính năng mới được thêm vào sau này.

Mọi việc diễn ra khá trôi chảy cho đến lúc 2 ngày trước ngày thi chính thức, cái ghế thông minh bỗng… trở chứng. Biết nguyên nhân là do khi các chức năng cùng hoạt động một lúc sẽ gây hiện tượng nhiễu, cả ngày hôm đó, hai cậu sinh viên quên ăn quên ngủ, mày mò tìm cách sửa. Đến 5 giờ sáng ngày hôm sau (ngày bốc thăm dự thi chính thức), vấn đề được giải quyết xong.

Thầy Vũ Văn Thanh, công tác tại khoa Điện tử Viễn thông, trường ĐHBK, là người hướng dẫn nhóm Scorpions trong cuộc thi cho biết, Tùng và Lĩnh có lợi thế ở khả năng phân tích số liệu. Điều này giúp cho 2 cậu sinh viên vượt qua được phần phản biện của ban giám khảo trong vòng thi chung kết quốc gia.

Tuy không giành được giải thưởng cao nhất, Tùng và Lĩnh lại nhìn nhận theo hướng cầu tiến: “Sản phẩm của đội đến từ Trường ĐHBK TP. Hồ Chí Minh (đội đoạt giải nhất với mô hình đồng hồ đo sức khỏe - PV) không chỉ hữu ích, mà còn rất tinh vi trong công nghệ. Phải nói, cũng đều là sinh viên nhưng bọn em phải học hỏi các bạn nhiều”.

Tùng chia sẻ, khao khát của cả hai là được tiếp tục với niềm đam mê kỹ thuật, được làm để biết được mình cần phải học thêm những gì. Để có được điều đó, ngoài việc tham gia những kỳ thi thách thức trí tuệ và kỹ năng, còn phải bảo đảm được thành tích học tập ở trường. Chẳng vậy mà học kỳ vừa rồi, cả Tùng và Lĩnh đều đạt được học bổng giành cho sinh viên có thành tích học tập tốt do khoa Điện tử Viễn thông trao tặng.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.