Đà Nẵng cuối tuần

Lắng đọng hồn dân tộc

07:21, 31/01/2016 (GMT+7)

Có lẽ những ai ở xa Tổ quốc mới thấm thía hết niềm xúc động lớn lao khi thoáng nhìn thấy một người phụ nữ nào đó bận chiếc áo dài Việt Nam. Chiếc áo dài đã kết lại vẻ đẹp tinh thần của người phụ nữ Việt, và hiện nay nhiều thiếu nữ hay các bà, các cô chọn áo dài đi lễ chùa, đi chơi Tết trong ngày đầu năm mới. Bên cạnh đó, chiếc áo dài khăn đóng dành cho nam giới hình như còn “mặc định” cho những cụ già trong những ngày lễ trọng hay ở sân đình, nhà thờ tộc.

Ông Nguyễn Văn Toàn “khoe” 2 chiếc áo dài khăn đóng: chiếc màu vàng mặc khi về gia tộc ở làng Thi Thoại, Duy Xuyên, Quảng Nam và chiếc màu đen ông mặc khi đi đến đình làng Phụ Đán, quận Thanh Khê và mặc đi thăm họ hàng. Ảnh: H.N
Ông Nguyễn Văn Toàn “khoe” 2 chiếc áo dài khăn đóng: chiếc màu vàng mặc khi về gia tộc ở làng Thi Thoại, Duy Xuyên, Quảng Nam và chiếc màu đen ông mặc khi đi đến đình làng Phụ Đán, quận Thanh Khê và mặc đi thăm họ hàng. Ảnh: H.N

Áo dài đón xuân

Thời gian gần đây, nhất là vào dịp Tết cổ truyền, hình ảnh phụ nữ mặc áo dài xuất hiện nhiều trên đường phố; đặc biệt là giờ mọi người đi lễ chùa đầu năm vào đêm 30 và sáng mồng 1.

Áo dài mặc Tết, sở dĩ được nhắc đến một cách trang trọng do nó trở thành quốc phục nhưng lại không còn được sử dụng hằng ngày như trước, trừ các em nữ sinh hay trong các dịp lễ của gia đình, cơ quan. Nay ngày đầu năm mới, lúc con người và đất trời giao hòa, đón thời khắc thiêng liêng của một năm, các bà, các chị mặc áo dài để thể hiện sự đồng điệu với hồn dân tộc.

Điều đáng mừng là trong ngày Tết, mọi người ưu tiên cho trang phục quốc phục của mình nhiều, chứng tỏ lớp trẻ hiểu biết thêm về cội nguồn, mới thấy văn hóa truyền thống không bị mai một. Chị Trần Thị Tuyết Mai (đường Lê Đình Lý, quận Thanh Khê) tâm sự rằng, chị cũng thích quần jeans, áo phông, váy đầm dạ hội cũng như các trang phục thời trang khác.

Nhưng trong những dịp lễ trọng như là đám cưới, đám hỏi nếu phải đi họ hoặc ngày đầu năm mới, trang phục đầu tiên chị nghĩ đến đó là áo dài, bởi nó vừa trang nhã, tha thướt và duyên dáng, phù hợp với mọi lứa tuổi và chưa bao giờ là lỗi thời. Con gái chị cũng cùng suy nghĩ như chị, nên cứ dịp gần Tết là hai mẹ con đi chọn vải, đặt may 2 bộ áo dài. Riêng con gái chỉ mặc khi đi lễ chùa đầu năm.

Bà Nguyễn Thị Vân (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) vốn là người gốc Huế, bà bảo hồi nhỏ thấy mẹ mình đi đâu ra khỏi nhà là mặc áo dài. “Chiếc áo dài thường ngày của mẹ tui chỉ dài qua đầu gối một chút, màu trầm chứ không phải màu sặc sỡ. Bà mặc đi chợ, đi công chuyện; khi gia đình khó khăn, bà sắm gánh trầu cau ra chợ cũng bận áo dài.

Riêng chiếc áo dài nhung may hồi ba mẹ tui cưới nhau, bà để dành mặc dịp Tết hay khi nhà có đám giỗ lớn. Bây chừ tui không thể học cách phục trang của mẹ, nên khi có cơ hội đi đâu như đám cưới, đi chùa, đi chơi nhà họ hàng đầu năm là tui mặc áo dài. Chừ có dâu con, thấy tui mặc áo dài là con dâu cũng mặc theo, thấy vui vui trong lòng”.

Tết là dịp để mọi người quay về cội nguồn. Đi ra đường du xuân, đến các điểm vui chơi giải trí, thấy lớp trẻ quan tâm đến áo dài nhiều hơn, tuân theo nền nếp, truyền thống văn hóa dân tộc, thấy gần hơn với cội nguồn.

Chiếc áo dài giữa làng

Những năm trước, rồi sau khi đất nước có chiến tranh, chiếc áo dài khăn đóng dành cho nam giới vắng bóng, nay nó trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng chỉ tiếc là chưa được nâng lên hàng quốc phục, cũng như chưa phổ biến rộng rãi mà “mặc định” dành cho những người bước vào “tuổi thọ”.

Ông Hà Văn Hoa, tên thường gọi là Ba Hốt, Hội trưởng hội đồng chư phái tộc đình làng Tú Thủy, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, năm nay 74 tuổi. Ông bảo năm 15 tuổi được cha mẹ xin với làng cho làm học trò lễ, mặc áo dài màu đen.

Được vài năm thì lên tư lễ, rồi phân hiến. Khoảng năm 1962 bắt đầu có thêm các loại vải màu thì áo dài khăn đóng của tư lễ là áo dài rộng màu xanh trong những dịp lễ hội đình làng; ông chủ lễ mặc áo tràng màu đỏ có in chữ Thọ trước ngực. Rồi đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, phần lớn nam thanh niên mặc áo quần bà ba trắng, chiếc áo dài đen mặc trong dịp cúng giỗ của gia đình nhiều năm không có điều kiện may áo mới.

Tú Thủy xưa nằm trong làng lớn tên Nại Hiên Đông, do một ông hậu hiền họ Đặng là vạn trưởng vạn chài lập nên, cách nay khoảng 230 năm. Xưa, mỗi khi làng có lễ hội tổ chức ở đình làng, cả làng nam nữ phải mặc áo dài đi ghe dọc sông Hàn lên làng Nại Hiên Tây (giờ nhập với làng Bình Hiên, quận Hải Châu) để rước ông đứng đầu làng về dự lễ.

Ông Ba Hốt là lớp con cháu sau này, nắm rõ việc làng, việc họ tộc, để còn truyền cho các lớp thế hệ sau. Ông bảo, chiếc áo dài nam từ xưa đến giờ tuân theo kiểu may áo cổ kiềng, nút gài. Bởi thế dù qua bao thế hệ người Việt Nam vẫn tôn trọng tâm linh, giữ gìn truyền thống. Ông cười vui “khoảng chục năm trở lại đây, ông mô già già cũng sắm áo dài khăn đóng. Chừ làng ni người mô cũng có, vì mấy ông ở trong ban công tác mặt trận hay hội người cao tuổi đều có mặt trong ban lễ tang. Cái áo dài dùng trong nhiều việc rứa nên nó thông dụng cũng là điều dễ hiểu”.

Ông Nguyễn Văn Toàn, làng Phục Đán, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê cắt nghĩa: “Áo dài khăn đóng là trang phục của người Việt. Cái áo dài với người già là phục vụ cho các lễ trọng của gia đình, tộc họ. Ông bồi bái có áo dài khăn đóng màu đỏ, hai ông tả ban, hữu ban có tộc màu vàng, có tộc màu xanh; anh đánh chiêng trống thì bận áo dài màu đen”.

Tộc của ông ở làng Thi Thoại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam thì quy định hai ông tả ban, hữu ban mặc áo màu vàng, người xướng mặc áo màu xanh. Nhìn màu áo có thể biết chức trách của người đó trong ban lễ giữ chức gì.

Những năm gần đây Nhà nước khuyến khích phát triển văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, thì các tộc họ cũng chú trọng hơn đến trang phục của các cụ trong dòng họ. Ông Toàn cho rằng, khi mặc áo dài khăn đóng ra giữa đình làng, nhà thờ họ, tính trang nghiêm cao hơn hẳn.

Ở quê ông còn quy định những người 60 tuổi trở lên khi về đến làng, muốn thắp hương phải mặc áo dài; người trẻ tham gia pha trà, rót nước cũng phải bận áo dài màu đen, nữ thì bận áo màu nhưng không được cách điệu quá.

Khi mặc áo dài quỳ lạy, người mặc phải đưa 2 tay nâng tà áo trước lên một cách trang trọng rồi mới lạy. Hay mặc áo dài cũng không thể nói thao thao bất tuyệt. Hình như chiếc áo giúp con người đằm thắm hơn, được người khác tôn trọng hơn.

“20 năm trước chú may chiếc áo dài đen đầu tiên, con cái có đứa phản đối vì thấy ba mặc vô trông già hơn tuổi, nhưng chú xác định phải mặc, vì chú thấy đẹp, mà nó thể hiện gia đình có nền nếp. Giờ thì cúng rằm, giỗ chạp chú đều mặc áo dài. Ngày đầu năm mặc áo dài ra đình làng, rồi đi chúc Tết họ hàng, bà con; làng xóm có người lớn tuổi thì chú mặc áo dài tới thăm”.

Tôi nghĩ tâm sự của ông Toàn, ông Ba Hốt về sự trang trọng của chiếc áo dài khăn đóng không phải ai cũng hiểu, nhất là khi người đó còn trẻ, còn chưa bao giờ được bận bộ quốc phục ấy. Nhưng đến một lúc nào đó, kiểu như có tuổi, con người chín chắn hơn, sống chậm lại, hiểu về gia tộc, về quê hương nhiều hơn, sẽ thấy sự lựa chọn áo dài khăn đóng là điều không thể khác đi được. Bởi lúc ấy, con người gần gũi với hồn dân tộc hơn bao giờ hết.

HOÀNG NHUNG

.