Đà Nẵng cuối tuần

Ngóng con

15:35, 31/01/2016 (GMT+7)

Tết đến, người già luôn trông ngóng những bước chân của con cháu trở về đoàn tụ, cùng ăn bữa cơm sum vầy. Nhưng rồi, trong sự sum vầy, vẫn cứ thấy khóe mắt cay cay, khi mỗi ngày, cái Tết cứ lao đi vùn vụt…

Dù các con đều báo sẽ không về ăn Tết, song bà Cúc vẫn “nuôi hy vọng” đoàn viên.Ảnh: Thanh Tân
Dù các con đều báo sẽ không về ăn Tết, song bà Cúc vẫn “nuôi hy vọng” đoàn viên.Ảnh: Thanh Tân

Nước mắt đêm giao thừa

Gần cả tháng nay, bà Nhu (đường Lê Lợi, quận Hải Châu) cứ mong mỗi ngày trôi qua thật nhanh, vì đã lâu lắm, Tết này, gia đình bà mới được sum họp, đúng nghĩa!

Bà Nhu có hai người con trai đều lần lượt đi du học nước ngoài. Con trai út đang học năm cuối, 6 năm nay, chưa năm nào về ăn Tết Nguyên đán cùng vợ chồng bà. Còn anh trai lớn, đã về Việt Nam được 4 năm, nhưng anh lại cưới vợ, rồi sinh sống tận Hà Nội.

Được cái, Tết nào, vợ chồng anh cả cũng thu xếp thời gian vào Đà Nẵng ăn Tết cùng cha mẹ, dù chỉ một vài ngày ngắn ngủi. Thế nên, hằng năm, vào độ này, bà Nhu cứ ra lại vào, hết ngóng, lại trông… Năm nay, bà càng trông hơn mọi năm vì ngoài gia đình anh cả, con trai út của bà Nhu vừa ra trường, kịp về ăn Tết. Vậy là lâu lắm, cả nhà mới được đoàn tụ, đông đủ, trong thời khắc chào đón năm mới.

Gần cả tháng nay, trong đầu bà Nhu cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn, lui tới chuẩn bị mấy món khoái khẩu của các con trai, con dâu, đặc biệt là cháu trai 2 tuổi: nào là thịt heo muối, thịt kho tàu, cà dầm mắm, bánh tét, nào là nấu cháo gì cho cháu trai.

Cuộc điện thoại gần nhất, anh cả báo năm nay, gia đình anh sẽ có mặt ở Đà Nẵng từ mùng 2 đến mùng 5 Tết. Con trai út thì báo sẽ về kịp đón giao thừa! Nói đến đây, bà Nhu bật khóc, cũng như nước mắt người mẹ này đã chảy vì nhớ con, đặc biệt trong thời khắc giao thừa thiêng liêng, 6 cái Tết đã qua… Là người coi trọng lễ tiết, Tết nào, bà Nhu cũng sắm sửa, chuẩn bị đầy đủ hoa quả, mâm cúng, đồ ăn Tết, song những cái Tết vắng con, từ công việc chuẩn bị cho đến những ngày ăn Tết đối với vợ chồng bà Nhu không có lấy chút ấm áp, nếu không nói là vô nghĩa!

Nhìn chậu quất, nhìn cành mai, nhìn bất cứ cái gì trong nhà dịp Tết cũng đều khiến bà Nhu nhớ đến con, nhớ những ngày con còn ở nhà, chung tay sửa soạn cùng vợ chồng bà… Thật khó để nói hết những nỗi niềm, những ngóng trông, đợi chờ… mà một người mẹ như bà Nhu đã trải. Vì vậy, “Tết này, phải làm cái gì đó thật đặc biệt!”. Và chắc chắn, cả nhà sẽ ra chụp hình đoàn tụ tại công viên 29-3, ngay nơi gốc mai gia đình bà từng chụp, khi hai con chưa đi du học, bà Nhu nôn nao chia sẻ.

Cũng có một trai đi du học, cô con gái đầu lấy chồng xa, nhiều năm nay, bà Huỳnh Thị Cúc – chủ tiệm ảnh Hoàng Gia (đường Phan Châu Trinh) đã khá quen với việc vắng các con trong dịp Tết. Cũng may, đặc thù công việc bận rộn (đặc biệt trong những ngày Tết càng bận) cũng khiến vợ chồng bà Cúc vơi đi nỗi nhớ con phần nào.

Riêng vợ chồng con gái đầu thì từ tháng trước đã báo năm nay sẽ ăn Tết ở nhà Nội, không vào Đà Nẵng, nhưng trong thâm tâm, bà Cúc vẫn “nuôi hy vọng”, vẫn âm thầm chuẩn bị tươm tất cho cái Tết Bính Thân đang đến gần, bởi, biết đâu “chúng nó thay đổi ý định vào phút chót thì sao!”

Tết này, con sẽ về…

Mong ngóng con cháu trở về đón Tết, nôn nao nhất có lẽ là những bậc ông bà, cha mẹ ở các miền quê có con cái lấy chồng, lấy vợ, lập nghiệp xa nhà.

Chị Hà Cẩm Phương (quận Sơn Trà), người gốc Thanh Hóa, làm dâu Đà Nẵng đã 8 năm, thì năm nay là năm thứ 2 chị được về quê đón Tết cùng cha mẹ. Không phải chồng hay nhà chồng khắt khe, mấy năm trước phần vì con nhỏ, công việc bận rộn, phần vì tự ý thức trách nhiệm dâu mới, chị Phương đành nén nỗi nhớ quê, nhớ cha mẹ trong lòng.

Vé máy bay về Thanh Hóa năm nay đã đặt nhằm ngày mùng 4 Tết, song cả tháng nay, bố chị Phương cứ nằng nặc “đòi” vào Đà Nẵng đón mẹ con chị sớm, dù chị giải thích mấy bận rằng đã có chồng chị đưa hai mẹ con về. Đêm qua, chị và chồng tiếp tục giải thích, thuyết phục qua điện thoại, “ông ngoại” mới xuôi xuôi, chị Phương thổ lộ.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo (quận Hải Châu), người quê Quảng Bình, người Nghệ An nên 1 tuần nghỉ Tết đối với anh chị quá vội vàng. Hết tất tả quê nội (Nghệ An), lại tất tả vòng vào quê ngoại, còn lo đi thăm đầy đủ bà con, hiếm nhà ngồi ấm chỗ. Thế nên, tính ra ở nhà với cha mẹ cũng chẳng được bao nhiêu.

Chị Thảo lại có căn bệnh say xe tàu nên những sự di chuyển đối với chị luôn là cực hình. Thế nhưng, chỉ cần được đặt chân lên khoảnh sân, vườn rau hay con đường đã lưu dấu biết bao kỷ niệm thời thơ bé, được ngồi quây quần cùng gia đình bên bếp lửa thì mọi mệt nhọc, khổ sở suốt chặng đường dài, trong chị, được trút bỏ lúc nào không hay.

Rồi, cả chị và chồng, và con chị sẽ được đối xử như người “đói ăn”, như những “ông hoàng”, “bà chúa”, suốt mấy ngày Tết: Tất cả các món ngon, vật lạ, giường đẹp, chăn đẹp… thì cha mẹ và mọi người trong nhà thi nhau “nhường”, “nhịn” hết cho người ở xa về.

Chị Thảo kể, không chỉ cha mẹ ruột mà cha mẹ chồng, cũng bằng mọi cách “dụ” cho được con cháu về. Trước những nỗi sợ cố hữu của mẹ con chị Thảo, như tàu xe, thời tiết mỗi dịp chuẩn bị về Tết, mẹ chồng chị lúc điện thoại vào thường “gạt phắt đi” và hứa một thôi một hồi: “Các con chỉ cần về được đến nhà thôi, không phải lo mua sắm cồng kềnh chi hết, ở nhà mẹ đã lo đủ; về nhà con dâu chỉ cần ôm con ngồi trong chăn, hoặc lạnh quá thì ra bếp hơ lửa, không phải làm gì hết”…

Và tất nhiên, đó là những lời hứa rất thật lòng của người mẹ chồng quê mùa, chân chất mà chị Thảo đã quá hiểu, sau 4 năm làm dâu bà. Năm nay, dù chị đã điện thoại nói với mẹ chồng rằng chắc chắn sẽ về ăn Tết nhưng bà vẫn cứ nhắc đi nhắc lại những câu gan ruột, hăng hái như thể bà mới nói lần đầu với chị vậy! Những khi ấy, làm sao người con dâu luôn tự nhận là “may mắn” như chị Thảo lại có thể nói “con không về!”…

Tưởng những đôi vợ chồng trẻ ở Đà Nẵng, có quê nội, ngoại ở Quảng Nam sẽ có cái Tết gắn bó hơn với ông bà, cha mẹ hơn. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, vì “ỷ gần” nên cứ trước Tết, con cái thường chạy ù từ quê nội qua quê ngoại thắp hương, gửi quà; rồi ngày mùng 1, mùng 2 Tết lại chạy ù về ngoại, nội.

Mỗi nơi cũng chỉ một ngày, có khi một buổi. Thoắt cái, mùng 3, ở quê coi như hết Tết. Bởi vậy, chờ con cháu về ăn Tết nôn nao cả tháng, thậm chí cả năm, có người mất mấy năm, nhưng những khoảnh khắc đoàn viên rộn ràng, ấm áp lại quá ngắn ngủi! Trong niềm vui đoàn tụ, vẫn cứ cay cay, vì những trống vắng, hụt hẫng, mong ngóng đã chực chờ…

THANH TÂN

.