Đà Nẵng cuối tuần

Nhớ Hoàng Trọng Dũng

14:46, 17/01/2016 (GMT+7)

1. Hoàng Trọng Dũng theo cha mẹ tập kết ra Bắc khi vừa 6 tuổi. Anh tốt nghiệp kỹ sư cơ khí ở Đông Âu rồi về làm việc trong ngành đường sắt cho đến khi nghỉ hưu. Là một kỹ sư cơ khí, nhưng sẵn trong người dòng máu văn nghệ của gia đình, sự nghiệp sáng tác của Hoàng Trọng Dũng, tuy ít, nhưng đã để lại dấu ấn quan trọng bởi lòng say mê và sự tinh tế.

Trong ngày giỗ đầu của anh vừa qua (anh mất ngày 7-1-2013), chúng tôi bất ngờ nhận được tin vui từ nhà thơ Ý Nhi - chị cả của anh: “NXB Trẻ vừa tái bản cuốn tản văn “Gạo, nước mắm, rau muống - Câu chuyện về ẩm thực Việt”. Bất ngờ là với thể loại tản văn, cuốn sách in lần đầu 2.000 bản chỉ một năm sau lại tái bản với 1 ngàn cuốn nữa. Giữa thời buổi việc đọc sách đang teo tóp lại như hiện nay, đó là chuyện không dễ…

Có mặt trong những ngày Tiểu Tường, Đại Tường, rồi Giỗ đầu của anh, tôi luôn nhớ những câu thơ da diết mà anh viết từ lâu: Rồi cho đến mai sau phút chót cuộc đời/ Tôi sẽ biến mình trong đất/ Và bạn sẽ vẫn nghe trong màu xanh của lá/ Tiếng thì thầm của trái tim tôi (Bài ca của tôi).

Ngoài thơ, những tập truyện ngắn của Hoàng Trọng Dũng như Andersen ở Hà Nội, Trò chuyện với mưa đã cho thấy một người cầm bút chẳng những có nghề trong cấu tứ, bố cục mà còn là khả năng quan sát tinh tế, bắt gặp những khoảnh khắc đắt giá trong cuộc sống của mỗi nhân vật, để những câu chuyện anh kể đều để lại dấu ấn sâu sắc.

Lại nữa, có vẻ như khi có một vấn đề thời sự nào đó, Hoàng Trọng Dũng lại nghĩ ra một câu chuyện từ vốn sống ngồn ngộn của anh. Trò chuyện với mưa có hai truyện là Tiếng biểnĐ. mẹ chú Hai mà tôi rất thích vì tứ truyện lạ. Một ông già vừa câm vừa không biết chữ đã yêu biển theo cách mà người khác không bao giờ hiểu. “Sóng đấy, nhưng chỉ những người một lòng một dạ với biển mới hiểu căn nguyên cội nguồn của sóng…”. Dũng viết truyện này ngay sau câu chuyện thời sự về Hoàng Sa, Trường Sa… Đ. mẹ chú Hai và chuyện khác về một anh cán bộ người Nam tập kết ra Bắc. Nhớ vợ, nhớ quê, hằng ngày anh cứ bảo mấy đứa nhỏ chửi “Đ. mẹ chú Hai” để anh nghe cho đỡ nhớ nhà. Đứa nào chửi to hơn thì được chú Hai cho nhiều kẹo hơn. “Chú Hai nhớ quê và thèm một tiếng chửi của quê hương”, giản dị vậy mà sâu xa cũng vậy…

Nhiều truyện khác như Mưa bóng mây, Con chó có chữ cũng là những truyện hay mà Hoàng Trọng Dũng thường viết một cách khá nhanh, theo thủ pháp bắt chộp ngay vào một “khoảnh khắc” bất ngờ của nhân vật hay sự kiện…

2. Với bút danh Hoàng và Hoàng Trọng Dũng, anh không chỉ viết truyện, làm thơ mà còn giữa các mục thường xuyên về ẩm thực, văn hóa ẩm thực trên một số tờ báo như Thanh Niên tuần sanĐà Nẵng cuối tuần.

Tập tản văn về ẩm thực mà sau ngày anh mất tôi mới có dịp đọc kỹ. Thì ra trong cái không gian chật chội của báo viết đặt hàng, Hoàng Trọng Dũng đã “đi bóng” quá xuất sắc với sự tinh tế vốn có của mình.

Đôi đũa đơn sơ thôi, anh viết: “Tâm hồn Việt yêu những gì gần gũi, mộc mạc, giản dị, huống chi đũa đã đi vào ca dao trong hình ảnh vợ chồng, đã là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết. Có phải một nền văn hóa ăn đã được đánh dấu bằng đôi đũa thiên tài!”.

Hay: “Có thêm hai chữ Hội An, ngọn rau, chén hến, mớ tôm, con cá dường như dễ bán hơn… Vì con sông Thu Bồn dùng dằng nơi cửa biển Hội An chăng! Vì con cá con tôm, ngọn rau, quả bí của Hội An cứ bình thản đi hết chu trình thời gian của mình, không chịu tác động của bất kỳ kích tố hóa học nào chăng…!”.

Hoặc: “Nói chung, sau khi tách bạch từng thứ, sau khi đã hòa trộn bằng cách ướp và nêm, Người Việt đi đến cùng con đường phối hợp. Miếng cơm ấy tôi chỉ dùng với rau muống luộc, ông có thể gắp thêm con tôm rang và chan nước rau. Liệu có ai bảo rằng tôi ăn theo nguyên tắc còn ông thì tùy tiện?... Sự thoải mái lựa chọn đã thấp thoáng tự do và dân chủ. Hoặc ít nhất nó phản ảnh thái độ tôn trọng của con người với con người, tuyệt nhiên không có chút gì áp đặt…”.

Và đây là tất cả sự tinh tế của Hoàng Trọng Dũng khi nói về chuyện ăn uống, về “văn hóa ẩm thực”: Mẹ tôi không phải có nghề nấu ăn mà là có tài nấu ăn… Không cần thịt thà cá cua cao cấp, chỉ cần mớ cá vụn, trái bí đèo, qua tay bà cũng có thể thành món ăn ngon... Mẹ tôi như thế đã là một thầy giáo giỏi, còn tôi, suốt đời vẫn còn vỡ lòng trước nền ẩm thực Việt Nam…”.

Đó chính là tư tưởng dẫn đường khi Hoàng Trọng Dũng say mê viết về ẩm thực Việt, như anh đã từng khẳng định: Bằng lòng nhân hậu, tình thương yêu, bằng trí thông minh, phụ nữ Việt Nam đã sáng tạo ra nền ẩm thực Việt Nam đặc sắc!

Sinh thời, anh hay ngồi với tôi lúc cốc rượu, lúc ly cà-phê hoặc bữa nhậu và chuyện vẫn thường dẫn đến những món ăn, cách ăn, người ta “ăn ở” với nhau… mà anh rất tâm đắc. Đến nỗi, một ngày trước khi ra đi, anh bảo con trai lớn Việt Anh đi mua hai cốc cà-phê rồi bảo Việt Anh và Mỹ, một người bạn thân từ Sài Gòn ra chăm sóc anh vào ngồi cạnh giường để uống và nói chuyện.

Khi tôi vào, anh nói yếu ớt, nhưng vẫn rõ: “Cái hương cà-phê ông ạ! Cái hương cà-phê ấy, cái không khí của người ta khi uống cà-phê vẫn quyến rũ, vẫn hấp dẫn mình mãi…”.

Trong hương cà-phê ấy, tôi hiểu anh muốn nói đó là mối quan hệ của con người thông qua những câu chuyện mà bình thường anh vẫn trân trọng và thậm chí còn tổ chức những buổi cà-phê để chuyện trò cùng nhau.

Nhà văn Hoàng Trọng Dũng (1948-2013) là con trai trưởng của cố giáo sư Hoàng Châu Ký, em ruột nhà thơ Ý Nhi. Tác phẩm đã in: Giữa hai mùa thu (thơ 1987), Ngày xửa, ngày xưa (Tản văn, 2000), Từ bếp ngon ra (Tùy bút, 2002), Andersen ở Hà Nội (truyện ngắn, 2006), Trò chuyện với mưa (truyện ngắn 2012), Gạo, nước mắm, rau muống… (tản văn 2014).

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.