.

Ảnh báo chí thế giới 2015

.

Ban giám khảo Ảnh báo chí thế giới năm 2015 (World Press Photo 2015) lần thứ 59 đã cân nhắc và chọn lựa một cách cẩn thận trong một thời gian dài để chính thức công bố giải thưởng vào tuần qua cho một số bức ảnh nổi bật với các chủ đề và hạng mục. Các tác phẩm về cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu, cuộc chiến ở Syria, các cuộc tấn công Paris, trận động đất tàn phá ở Nepal và các vụ đụng độ ở Mỹ... chiếm ưu thế trong giải thưởng.

Bức ảnh người đàn ông tuồn đứa bé qua hàng rào kẽm gai tại biên giới Hungary-Serbia. Ảnh: Warren Richardson (giải nhất-hạng mục Tin nổi bật)
Bức ảnh người đàn ông tuồn đứa bé qua hàng rào kẽm gai tại biên giới Hungary-Serbia. Ảnh: Warren Richardson (giải nhất-hạng mục Tin nổi bật)

Năm nay, ban tổ chức nhận được 82.951 bức ảnh của  5.775 nhà nhiếp ảnh từ 128 quốc gia khác nhau gửi đến. Dưới đây, điểm qua một số ảnh được trao giải.

Bức ảnh đen trắng chụp một người đàn ông tị nạn đang đưa đứa trẻ luồn qua hàng rào kẽm gai để “hy vọng có một cuộc sống tốt hơn” tại biên giới Hungary-Serbia của Warren Richardson gây xúc động nhiều người và được giải cao nhất trong hạng mục tin nổi bật.

Warren Richardson, phóng viên ảnh tự do hiện đang làm việc ở Đông Âu. Sinh ra tại Úc năm 1968, ông là một nhiếp ảnh gia tự do, cộng tác cho các báo, tạp chí. Ông từng đến làm việc ở châu Á, Mỹ và châu Âu, được biết đến nhiều trong thời gian ở Anh và Mỹ.

Trong khi làm việc trên biên giới Serbia-Hungary vào năm 2015, ông là một trong một nhóm các nhà báo cố gắng ghi lại hình ảnh cuộc khủng hoảng người tị nạn bị đánh đập bởi cảnh sát. Richardson cho biết “Tôi đã cắm trại với những người tị nạn trong năm ngày trên biên giới.

Một nhóm khoảng 200 người đến và họ âm thầm di chuyển dưới những tán cây dọc theo hàng rào biên giới. Họ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em vượt rào, sau đó mới giúp những bà lão và những người đàn ông lớn tuổi. Chúng tôi, những nhà nhiếp ảnh báo chí đã chơi trò “mèo vờn chuột” với cảnh sát suốt cả đêm.

Tôi đã kiệt sức vì thời gian chụp ảnh khá căng thẳng. Cứ vào khoảng 3 giờ sáng, không thể sử dụng đèn flash trong khi cảnh sát đang cố gắng truy lùng, tôi đã phải sử dụng ánh trăng.

Một bức ảnh khác của Bülent Kılıç đoạt giải ba, hạng mục tin nổi bật, ghi hình một người đàn ông tị nạn giữ một cô gái trẻ trên cao trong khi  những người khác trèo qua hàng rào biên giới bị phá bỏ để vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Băng qua hàng rào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.  Ảnh: Bülent Kılıç (giải ba)
Băng qua hàng rào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Bülent Kılıç (giải ba)

Người dân Syria chạy trốn cơn sốt chiến tranh, vượt qua hàng rào biên giới để vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ bất hợp pháp, tại Akcakale ở tỉnh Sanliurfa gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã dùng các biện pháp để hạn chế dòng chảy của những người tị nạn Syria vào lãnh thổ của mình, sau một dòng chảy của hàng ngàn người trước đó vì cuộc giao chiến giữa người Kurd và chiến binh thánh chiến. Theo một chính sách “mở cửa”, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận 1,8 triệu người tị nạn Syria kể từ cuộc xung đột ở Syria nổ ra vào năm 2011.

Bülent Kılıç, nhiếp ảnh gia Thổ Nhĩ Kỳ sinh năm 1979, bắt đầu sự nghiệp tại báo chí địa phương và năm 2005 ông trở thành cộng tác viên nhiếp ảnh báo chí cho AFP.

Bức ảnh của Corentin Fohlen ghi lại hình ảnh đoàn người biểu tình chống khủng bố, lên án loạt khủng bố dây chuyền nhiều địa điểm ở Paris vào ngày 11-1-2015, sau một loạt tấn công xảy ra tại khu vực Île-de-France rồi tiếp tục tấn công trụ sở  tờ báo châm biếm Charlie Hebdo.

Corentin Fohlen sinh năm 1981 tại Pháp. Sau thời gian nghiên cứu và thực hành minh họa và truyện tranh tại Bỉ, Corentin Fohlen làm việc cho cơ quan báo chí Wostok Press. Tiếp đến, ông làm việc với các báo GammaAbaca Press, sau đó ông bắt đầu với chiếc máy ảnh như một nhà báo ảnh tự do, xem nhiếp ảnh là phương tiện duy nhất để tiếp cận với các sự kiện quốc tế. Fohlen từng cộng tác với các báo, tạp chí như Stern, The New York Times, Le Monde, Paris Match, Le Figaro, Pháp Soir, Libération, l’Express, Marianne và La Vie.

Bức ảnh ghi hình những người dân lầm than ở Trung Quốc của Kevin Frayer. Ông sinh năm 1973, phóng viên ảnh người Canada, nổi tiếng với các bức ảnh trong thời chiến tại Trung Đông bao gồm cả dải Gaza, Lebanon và Afghanistan. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1991 cho báo chí Canada. Lần này, tác phẩm của Kevin Frayer đoạt giải nhất ở hạng mục “Cuộc sống hằng ngày”.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.