.

Nghề y và những kỷ niệm

.

Mới đó mà tôi đã ra trường và hành nghề y hơn 25 năm rồi. Khoảng thời gian đó cũng đủ để có không biết bao nhiêu thay đổi và biến động xảy ra trong cuộc đời, từ công việc đến gia đình. Có những chuyện trôi qua trong nhạt nhòa, thời gian làm quên hết. Nhưng có những chuyện đã để lại những dấu ấn và niềm vui khó quên trong cuộc đời…

Bát cơm phiếu mẫu

Hồi còn học trò phổ thông, cạnh nhà tôi có một bà già bán xôi. Bà có người con trai đi bộ đội tận bên Campuchia. Tôi thường giúp bà viết thư hoặc đọc thư cho bà nghe, vì bà không biết chữ. Lâu lâu không nhận được thư con, bà ngồi khóc. Giai đoạn đó chiến trường Campuchia đang diễn ra ác liệt.

Trưa nào đi bán về, trong gánh còn lại xôi, bà vét một tô lớn mang ra đứng sát hàng rào và gọi lớn để tôi ra lấy. Cũng có hôm bà vạch rào mang sang, xem tôi đang làm gì. Thấy tôi cắm cúi giải toán, bà đứng nhìn một lúc rồi mới lên tiếng. Tháng ngày cứ thế dần qua…

Tôi nhớ mãi những tô xôi của bà đã làm tôi ấm bụng, nhất là về mùa đông. Hồi đó, đọc sách tôi cũng đã biết được câu chuyện dưới đây. Tôi thường nói với bà đó là những “Bát xôi phiếu mẫu”.

Tôi không làm nên nghiệp lớn và cũng chẳng có ngàn vàng để tặng lại cho bà lão bán xôi. Nhưng trời đất cũng đã cho tôi một cơ hội để trả ơn bà lão qua việc giành lại bà từ tay thần chết. Lúc đó, tôi mới vừa ra trường. Sau một năm mang rải hồ sơ xin việc và ngồi nhà, tôi được tiếp nhận về công tác tại một Trạm y tế xã thuộc huyện Hòa Vang và được điều động tham gia đoàn y bác sĩ khám phát hiện bệnh phong cộng đồng ở bảy xã cánh nam của huyện.

Đoàn chúng tôi ăn ở tại các nhà dân suốt một tháng ròng rã. Sau đợt khám, chúng tôi được cho nghỉ xả hơi 10 ngày. Về nhà lấy đồ định đi Huế thăm vợ, nghe bên nhà bà lão bán xôi lao xao nhiều người, tôi vạch rào bước qua thấy bà đang nằm mê man… sắp chết. Người nhà cũng đã coi ngày giờ và định liệu chuyện mả mồ trong quê.

Tôi nghe nói hai ngày đến là hai ngày trùng, nên nếu có thể thì giúp kéo dài sự sống cho bà qua hai ngày đó để con cháu… được nhờ. Sau khi bàn bạc, tôi và một người thân của bà đạp xe xuống phố tìm các loại thuốc cần thiết và dịch truyền. Hồi đó, mấy ống thuốc “trợ tim” Cedilanide, người ta còn gọi là thuốc “hồi dương” tìm mua cũng khó.

Nhờ sự nỗ lực đêm ngày của tôi mà mọi người thở phào nhẹ nhõm khi qua được hai ngày đầu tiên. Rồi ngày thứ ba… thứ tư… thứ năm… lần lượt trôi qua. Đến ngày thứ mười khi tôi châm kim thì bà la toáng: “Đứa nào đâm tau đau điếng!”. Thế là bà sống thêm ba năm nữa khỏe mạnh. Ngày ngày vẫn đi bán xôi…

Nghề y và… thịt rắn

Anh em chúng tôi lớn lên một phần nhờ tắm ở dòng sông cổ tích của bà nội, mà trong đó có nhiều câu chuyện kể về rắn. Riêng tôi suy tôn thần Esculape làm thần bổn mệnh, nhận tấm bằng thầy thuốc và bước vào đời, (ngành y đã dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape - thần bổn mệnh của các thầy thuốc).

Cách đây vài chục năm, ăn thịt rắn đối với nhiều người đúng là “mọi rợ”. Chính mẹ tôi cũng bảo vậy và khẳng định vậy. Mẹ tôi quyết chẳng ăn bao giờ, thà nhịn đói còn hơn, đến bây giờ bà vẫn không ăn hay dùng những thứ gì có… rắn.

Trong quan niệm của nhiều người thời đó thì ai nghèo mới ăn, ai khổ mới ăn thịt rắn. Còn bây giờ, mọi chuyện đã đảo ngược, chỉ có những người giàu sang mới thưởng thức món thịt rắn, còn những ai nghèo “rớt mồng tơi” chớ có mơ đến món thịt rắn thơm tho dù là nhà hàng được cho là bình dân hay những nơi sang trọng.

Tốt nghiệp ra trường và về công tác tại địa phương có núi, ở vùng ngoại vi Đà Nẵng, gọi là Ngũ Hành Sơn, hành nghề và ở luôn tại đó. Đất lành chim đậu mà! Thỉnh thoảng có người nhờ tôi đi xem bệnh tại nhà. Nhà họ ở những nơi, mà chúng tôi vẫn gọi đùa là “vùng sâu, vùng xa”. Xung quanh nhà có ruộng nước và những bụi cây um tùm.

Trong một khung cảnh hoang sơ như vậy, tôi hỏi đùa ở đây có hay gặp... rắn không. Họ bảo trước đây thì nhiều, nhưng bây chừ hiếm hơn, vì rắn được cấp “passport” xuất cảnh sang Trung Quốc hết rồi. Chuyện đến đó thì quên.

Rồi vào sáng sớm của ngày sau đó khá lâu. Một bé gái phóng xe đạp hớt hải vào nhà bảo tôi tới nhà ba nó để… lấy rắn về làm thịt. Thì ra đêm trước ba của cô bé đi đơm cá bắt được mấy con rắn nước dài, mập cui. Họ dành tặng cho tôi.

Thỉnh thoảng tôi lại nhận được sự ưu ái như thế. Tôi luôn thầm nghĩ, đây như một cách bày tỏ lời cảm ơn của bệnh nhân đối với tôi, vì đã quan tâm đến sức khỏe của họ một cách chân tình. Chuyện tình cảm con người quả là lạ...

Một cách trả ơn của bệnh nhân

Đêm muộn, trời mưa lâm thâm, se lạnh, chiếc xe máy trở chứng, đạp, đề mấy lần cũng không nổ. Đẩy xe lên dốc cầu mồ hôi túa ra ướt đẫm dưới lớp áo mưa. Đường vắng. Lúc lên gần nửa dốc cầu, có hai thanh niên chạy vút qua và bóp phanh dừng lại. Hỏi: Chú hết xăng à? Chúng cháu sẽ lấy xăng sang cho. Tôi cảm ơn, xăng còn nhưng chắc chết bugi. Vậy thì chúng cháu chạy trước nhé!

Tôi tiếp tục độc hành nhưng lòng vui, vì lúc gần nửa đêm gặp những thanh niên trẻ tuổi biết quan tâm đến sự rủi ro của người khác. Tới được nửa cầu, phía sau có người chạy xe đến đèn xe sáng quắc. Nghe tiếng máy và thấy ánh đèn xe, biết rằng người chạy xe đang giảm tốc độ.

Chợt thấy xe phanh gấp và nghe tiếng hỏi: Có phải bác sĩ Phước không? Ừ! Con là con má T. hồi bác còn ở Hòa Hải má thường dắt sang khám bệnh và mua thuốc chịu. Hơn 15 năm rời Hòa Hải, tôi làm sao nhớ được hết những bệnh nhân và đặc biệt là một cậu bé mà bây giờ đã trở thành kỹ sư, từ Sài Gòn được đơn vị cử về Đà Nẵng công tác.

Tôi hỏi thêm vài câu và bắt đầu nhận diện ra chàng trai này. Chợt cậu ta nói: Bác chịu khó đẩy tiếp chút nhé. Rồi rú ga chạy mất hút trong đêm. Tôi nhặt trên đường thêm niềm vui vì có một bệnh nhân nhỏ tuổi sau hàng chục năm trời vẫn nhớ và nhận ra mình trong đêm trên đường đời xuôi ngược.

Tôi cắm cúi đẩy xe trên con đường mỗi lúc như rộng ra hơn và dài thêm hơn vào lúc gần nửa đêm vắng lặng. Từ bên kia đường thoáng bóng một người cầm trên tay chiếc hộp nhỏ lao qua và hổn hển lên tiếng: Xe bác hư gì con thay cho. Tôi dè dặt: Hỏng bugi. Thay nó bao nhiêu tiền.

Đáp: Chỉ mấy chục thôi. Tôi tiếp: Cụ thể là bao nhiêu? Đáp: 50 ngàn. Tôi phấn khởi: Vậy thì thay đi! Lúc tôi móc ví và chuẩn bị lấy tiền trả, một chiếc xe lướt tới, nghe giọng quen: Ê, đừng lấy tiền bác sĩ. Tôi nhận ra chàng trai bệnh nhân vừa gặp. Người thợ sửa xe cũng nhanh chóng phóc lên yên xe và cả hai biến mất trong đêm. Tôi là người vừa bắt được thêm niềm hạnh phúc.

MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.